Cách chọn mua ô tô cũ ưng ý trước Tết Nguyên đán
10:00 - 03/02/2018
Nhu cầu mua ô tô thường tăng mạnh trong dịp cuối năm. Song, thị trường ô tô Việt Nam những ngày gần đây chuyển biến khá phức tạp. Các hãng xe Nhật tuyên bố tạm ngưng nhập khẩu do vướng phải Nghị định 116 đã làm cho lượng xe trên thị trường khan hiếm. Ngoài ra, các đại lý ô tô thời điểm này thường rơi vào cảnh “cung không kịp cầu”, khiến họ phải kéo dài thời gian bàn giao xe cho khách đặt mua xe mới.
Chính vì vậy, một số khách hàng có tài chính eo hẹp hay muốn sở hữu ô tô sớm để di chuyển trong dịp Tết thường chọn phương án mua ô tô cũ. Tuy nhiên, phải làm sao để mua được một chiếc xe đã qua sử dụng nhưng các trang bị còn tốt thì lại là vấn đề khác. Lợi dụng tâm lý nôn nóng của khách hàng, các đại lý có thể bán ra những chiếc xe bị thủy kích, hỏng nặng hay taxi cũ.
Vì vậy, cần kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đưa ra “xuống tiền”. Dưới đây là một số lời khuyên có thể giúp bạn mua được một chiếc ô tô cũ chất lượng và phù hợp với túi tiền.
Tra cứu thông tin về xe
Trước khi đến các đại lý ô tô cũ, bạn cần tham khảo thông tin trên các diễn đàn, trang mạng xã hội để nắm đại khái về những lỗi thường gặp của từng dòng xe cụ thể. Bước này nên thực hiện để có thể hỗ trợ bạn trong quá trình kiểm tra xe thực tế. Tuy nhiên, bạn cần xác định mẫu ô tô muốn mua và kiểm tra giấy tờ của xe cũng như đã qua bao nhiêu đời chủ.
Khi kiểm tra xe thực tế, bạn nên nhìn vào số km mà xe đã đi được ở bảng đồng hồ để xác định tình trạng của xe. Thông thường, xe gia đình đã đi 800 – 1.000 km/tháng được xem là ít, còn trên dưới 2.000 km/tháng thuộc mức trung bình.
Kiểm tra ngoại thất xe
Sau khi đã nắm thông tin của xe, bạn nên đánh giá ngoại thất. Hãy để ý đến lốp xe về nhãn hiệu, tình trạng lốp,… Nếu lốp xe đã quá mòn, bạn có thể trao đổi với đại lý hay người bán về vấn đề này khi bàn bạc giá cả. Tiếp đó, kiểm tra các chi tiết có bị thiếu ốc vít không? Ở vị trí gần ống xả, nhìn xem có những vệt đen hay dầu bám lại không? Lưu ý, nếu kiểm tra thấy thân xe có vết gỉ sét, bạn tuyệt đối không mua chiếc xe đó.
Ngoài ra, cần kiểm tra thân xe có vết trầy xước hay va chạm không? Bạn có thể kiểm tra các điểm ghép nối ở phần đầu, đuôi xe, hốc bánh, mép cửa và thân xe xem có khe hở không đồng đều hay không. Nếu có, tức là xe đã xảy ra va chạm trước đây và đã bị gò hàn lại. Hoặc bạn cũng có thể nhìn vào lớp nước sơn xe. Vì khi xe đã sơn lại sẽ có đường nứt, bong tróc rất nhỏ và rất dễ bị lem màu sơn ở các điểm ghép nối.
Kiểm tra nội thất xe
Đến phần nội thất, bạn có thể dễ dàng kiểm tra những chi tiết dễ nhìn như vết rách bẩn trên da ghế, trầy xước trong cabin,… Nếu xe dùng nhiều, các nút bấm điều khiển chức năng có thể bị bong tróc. Kéo hết dây đai an toàn để xem nó có bị ngả màu không. Chú ý đến đường chỉ khâu, vân da trên ghế, bảng táp lô, bệ cửa,… Vân da ghế không bị đen hay bề mặt da căng đàn hồi tốt đồng nghĩa với việc xe ít sử dụng, có thể mua.
Cùng với đó, bạn hãy bật tất cả các thiết bị trong xe như radio, cần gạt nước mưa, điều khiển gương, điều hòa, kính chắn,… để kiểm tra. Ở vị trí lái, bạn nên kiểm tra kỹ chân phanh. Chân phanh quá cứng hay phải đạp sát sàn mới hoạt động có nghĩa là hệ thống phanh xe đang gặp vấn đề.
Lưu ý, khi khoang xe có mùi mốc, chua hoặc có dấu vết nước lưu lại thì hãy bỏ qua chiếc xe đó.
Gầm xe
Ngoài ngoại thất, bạn cũng nên chú ý đến gầm xe ô tô. Cần mang theo đèn pin để kiểm tra chính xác hơn. Khi nhìn vào vị trí này, nếu thấy có nhiều vết rỉ sét, bị cong vênh, các vết hàn,… tức là xe có va chạm. Nhìn vào vị trí trống phanh và calip phanh xem có chất lỏng thấm ra không? Mặt đất dưới sàn xe có dầu hay chất lỏng nhỏ xuống không? Điều này có thể đánh giá được động cơ của xe.
Kiểm tra động cơ
Động cơ xe là chi tiết cần kiểm tra kỹ lưỡng nhất vì nó ảnh hưởng đến túi tiền của bạn nếu xe liên tiếp gặp trục trặc khi đã mua về. Bạn có thể xác định xe có bị kích thủy khi nhìn thấy các dấu vết của việc rã máy để sửa chữa như ốc vít bị trầy xước, các khe của vỏ máy vẫn dính keo còn xót lại. Tốt nhất, những chiếc xe này không nên mua để tránh hư hỏng vặt về sau.
Tiếp theo, mở nắp dầu của động cơ để kiểm tra nhiên liệu. Thử lau que thăm dầu lên một miếng giẻ khô xem có bị lưu lại các vệt nhỏ màu đen hay không? Trong dầu có lẫn các mảnh kim loại nhỏ không? Nắp bình dầu phụ có bị đầy, đen không?
Đối với xe số tự động, bạn nên ngửi thử que thăm dầu mùi khét hay không để kiểm tra động cơ. Nếu động cơ xe có màu đen hay có nhớt rỉ ra thấm bên ngoài, đó là những chiếc xe đã hoạt động quá nhiều và máy đã xuất hiện nhiều vấn đề, không nên mua.
Thử khởi động xe
Khi bật chìa khóa khởi động xe, các đèn cảnh báo thường sáng lên vài giây. Lúc này, bạn cần chú ý xem hệ thống đèn cảnh báo có hoạt động bất thường không như đèn không sáng, sáng lên nhưng không tắt, đèn nhấp nháy,…
Khi khởi động xe số sàn, cần chú ý việc nhả chân côn có bị giật, rung hay không. Trong khi xe số tự động cần chú ý đến tiếng động lạ khi chuyển sang chế độ lái. Ngoài ra, bạn nên quay vô lăng vài vòng để kiểm tra. Nếu xe đi ít, vô lăng sẽ còn rất mới, không có độ rơ. Khi xe đã khởi động, nên gạt về số N và nhấn ga để xem động cơ có rung lắc mạnh hay không. Nếu có, khả năng cao su chân máy đã bị vỡ.
Lái thử
Sau khi đã kiểm tra các chi tiết tĩnh trên xe, bạn cần lái thử để phán đoán tình trạng xe kỹ hơn. Hệ thống phanh có hoạt động ổn định hay không? Xe có bị rung lắc khi chạy qua các gờ giảm tốc không? Hệ thống treo có phát ra tiếng động lạ không? Xe có bị nghiêng sang một bên không? Có bị giật khi sang số?
Nếu động cơ xe phát ra tiếng đập mạnh khi chạy thử, bạn tuyệt đối không mua chiếc xe đó.
Bài viết mới nhất
-
VinFast chính thức bàn giao mẫu xe chủ lực VF5 cho khách hàng Indonesia
20 giờ trước
-
Ngắm trước xe điện Maextro S800 của hãng điện thoại và hãng xe tải khá nổi tiếng ở Việt Nam hợp tác sản xuất
Hôm qua lúc 10:33
-
Biển số 29E-000.01 tiếp tục "đổi chủ": Từ Vios sang Porsche 911 giờ lại về Suzuki Jimny
Hôm qua lúc 08:31