Các chính sách giao thông chính thức có hiệu lực từ năm 2022
13:34 - 01/01/2022
Giảm phí sử dụng đường bộ cho ô tô
Theo Thông tư 120/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí vừa ban hành và sắp áp dụng, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục giảm 34 khoản phí, lệ phí đã điều chỉnh vào cuối kỳ năm 2021 thêm 6 tháng, từ ngày 1/1 - 30/6/2022, nhằm hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid.
Bộ Tài chính sẽ giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ cho các loại xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, bao gồm ô tô chở người, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng, của doanh nghiệp kinh doanh vận tải, hợp tác xã kinh doanh vận tải, hộ kinh doanh vận tải. Ngoài ra, mức phí sử dụng đường bộ cho xe tải, ô tô chuyên dùng, xe đầu kéo cũng sẽ giảm 10%.
Bên cạnh đó, lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cũng sẽ giảm 50%. Nói cách khác, lệ phí đối với việc cấp giấy chứng nhận cho xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi, không bao gồm xe cứu thương, theo quy định mới sẽ chỉ còn 50.000 đồng.
Đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, mức phí cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường sẽ giảm xuống chỉ còn 25.000 đồng.
Tăng mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm giao thông
Ngày 1/1/2022 cũng là thời điểm có hiệu lực của Luật sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đã được nâng lên thành 75 triệu đồng. Trước đó, mức phạt tiền cao nhất áp dụng cho hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực giao thông là 40 triệu đồng.
Cụ thể, Nghị định 123/2021 đã tăng gấp đôi mức phạt lỗi không đội mũ bảo hiểm với người điều khiển xe mô tô, xe máy so với mức hiện hành. Mức phạt hiện hành với hành vi người đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm là 200.000 - 300.000 đồng. Từ năm 2022, mức phạt này sẽ tăng lên mức 400.000 - 600.000 đồng theo Nghị định 123 vừa ban hành.
Bên cạnh đó, mức phạt với hành vi điều khiển ô tô không gắn đủ biển số, biển số gắn không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển sẽ tăng gấp 6 lần so với hiện tại. Điều này có nghĩa là mức phạt sau sửa đổi sẽ tăng lên mức 4-6 triệu đồng thay vì 800.000-1.000.000 đồng như hiện hành, áp dụng cho cả xe rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc.
Sử dụng thiết bị giám sát học viên học lái xe ô tô trên đường
Trước đây, theo Thông tư 38/2019/TT-BGTVT, việc trang bị và sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên để đào tạo lái xe ô tô được yêu cầu thực hiện từ ngày 1/1/2021.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, tại Thông tư 01/2021/TT-BGTVT, yêu cầu này đã được lùi thời điểm thực hiện đến ngày 1/1/2022. Cụ thể, khoản 12 Điều 1 Thông tư 01 nêu rõ: "Cơ sở đào tạo sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 31/12/2021; trang bị và sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 1/1/2022; trang bị và sử dụng ca bin học lái xe ô tô để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 1/7/2022."
Vì vậy, từ ngày 1/1/2022, việc học lái xe ô tô trên đường của học viên sẽ được quản lý kỹ hơn cả về thời gian và quãng đường học lái xe nhờ thiết bị giám sát.
Phạt xe kinh doanh vận tải không lắp camera hành trình
Trước đó, khoản 2 Điều 12 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định: "Trước ngày 1/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.[…]
Nếu không lắp camera hành trình theo đúng lộ trình nói trên, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng (theo điểm p khoản 5 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)."
Tuy nhiên, thời điểm xử phạt lỗi vi phạm này đã được tạm ngưng đến hết ngày 31/12/2021 tại Nghị quyết 66/NQ-CP năm 2021. Do vậy, kể từ ngày 1/1/2022, việc xử phạt không lắp camera hành trình sẽ chính thức được áp dụng.
Xử phạt xe kinh doanh vận tải không đổi biển trắng sang biển vàng
Khoản 2 Điều 26 Thông tư 58/2020/TT-BCA đã quy định: "Xe đang hoạt động kinh doanh vận tải trước ngày Thông tư này có hiệu lực, thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen trước ngày 31/12/2021."
Theo đó, nếu đến ngày 01/01/2022 mà xe kinh doanh vận tải chưa đổi biển vàng, chủ xe sẽ bị phạt vi phạm về lỗi không thực hiện đúng quy định về biển số tại điểm đ khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô không thực hiện đúng quy định về biển số, quy định về kẻ chữ trên thành xe và cửa xe.
Chủ xe kinh doanh vận tải là cá nhân sẽ phải nộp phạt cao nhất đến 4 triệu đồng, còn tổ chức kinh doanh vận tải phải nộp phạt lên đến 8 triệu đồng cho hành vi không đổi biển vàng theo quy định.
Hoàng Hiển
Bài viết mới nhất
-
Honda Việt Nam giới thiệu Vision 2025 với màu sơn nâu đen mới lạ
16 giờ trước
-
Chê Mazda CX-5 bồng bềnh, người dùng chọn Toyota Corolla Cross bản xăng và phải lòng vì những giá trị thiết thực
17 giờ trước
-
Cận cảnh Toyota Tundra 2025 mới ra mắt ở Úc, độ lại tay lái bên phải, giá khởi điểm từ 2,4 tỷ đồng
Hôm qua lúc 06:42