menu

Có thể bạn chưa biết: Nộp phạt nguội không đúng hạn sẽ bị tính thêm "lãi" và bị từ chối đăng kiểm

10:26 - 04/01/2023

Nếu nảy sinh ý định trốn phạt nguội thì các bác tài nên ngừng suy nghĩ ấy lại vì hệ quả sau đó tốn thời gian và tiền bạc hơn để khắc phục.

Câu chuyện phạt nguội vẫn luôn là đề tài nóng hổi, nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bác tài. Không phủ nhận rằng, từ khi có chế tài phạt nguội, tình trạng vi phạm giao thông đã được giảm đáng kể. Thế nhưng, không phải tất cả tài xế đều có ý thức tự giác lái xe đúng quy định khi tham gia giao thông và vẫn còn không ít trường hợp vi phạm. Thậm chí, có người nảy sinh cả ý định trốn phạt nguội. Vậy, sau khi nhận giấy báo phạt nguội mà người vi phạm không chịu nộp phạt thì sao? Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn giải đáp thắc mắc này.

Không nộp phạt nguội có được không?

Câu trả lời tất nhiên là không. Khi nhận được giấy thông báo phạt nguội, bạn bắt buộc phải thực hiện việc nộp phạt. 

Căn cứ vào Khoản 1, Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo; trường hợp ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì sẽ theo thời gian đó.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Chậm nộp phạt nguội sẽ bị xử phạt như thế nào?

Theo Khoản 1, Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính, nếu quá thời hạn nêu trên thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Ví dụ, bạn bị phạt nguội 5 triệu đồng với lỗi vượt đèn đỏ, số ngày chậm nộp phạt của bạn là 10 ngày thì tổng cộng bạn phải nộp: 5.000.000 + (0,05% x 5.000.000 x 10) = 5.000.000 + 25.000 = 5.025.000 đồng. Nếu bạn cố tình "bơ" thông báo phạt nguội càng lâu thì số tiền càng lớn. Bên cạnh việc tính "lãi" cho thời gian chậm nộp phạt, xe ô tô của bạn còn bị từ chối đăng kiểm.

Thông tư 15/2022/TT-BCA quy định, thời hạn gửi thông báo cảnh báo đăng kiểm ô tô sẽ là 20 ngày (tính theo ngày thông thường chứ không phải ngày làm việc). Nếu sau 20 ngày kể từ ngày cơ quan Công an gửi thông báo phạt nguội mà người vi phạm không đến giải quyết thì phương tiện sẽ bị đưa vào phần mềm cảnh báo đăng kiểm của Cục đăng kiểm Việt Nam. Sau đó, xe sẽ bị từ chối đăng kiểm.

Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định mức phạt cho lỗi quá hạn đăng kiểm xe ô tô như sau:

- Phạt tiền từ 3.000.000 - 4.000.000 đồng nếu điều khiển xe có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng (kể cả rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc);

- Phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng nếu điều khiển xe không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc). Bên cạnh đó, còn bị tịch thu Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy đăng ký xe, biển số không đúng quy định hoặc bị tẩy xóa; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;

- Phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 - 12.000.000 đồng đối với tổ chức nếu đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng (kể cả rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc) tham gia giao thông (Điểm b Khoản 8 Điều 30, Nghị định 100);

- Phạt tiền từ 6.000.000 - 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 - 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc) tham gia giao thông (Điểm c Khoản 9 Điều 30).

Nếu vi phạm Điểm b Khoản 8 điều 30 và Điểm c Khoản 9 Điều 30 của Nghị định 100/2019 trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện thì còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Đánh giá: