menu

Taxi điện tiêu tốn gần 20 triệu đồng tiền dịch vụ và khấu hao mỗi tháng

11:10 - 26/04/2023

Chi phí vận hành chính là một trong hai rào cản lớn của các doanh nghiệp taxi khi chuyển đổi sang taxi điện.

Theo Quyết định số 876 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải, từ năm 2025, toàn bộ xe buýt thay thế phải là xe điện, từ năm 2030 toàn bộ taxi thay thế là xe điện. Cho đến năm 2050, 100% xe buýt, taxi sẽ phải sử dụng nguồn năng lượng xanh.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050. Mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2030, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm thực hiện mức cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan của Việt Nam.

Giai đoạn đến năm 2050, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

Chi phí vận hành vẫn là rào cản

Ông Nguyễn Công Hùng - chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - nhận định với giá xăng dầu ngày càng đắt đỏ, ô tô điện thân thiện với môi trường sẽ trở thành xu thế tất yếu.

Qua nghiên cứu, Hiệp hội Taxi Hà Nội thấy ô tô điện vừa giảm thiểu tác động đến môi trường vừa có ưu thế hơn xe chạy xăng, dầu như: không cần thay nhớt, nước làm mát; không có tiếng ồn động cơ... Nếu dùng ô tô điện, các doanh nghiệp taxi sẽ tiết kiệm được một khoản lớn chi phí vận hành.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang taxi điện sẽ vấp phải hai rào cản chính. Thứ nhất là hạ tầng trạm sạc. Nếu ô tô điện cá nhân thiếu trạm sạc một phần thì doanh nghiệp taxi điện "khát" trạm sạc gấp hàng chục lần.

Xe taxi nói riêng hay các xe kinh doanh vận tải nói chung có những đặc thù riêng biệt. Đối với ô tô cá nhân, đa số chủ xe có thể sạc đầy pin vào ban đêm để sử dụng cho cả ngày hôm sau. Còn đối với xe taxi, thời gian hoạt động là 24/7, quãng đường di chuyển dài, phải dừng, đỗ, đón trả khách tại nhiều địa điểm trong một ngày, dẫn đến cần nạp năng lượng nhiều lần và tại nhiều địa điểm”, ông Hùng phát biểu.

Trạm sạc liên quan mật thiết đến hạ tầng của thành phố, phải được quy hoạch, xây dựng làm sao để thuận tiện cho việc đi lại giống như việc đi đổ xăng hiện nay để các tài xế không phải xếp hàng dài chờ đợi. Một trạm sạc phải có tiêu chí cụ thể là tải được bao nhiêu kWh điện, có tương thích chuẩn kết nối hay không, có thể sạc được bao nhiêu xe cùng một thời điểm...”, ông Hùng nói thêm.

Rào cản thứ hai là khả năng tài chính của doanh nghiệp khi giá một chiếc ô tô điện bao gồm pin sẽ có mức giá cao hơn xe chạy động cơ đốt trong thông thường. Để sớm chuyển đổi sang taxi điện, Nhà nước cần áp dụng những cơ chế, chính sách ưu đãi doanh nghiệp sử dụng loại xe này.

"Vòng đời kinh doanh của một chiếc taxi thông thường là 3-5 năm. Ví dụ giá trị đầu tư một chiếc Toyota Vios khoảng 470 triệu đồng, sau 5-7 năm kinh doanh sẽ thu hồi lại đủ vốn, doanh nghiệp bắt đầu thanh lý xe với mức lợi nhuận trên 50% và dùng số tiền này để tái đầu tư. Tuy nhiên, với xe điện thì câu chuyện hoàn toàn khác, khó khăn và rủi ro hơn rất nhiều. Nếu không cẩn trọng sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế”, ông Hùng phát biểu.

“Chúng tôi cũng đã tham khảo đơn giá niêm yết cho thuê taxi điện của GSM. Ví dụ một chiếc VF e34, giá cho thuê là 11 triệu đồng, thuê pin là 3.160.000 đồng. Để hoạt động, doanh nghiệp sẽ phải trả tiền điện để sạc cho xe khoảng 1,8 - 2 triệu đồng/tháng (tương đương quãng đường di chuyển trung bình 180 km/ngày). Tuy nhiên, GSM khống chế chỉ cho xe hoạt động khoảng 2.600 km/tháng, tương đương 86 km/ngày, vượt hạn mức sẽ thu thêm phụ trội 1.265 đồng/km. Như vậy, tổng mỗi tháng, một chiếc ô tô điện sẽ tiêu tốn gần 20 triệu đồng tiền dịch vụ và khấu hao. Với mức giá này, đa số các doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được”, ông Hùng chia sẻ thêm.

Đối với xe buýt, hiện tại giá một chiếc Vinbus chạy điện đến từ Tập đoàn Vingroup có giá lên tới 7 tỷ đồng/xe bao gồm pin giá 2 tỷ đồng. Ngoài ra, trong vòng đời 10 năm hoạt động, xe sẽ cần chi phí thay pin một lần, vậy tổng cộng cần 9 tỷ đồng trong 10 năm. Trong khi đó, xe buýt chạy động cơ diesel sức chứa tương đương có giá chỉ hơn 2 tỷ, tính cả chi chi phí bảo dưỡng, sửa chữa trong vòng đời 10 năm là khoảng 3 tỷ đồng. Như vậy, chi phí đầu tư cho phương tiện công cộng sử dụng nguồn năng lượng xanh có thể lên đến gấp 3 lần chi phí chạy nhiên liệu động cơ đốt trong truyền thống.

Chi phí đầu tư cho xe buýt điện trong 10 năm lên đến 9 tỷ đồng, gấp 3 lần xe buýt dùng động cơ diesel (ảnh minh họa)

Đánh giá: