Đèn nhiên liệu báo sáng, ô tô của bạn còn đi được bao xa?
16:24 - 09/04/2025
Đèn nhiên liệu báo sáng, ô tô của bạn còn đi được bao xa?
Trong khoảnh khắc đang lái xe giữa cao tốc hay len lỏi qua những con đường đô thị tấp nập, rất nhiều lần tài xế sẽ gặp tình huống vạch nhiên liệu báo đỏ trên taplo. Trên bảng điều khiển của xe, đèn cảnh báo nhiên liệu hiển thị như một chiếc bình xăng nhỏ, đôi khi kèm dấu vạch chỉ dấu màu đỏ rực và chữ E. Khi đèn này sáng, nghĩa là mức nhiên liệu trong bình đã đạt ngưỡng thấp và xe cần được đổ xăng trong thời gian gần nhất. Tuy nhiên, một số tài xế mới vẫn hiểu nhầm rằng điều này đồng nghĩa với việc xe sắp chết máy.

Đồng hồ nhiên liệu đến vạch E hoặc vạch đỏ là dấu hiệu nhiên liệu sắp cạn, ngưỡng F là dấu hiệu đầy
Trên thực tế, khi đèn báo sáng, xe vẫn có thể tiếp tục di chuyển từ 30 đến 80 km, tùy thuộc vào mức tiêu hao nhiên liệu và loại xe. Đây là mức dự trữ nhất định do nhà sản xuất ô tô thiết lập để người lái kịp thời gian đến cây xăng gần nhất. Trên thực tế, nếu đèn xăng đã chạm vạch E hoặc vạch đỏ, đồng nghĩa với việc trong bình chứa chỉ còn khoảng 10 - 15% dung tích tổng thể của bình nhiên liệu.
Ở các xe ô tô hiện đại, xe sẽ tự tính toán để dự đoán quãng đường mà bạn còn đi được cụ thể là bao nhiêu và hiện con số cảnh bảo, dựa vào mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình của xe bạn.
Nguy cơ nào nếu để xe hết nhiên liệu?
Nếu bạn để xe bạn hết xăng hoặc là thường xuyên vận hành trong tình trạng cảnh báo nhiên liệu thấp, câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc xe chết máy. Khi bình nhiên liệu càng gần về mức 0, có rất nhiều hệ lụy tác động xấu đến xe của bạn.
- Bơm nhiên liệu cần được làm mát bằng chính lượng xăng trong bình, trong điều kiện bình thường. Để vận chuyển nhiên liệu đến động cơ sẽ cần một bơm nhiên liệu hoạt động như một motor điện. Quá trình đi qua bơm nhiên liệu để tới động cơ, nhiên liệu sẽ làm mát các cuộn dây đồng. Nếu tiếp tục lái xe với bình nhiên liệu cạn, không khí sẽ thay chất lỏng qua bơm nhiên liệu và phải đảm nhiệm công việc làm mát cho cuộn dây đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng không thể loại bỏ nhiệt khỏi cuộn dây một các hiệu quả, dẫn đến motor điện có thể bị quá nhiệt và hư hại.
Khi nhiên liệu xuống quá thấp, bơm có thể hút cặn bẩn hoặc không khí, gây nóng và hỏng hóc.
- Hệ thống phun nhiên liệu cũng là một bộ phận dễ bị hư hỏng do cặn. Theo lý thuyết, hệ thống này sẽ vận chuyển nhiên liệu từ bình chứa đến buồng đốt. Tuy nhiên, việc lái xe khi bình xăng đã cạn khiên bơm hút cả cặn trong bình chứa và đưa vào hệ thống phun nhiên liệu, làm tắc vòi phun. Do đó, ngay cả khi được bơm, nhiên liệu cũng không thể nào đến được buồng đốt. Vì vậy, người lái sẽ không thể khởi động xe trong trường hợp này
- Hệ thống cung cấp nhiên liệu sẽ chịu áp lực nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên. Lâu dài, các bộ phận như lọc xăng, kim phun, buồng đốt có thể bị ảnh hưởng.
- An toàn giao thông cũng bị đe dọa. Xe chết máy giữa đường, đặc biệt trên cao tốc hoặc đèo dốc, có thể gây nguy hiểm cho bạn và các phương tiện khác.
Làm gì khi đèn cảnh báo hết nhiên liệu sáng
- Giữ bình tĩnh và kiểm tra bản đồ để tìm cây xăng gần nhất, đổ xăng sớm nhất khi có thể
- Căn khoảng cách của xe tới cây xăng gần nhất để điều tiết cách lái xe và sử dụng ô tô. Nếu như khoảng cách của xe bạn đến cây xăng khá xa hoặc đang gặp tình trạng tắc đường, hãy tắt các thiết bị phụ tiêu hao năng lượng như điều hoà, radio, sưởi ghế...Lái xe tiết kiệm nhiên liệu bằng cách đi đều ga, hạn chế phanh gấp và tăng tốc đột ngột.
Có nên chờ đèn cảnh báo nhiên liệu bật mới đổ xăng?
Đừng để đèn cảnh báo nhiên liệu bật sáng mới đi đổ xăng. Hãy chủ động và tạo thói quen đổ xăng định kỳ và luôn quan sát đồng hồ nhiên liệu trước mỗi hành trình. Khi kim chỉ xuống dưới mốc 1/4, đó là lúc nên bắt đầu tìm kiếm trạm đổ gần nhất và đổ xăng đầy bình.
Đèn cảnh báo hết nhiên liệu là tín hiệu để người lái nhớ rằng, sự chuẩn bị đối với chiếc xe không chỉ là yếu tố an toàn, mà còn giúp kéo dài tuổi thọ các bộ phận quan trọng như bơm nhiên liệu, động cơ hay hệ thống cung cấp nhiên liệu.
Trong thời đại mà công nghệ GPS, ứng dụng tìm kiếm trạm xăng và thiết bị đo hiện đại đã hỗ trợ tối đa, người lái xe lại càng có thêm lý do để tránh rủi ro hết xăng giữa đường. Đừng bao giờ để hết xăng trở thành lý do khiến chuyến đi của bạn trở nên rắc rối.

