menu

Cảnh báo nguy cơ cháy nổ xe ô tô, xe máy

15:59 - 23/03/2018

Cháy nổ xe ô tô có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như do nhiên liệu, chập điện hay do ý thức của người sử dụng. Các chủ phương tiện cần nắm một số yêu cầu an toàn để tránh cháy nổ.

Trong năm 2017 và đầu năm 2018, số xe ô tô cháy xuất hiện ngày càng nhiều và một số vụ chưa rõ nguyên nhân. Điển hình là vụ xe bán tải Mazda BT50 bất ngờ bốc cháy dữ dội, thiêu rụi toàn bộ xe khi đang dừng đỗ trước cổng Việm Kiểm sát nhân dân huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vào ngày 9/8/2017. Được biết, chủ xe chỉ mới mua chiếc xe được gần 1 năm và đi được gần 3 vạn km. Đáng chú ý, thời điểm xe bốc cháy, nhiệt độ ngoài trời xuống rất thấp, chỉ hơn 10 độ C nên nguyên nhân cháy do thời tiết là không thể xảy ra. 

Cảnh báo nguy cơ cháy nổ xe ô tô, xe máy

Nguyên nhân gây cháy nổ xe

Do nhiên liệu

Theo Tiến sĩ Vũ Thị Thu Hà, Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu, nhiên liệu sử dụng cho xe ô tô và xe máy có thể được pha chế với mục đích gian lận thương mại bằng cách lạm dụng phụ gia tăng RON, chỉ số octan trong xăng như pha xăng A83 để sản xuất ra A92, A95 có thể làm ảnh hưởng đến động cơ. Sử dụng RON trong pha chế sẽ làm nhiên liệu biến chất, dẫn đến trương nở hoặc phá hủy các chi tiết bằng vật liệu polymer, tạo ra các hợp chất trung gian không có lợi như màng polymer làm kẹt bơm xăng, vòi phun, các oxit kim loại làm hỏng bugi, bộ chuyển đổi xúc tác, hình thành các hợp chất FeS tự bắt cháy.

Có thể bạn quan tâm: 

>>> Nguy cơ cháy xe hơi khi để chai nước trong cabin dưới trời nắng 

>>> Kinh nghiệm xử lý khi động cơ ô tô quá nóng

>>> Malaysia khuyến cáo trang bị bình cứu hỏa mini trên ô tô

Cảnh báo nguy cơ cháy nổ xe ô tô, xe máy

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Viện phó Viện Khoa học Hình sự với hơn 30 năm điều tra về các vụ án cháy nổ còn chỉ ra một loại chất khác cũng có thể gây cháy nổ xe. Tiến sĩ cho biết: “Xăng pha hàm lượng methanol cao sẽ làm hỏng nhanh các chi tiết bằng nhựa và cao su trong động cơ như gioăng, làm độ kín khít của động cơ giảm, khiến nhiên liệu rò rỉ ra ngoài, gặp tia lửa điện, gây cháy nổ.”

Do chập điện

Phó Viện trưởng Viện cơ khí động lực, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng hệ thống điện là nguyên nhân lớn nhất gây ra cháy nổ xe. Theo ông Tuấn, xe mới hay xe cũ đều có khả năng cháy nổ cao khi hệ thống phụ tùng, nhất là hệ thống điện, dây tiếp xúc, tiếp điểm, rơ le, sạc ác quy,… có độ bền nhiệt không đáp ứng yêu cầu hoặc hoạt động trong điều kiện quá khắc nghiệt.

Cảnh báo nguy cơ cháy nổ xe ô tô, xe máy

Trường hợp hệ thống bảo vệ đường điện không tốt kết hợp với việc bố trí các đường điện không cố định hay gần nguồn nóng từ động cơ có thể dẫn đến hiện tượng như cọ xát cơ khí và gây chập điện hay biến dạng nhiệt dẫn đến cháy nổ xe.

Ngoài ra, việc hệ thống tản nhiệt làm mát bị hỏng cũng khiến cho nhiệt độ của động cơ và các hệ thống phụ trợ tăng quá cao, dẫn đến lão hóa nhanh hoặc nóng chảy, thậm chí cháy các bộ phận bằng nhựa và dây dẫn điện, gây chập điện làm cháy xe.

Do ý thức

Báo cáo của Thạc sĩ Nguyễn Văn Phương, Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ ra rằng có 8% người dùng xe máy và 30% người sử dụng ô tô quan tâm đọc tài liệu hướng dẫn sử dụng phương tiện. Trong khi đó, số người dùng xe máy, xe ô tô không kiểm tra sơ bộ tình trạng phương tiện trước khi khởi hành lần lượt là 65% và 80%. Đặc biệt, có đến gần 90% người dùng xe máy chủ quan khi đi vào khu vực có chất gây cháy.

Từ kết quả khảo sát trên, việc người dùng thiếu ý thức trong kiểm tra, bảo dưỡng xe cũng là nguyên nhân dẫn đến cháy nổ.

Mặt khác, các garage lắp ráp thêm thiết bị không theo thiết kế của nhà sản xuất hay bảo dưỡng sửa chữa không đúng cách, sử dụng phụ tùng không đảm bảo có thể dẫn đến chập điện và gây cháy nổ.

Nguyên nhân khác

Cháy nổ xe ô tô, xe máy còn có thể đến từ những nguyên nhân khác. Một vụ tai nạn hay va chạm xe sẽ làm cho nhiên liệu như xăng, dầu, nhớt, kể cả chất lỏng làm mát bị rò rỉ ra ngoài dưới tác động mạnh, kết hợp với nhiệt độ cao hay có tia lửa ngẫu nhiên làm cho xe bốc cháy.

Cảnh báo nguy cơ cháy nổ xe ô tô, xe máy

Ngoài ra, nhiệt độ cao trong khoang máy cũng là nguyên nhân gây ra các vụ cháy bất thường mà lái xe ít khi nhận ra.

Phòng tránh cháy nổ xe ô tô, xe máy

Theo chuyên gia Phòng cháy chữa cháy (PCCC), người sử dụng phương tiện không nên lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện khác như thiết bị bảo vệ, còi, đèn,… Trường hợp lắp thêm cần đảm bảo không quá tải về điện. Đồng thời, chủ xe cần chủ động kiểm tra, tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng để phát hiện và khắc phục sự cố kịp thời. Lưu ý, cần mang xe đến điểm bảo trì, bảo dưỡng đảm bảo chất lượng để tránh trường hợp xe thêm hư hỏng và mất tiền.

Cảnh báo nguy cơ cháy nổ xe ô tô, xe máy

Khi để xe trong nhà, nơi trông giữ xe, chủ xe cần tắt khóa điện, đóng khóa xăng và để xa nơi có nguồn lửa, nguồn nhiệt.

Đối với việc sử dụng nhiên liệu (xăng, dầu), chuyên gia PCCC cũng lưu ý người dùng nên chọn đúng chủng loại, chất lượng quy định, không mua xăng, dầu ở các điểm bán không được phép kinh doanh. Ngoài ra, chủ xe tuyệt đối không để các chất dễ cháy, dễ bắt cháy trong xe, dưới yên xe, trong khoang động cơ. Các chủ xe ô tô cần tự trang bị các bình chữa cháy phù hợp theo quy định của Luật phòng cháy, chữa cháy để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Riêng các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy cần nâng cao chất lượng các chi tiết trước khi bán ra thị trường như tăng hệ số an toàn của hệ thống điện, hệ thống nhiên liệu, các vật liệu chế tạo phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu và thích ứng với các loại nhiên liệu đang được sử dụng và lưu hành trên thị trường. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sử dụng các ống dẫn nhiên liệu, dây dẫn điện bằng chất liệu chống cháy, chống chuột cắn, có độ bền cao.

Xem thêm: Tránh nguy hiểm khi lái xe ô tô dưới trời nắng nóng

Đánh giá: