menu

Người tham gia giao thông có thể bị phạt 7 năm tù vì lỗi này

11:27 - 16/02/2023

Khởi tố lái xe thấy người gặp nạn ở tình trạng nguy hiểm đến tính mạng mà không cứu trong vụ 4 người tử vong trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Ngày 15/2/2023, cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Thành (Tiền Giang) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam lái xe Mai Văn Khởi (40 tuổi, trú tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) để điều tra hành vi "Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng".

Vụ việc xảy ra vào rạng sáng 2/2, chiếc xe 16 chỗ chở gia đình ông Lê Văn Nhanh (Tiền Giang) đi Đồng Nai, trên xe lúc đó có 12 người (bao gồm 1 tài xế). Khi di chuyển trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương thì va chạm với xe đầu kéo do tài xế Mai Văn Khởi điều khiển (xe đầu kéo đang chạy cùng chiều phía trước, tài xế Khởi khi phát hiện ra hệ thống phanh có vấn đề nên đã cho xe chạy chậm dưới 35 km/h, di chuyển ở làn sát dải phân cách của cao tốc TP.HCM - Trung Lương).

Sau khi xảy ra tai nạn, tài xế Mai Văn Khởi xuống xe thấy chiếc ô tô 16 chỗ bị hư hỏng, người trên xe bị thương nặng nhưng không trình báo công an mà lái xe rời khỏi hiện trường. Đã có 4 người tử vong trong vụ tai nạn này. 

Hình ảnh chiếc ô tô 16 chỗ bị hư hỏng nặng trong vụ tai nạn trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Hình ảnh chiếc ô tô 16 chỗ bị hư hỏng nặng trong vụ tai nạn trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương. 

Không cứu giúp người bị tai nạn sẽ bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ theo Điều 132 "Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: 

"1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."

Như vậy, nếu vô tình gây ra tình trạng nguy hiểm hoặc thấy người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (dù có điều kiện giúp) mà không cứu giúp sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm, tùy trường hợp cụ thể. Ngoài ra còn có thể bị cấm đảm nhận chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Xử phạt trường hợp gây tai nạn rồi bỏ trốn 

Trong trường hợp lái xe gây tai nạn rồi bỏ trốn thì mức xử phạt sẽ như sau:

Căn cứ tại Điểm b, Khoản 8, Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 16.000.000 - 18.000.000 đồng nếu người điều khiển ô tô, các loại xe tương tự ô tô gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.

Ngoài ra, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô bỏ chạy sau khi gây tai nạn còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 - 7 tháng (Điểm đ, Khoản 11, Điều 5).

Chưa hết, gây tai nạn rồi bỏ trốn thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo Khoản 2, Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về "Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", nếu gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn sẽ bị phạt tù từ 3 - 10 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội có thể bị cấm đảm nhận chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Đánh giá: