menu

Phân biệt lỗi sai làn và không tuân thủ vạch kẻ đường để tránh bị phạt oan

14:58 - 12/04/2022

Nhiều người thường bị nhầm lẫn giữa lỗi sai làn và không tuân thủ vạch kẻ đường. Mức phạt cho 2 lỗi này cũng chênh nhau rất nhiều.

Quy định mức xử phạt của lỗi sai làn và không tuân thủ vạch kẻ đường

Đi sai làn đường bị phạt bao nhiêu?

Đối với xe ô tô

Căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng nếu vi phạm lỗi "Đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều); điều khiển xe qua dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy" (Điểm đ, Khoản 5, Điều 5).

Trong trường hợp đi không đúng phần đường, làn đường mà gây tai nạn sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 - 12.000.000 đồng (Điểm a, Khoản 7, Điều 5). Ngoài ra, người vi phạm sẽ bị phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng (Điểm c, Khoản 11, Điều 5).

Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng với người điều khiển ô tô đi sai làn đường.

Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng với người điều khiển ô tô đi sai làn đường (ảnh minh họa)

Đối với xe máy

Căn cứ vào Điểm g Khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe máy vi phạm lỗi "điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều); điều khiển xe đi qua dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy" sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 4.000.000 - 5.000.000 đồng (Điểm b, Khoản 7, Điều 6), đồng thời tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng (Điểm c, Khoản 10 tại Điều 6).

Người điều khiển xe máy đi sai làn đường

Người điều khiển xe máy đi sai làn đường có thể bị phạt lên đến 5 triệu đồng (ảnh minh họa)

Không tuân thủ vạch kẻ đường phạt bao nhiêu?

Đối với ô tô

Phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng nếu người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm lỗi "không chấp hành vạch kẻ đường" (Điểm a, Khoản 1, Điều 5). Nếu gây tai nạn, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng (Điểm c, Khoản 11, Điều 5).

Đối với xe máy

Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng nếu vi phạm lỗi không tuân thủ vạch kẻ đường (căn cứ theo Điểm a, Khoản 1, Điều 6). Ngoài ra, người điều khiển phương tiện sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông (theo Điểm c, Khoản 10, Điều 6).

Nhiều người bị nhầm lẫn giữa lỗi sai làn và không tuân thủ vạch kẻ đường

Nhiều người bị nhầm lẫn giữa lỗi sai làn và không tuân thủ vạch kẻ đường

Phân biệt lỗi đi sai làn và không tuân thủ vạch kẻ đường

Thế nào là đi sai làn đường?

Để biết mình vi phạm lỗi sai làn hay không tuân thủ vạch kẻ đường, các chủ xe cần nắm rõ được thế nào là đi sai làn. Theo Khoản 3.15, Điều 3 của QCVN 41:2019/BGTVT, "làn đường là một phần của đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có đủ bề rộng cho xe chạy an toàn. Một phần đường xe chạy có thể có một hoặc nhiều làn đường". Trong khi đó, khoản 3.53, Điều 3 quy định: "trên đường có từ hai làn xe cơ giới mỗi chiều trở lên (được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường), người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường".

Như vậy, đi sai làn đường là điều khiển xe đi vào làn đường không dành cho phương tiện đó trên đoạn đường đã được chia thành nhiều làn và được phân biệt bằng vạch kẻ đường.

Người điều khiển xe máy vi phạm lỗi sai làn khi đi vào làn đường xe ô tô.

Người điều khiển xe máy vi phạm lỗi sai làn đường khi đi vào làn đường dành cho ô tô.

Cách nhận biết làn đường là xem biển báo

Theo Quy chuẩn 41:2019 do Bộ GTVT ban hành, nhóm biển báo R.412 (a,b,c,d,e,f,g,h) báo hiệu cho người tham gia giao thông biết có làn đường dành riêng cho từng loại xe hoặc nhóm xe riêng biệt. Biển được đặt ở đầu đường theo chiều xe chạy, phía trên làn xe. Các loại phương tiện khác không được chạy vào làn đường có đặt biển này (trừ xe ưu tiên theo quy định). Trong đó, biển báo R.412e báo hiệu làn đường dành riêng cho xe buýt.  Bên cạnh đó, còn có biển gộp làn đường theo phương tiện R.415a.

biển báo R.412 (a,b,c,d,e,f,g,h) báo hiệu cho người tham gia giao thông biết có làn đường dành riêng cho từng loại xe nhoặc nhóm xe riêng biệt

Biển báo R.412 báo hiệu cho người tham gia giao thông biết có làn đường dành riêng cho từng loại xe hoặc nhóm xe riêng biệt

biển gộp làn R.415 có ý nghĩa phân làn đường, các phương tiện phải đi đúng làn đường như trên biển.

Biển gộp làn R.415 có ý nghĩa phân làn đường, các phương tiện phải đi đúng làn đường như trên biển. Nếu không chấp hành sẽ vi phạm lỗi sai làn.

Thế nào là lỗi không tuân thủ vạch kẻ đường?

Lỗi không tuân thủ vạch kẻ đường là không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của biển báo và vạch kẻ đường. Lỗi này thường xảy ra ở nơi có đặt biển R.411.

Biển R.411 "Hướng đi trên mỗi là đường theo vạch kẻ đường" thường được phối hợp với vạch kẻ đường để báo hiệu cho người tham gia giao thông biết được số làn đường và hướng đi trên mỗi làn đường theo vạch kẻ đường.

Biển R.411 chỉ có hiệu lực phạt khi đi kèm vạch kẻ đường.

Biển R.411 thường được đặt với vạch kẻ đường.

Ví dụ, tài xế điều khiển xe rẽ trái hoặc rẽ phải nhưng đi vào làn có mũi tên thẳng thì sẽ coi là lỗi không tuân thủ vạch kẻ đường.

Lưu ý:

Nếu vạch kẻ phân cách làn theo hướng di là vạch liền, các phương tiện chuyển làn để di chuyển theo hướng định đi trước khi vào khu vực đó và không được đè vạch. Nếu vạch kẻ là nét đứt, phương tiện được chuyển sang các làn theo hướng đi khác, nhưng phải chuyển xong trước khi tới vạch dừng xe.

Đi vào làn đường khẩn cấp trên đường cao tốc có bị phạt không?

Làn đường khẩn cấp thường được phân biệt với các làn đường chính trên cao tốc bằng một vạch sơn liền màu trắng phản quang. Các xe được phép di chuyển ở làn đường khẩn cấp là các xe thuộc dạng ưu tiên (xe cảnh sát, chữa cháy, cứu thương...).

Bạn sẽ chỉ được dừng ở làn đường dừng khẩn cấp nếu đang trong trường hợp khẩn cấp (xe bị hư hỏng, lốp thủng, cần trợ giúp y tế...).

Trường hợp đi vào làn đường khẩn cấp sẽ bị áp dụng phạt lỗi sai làn đường.

Trường hợp đi vào làn đường khẩn cấp sẽ bị áp dụng phạt lỗi sai làn đường.

Tất cả các lý do khác như tắc đường, nghỉ ngơi, nghe điện thoại,... đều không được chấp nhận. Bạn sẽ không được phép di chuyển trong làn đường dừng khẩn cấp chỉ trừ khi bạn được cảnh sát giao thông hoặc người có thẩm quyền yêu cầu/cho phép.

Nếu chạy vào làn đường này sai quy định, bạn sẽ bị xử phạt theo lỗi đi sai làn đường như đã nêu ở trên. 

Đánh giá: