menu

Độ pô gây náo loạn đường phố có thể bị phạt tiền lên đến 160 triệu đồng

08:59 - 18/05/2022

Việc độ pô, "nẹt" pô của nhiều thanh niên đang là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội hiện nay. Vậy mức xử phạt cho hành vi này là gì? Hãy cùng tìm hiểu với Tinxe.

Vấn nạn đua xe, lạng lách, đánh võng cùng tiếng "nẹt pô" inh tai nhức óc của nhiều thanh niên trẻ gây ra sự bức xúc lớn đối với cộng đồng. Không chỉ gây mất trật tự an toàn giao thông mà hành vi này còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Độ pô xe máy có vi phạm pháp luật không?

Ống xả xe máy (pô) có nhiệm vụ đưa khí thải từ bên trong ra bên ngoài giúp giải nhiệt, giảm âm thanh của luồng khí khi xe vận hành. Tuy nhiên, các "dân chơi" lại muốn tiếng nổ của pô to hơn, giòn hơn để tạo ra sự khác biệt, thể hiện cái tôi của mình.

Trên thực tế, hành vi này bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Hành vi độ thêm ống xả đã vi phạm Điều 8 của Luật giao thông đường bộ 2008, cụ thể: "Lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới, sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn xã hội, trật tự công cộng".

Độ pô xe là vi phạm quy định pháp luật.

Độ pô xe là hành vi vi phạm quy định của pháp luật.

Mức phạt đối với hành vi độ pô xe máy là bao nhiêu?

Theo Điểm c, Khoản 5, Điều 30 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 800.000 - 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 - 4.000.000 đồng đối với tổ chức nếu vi phạm lỗi: "Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe".

Ngoài ra, người điều khiển xe máy, xe mô tô độ pô vào buổi tối và gây mất trật tự công cộng có thể bị xử phạt theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi gây tiếng ồn lớn. Hành vi vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung, ảnh hưởng đến người dân xung quanh sẽ bị phạt như sau:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng nếu "gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau" (theo Điểm a, Khoản 1, Điều 6 tại NĐ 167). Bên cạnh đó, người vi phạm sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Trong trường hợp vi phạm quy định chuẩn tiếng ồn, người điều khiển phương tiện có thể bị xử phạt theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, mức vi phạm cao nhất lên tới 160.000.000 đồng. Căn cứ theo Điều 17, mức phạt cụ thể cho hành vi vi phạm các quy định về tiếng ồn" như sau:

- Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dBA.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dBA đến dưới 05 dBA.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA.

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA.

- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA.

- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA.

- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA.

- Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA.

- Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA.

Trong đó, tiêu chuẩn độ ồn được cho phép theo tiêu chuẩn quốc gia như sau:

Khu vực Từ 6h - 18h Từ 18h -  22h Từ 22h - 6h
1. Khu vực cần đặc biệt yên tĩnh: Bệnh viện, thư viện, nhà điều dưỡng, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, chùa chiền  50 45 40
2. Khu dân cư, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính (là khu vực để ở và làm việc hành chính là chủ yếu. Mọi cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ khi nằm trong khu vực này đều không được gây ra tiếng ồn cho khu vực vượt quá giá trị giới hạn cho phép tương ứng nêu trong bảng. 60 55 50
3. Khu dân cư xen kẽ trong khu vực thương mại, dịch vụ, sản xuất (là khu vực hoạt động thương mại, dịch vụ và sản xuất là chủ yếu, trong đó có thể là khu dân cư nằm kề hoặc xem kẽ với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương nghiệp và dịch vụ) 75 70 50

Đơn vị: dBA

Như vậy, việc độ pô là sai quy định của pháp luật, nếu chủ phương tiện này còn thực hiện hành vi "nẹt" pô, gây ồn ào, vi phạm quy định chuẩn về tiếng ồn thì có thể bị xử phạt ở mức cao nhất lên đến 160 triệu đồng.

Đánh giá: