Tháng tổng kiểm tra xe gắt gao, người chơi xe phân khối lớn cần lưu ý những lỗi này
Kuro 14:53 - 17/07/2019
Bộ Công an vừa công bố kế hoạch hành động, từ ngày 15/7 đến 14/8/2019, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ thực hiện tổng kiểm tra đối với ôtô chở khách, ôtô vận tải container và xe mô tô, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trong đó tập trung vào các vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như: Nồng độ cồn, ma túy, quá tốc độ, vi phạm phần đường, làn đường, tránh vượt, dừng đỗ, chở quá số người và không đội mũ bảo hiểm.
CSGT thực hiện tổng kiểm tra các phương tiện tham gia giao thông
Trong đó, việc tiến hành kiểm tra và kiểm soát xe phân khối lớn cũng sẽ được làm chặt chẽ hơn trong tháng cao điểm này. Như vậy, người điều khiển xe phân khối lớn cần biết những lỗi vi phạm dưới đây cùng mức xử phạt để "chuẩn bị" cho chiếc xe của mình mỗi khi ra đường.
1. Độ pô
Việc độ pô trên các mẫu xe côn tay là rất phổ biến trên thế giới, vì nó sẽ khiến chiếc xe có tiếng nổ uy lực hơn và cũng trở nên đẹp hơn, tăng công suất. Tuy nhiên, ở Việt nam thì trong bộ luật không hề cho phép thay đổi kết cấu pô của xe nên việc này sẽ là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt.
Độ pô xe có tiếng ồn lớn sẽ bị xử phạt
Luật giao thông đường bộ năm 2008 có quy định như sau:
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
13. Lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.
Việc độ pô để tạo âm thanh to hơn so với thiết kế của nhà sản xuất là hành vi bị nghiêm cấm. Và chế tài xử phạt cũng đã có sẵn trong trường hợp này.
Chế tài xử phạt với hành vi độ pô
Điều 55. Bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ
1. Việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Không được cải tạo các xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách.
2. Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. …”
Căn cứ điểm b Khoản 2 Điều 17 Nghị định 46/2016/NĐ-CP:
“… 2.Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
… b)Điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn; …”
Tuy nhiên, trong trường hợp việc thay đổi này là do bạn thực hiện thì căn cứ điểm c Khoản 4 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP:
“Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ
… 4.Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: …
c)Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe ; …”
2. Độ đèn
Độ đèn là một trong những công việc mà hầu hết các biker sở hữu xe côn tay đều làm ngay sau khi mua được chiếc xe của mình. Cũng bởi các cung đường tại nước ta và nhất là ở đường đèo núi thường rất thiếu sáng và kém an toàn. Thế nhưng, đã độ đèn rồi thì không phải ai cũng biết sử dụng sao cho văn minh, lịch sự.
Độ và sử dụng đèn trợ sáng không đúng quy định sẽ bị xử phạt
Theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật giao thông đường bộ, chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Điều 17 nghị định số 171/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với hành vi vi phạm:
c) Điều khiển xe không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế.
d) Điều khiển xe không có hệ thống hãm hoặc có nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.
đ) Điều khiển xe lắp đèn chiếu sáng về phía sau xe.
3. Lắp biển số sai quy định
Xe phân khối lớn thường cắt bỏ chắn bùn sau, biển đút gầm là sai quy định
Không còn quá lạ lẫm khi nhiều xe phân khối lớn hay thậm chí là phân khối nhỏ sau khi mua về, chủ nhân của nó đã loại bỏ phần chắn bùn sau cũng như pad bắt biển số nguyên bản. Việc này làm tăng tính thẩm mĩ cũng như khoe ra dàn chân sau khỏe khoắn của chiếc xe. Thế nhưng, việc di chuyển biển số và lắp vào những vị trí khác sai quy định sẽ là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt như sau.
Căn cứ điểm b Khoản 1 Điều 17 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông như sau:
"Phạt tiền từ 80.000 đến 100.000 đồng đối với các hành vi sau đây: Điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định, biển số không rõ chữ, biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng."
Ngoài ra, việc thay thế biển số đút gầm cũng sẽ bị liệt vào hành vi "tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe". Hành vi này, theo Khoản 3 Điều 30 Nghị định 107/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, sẽ bị phạt tiền từ 1.600.000 đến 2.000.000 đồng.
4. Độ, thay đổi kết cấu xe
Tại khoản 1, 2 điều 33 của Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ cũng nêu rõ:
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với chủ xe moto vi phạm một trong các hành vi sau đây:
- Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định;
- Tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với Giấy đăng ký xe.
Độ xe chưa được kiểm định cũng như hợp pháp hóa tại Việt Nam
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với chủ xe moto vi phạm một trong các hành vi sau đây:
- Tự ý đục lại số khung, số máy;
- Tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe;
- Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước của xe;
- Khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại biển số, Giấy đăng ký xe;
- Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật điều khiển xe tham gia giao thông.
Như vậy, theo bộ luật trên thì việc thay đổi kết cấu của xe máy sẽ bị xử phạt tuỳ theo mức độ từ 100.000 đồng tới 1.000.000 đồng.
5. Quá tốc độ
Điều kiện đường xá cũng như các cơ sở tốc độ trong các con đường tại Việt Nam hầu hết đều chưa thể đáp ứng cho những cỗ máy trên xe phân khối lớn. Cũng vì thế, người sở hữu xe phân khối lớn tại Việt Nam thường khá "khổ sở" khi phải kìm hãm chiến mã của mình trên những cung đường và đôi khi chỉ cần một cú tăng ga, chiếc xe đã bị xử phạt vị quá tốc độ cho phép.
Điều khiển xe quá tốc độ cho phép sẽ bị phạt nặng
Đối chiếu quy định Điều 12 Luật gia thông đường bộ năm 2008 và điều 6 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì:
- Nếu chạy xe quá tốc độ quy định từ 5 – 10km/h: Phạt 100.000 đồng – 200.000 đồng (theo điểm c khoản 3 Điều 6 Nghị định 46)
- Nếu chạy xe quá tốc độ quy định từ 10 – 20km/h: Phạt từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng (theo điểm a khoản 5 Điều 6)
- Nếu chạy xe quá tốc độ gây tai nạn giao thông: Phạt 02 – 03 triệu đồng (theo điểm b khoản 7 Điều 5)
- Nếu chạy xe quá tốc độ quy định trên 20km/h: Phạt từ 03 – 04 triệu đồng (theo điểm a khoản 8 Điều 5).
Ngoài việc áp dụng hình phạt chính là phạt tiền, thì người tham gia giao thông có thể bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng nhưng chỉ trong trường hợp điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h.
Bài viết mới nhất
-
Đánh giá nhanh BYD Xia mới ra mắt: Xe MPV mới của Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với Kia Carnival, giá từ 820 triệu đồng
22 giờ trước
-
Dân chơi tài chính sở hữu dàn siêu xe đẳng cấp ở Vũng Tàu
Hôm qua lúc 10:24
-
Bất ngờ với Haval H6 "bán chạy như tôm tươi" tại Brazil nhưng lại lận đận ở Việt Nam
Hôm qua lúc 08:51