7 mẫu xe đời mới nên tránh mua trong năm nay
Lê Mây 15:59 - 26/03/2018
Cách đây không lâu, tạp chí đánh giá Consumer Reports đã đưa ra danh sách 10 mẫu xe đời mới tốt nhất, đáng mua nhất trong năm nay. Không dừng ở đó, tạp chí này còn đưa ra bình chọn 7 mẫu xe đời mới nên tránh mua trong năm nay, cụ thể như dưới đây.
SUV cỡ nhỏ: Jeep Compass
Được định vị giữa Renegade và Cherokee, Jeep Compass không phải mẫu xe có khả năng cạnh tranh tốt trong phân khúc. Mẫu xe này được trang bị động cơ xăng 4 xi-lanh, dung tích 2,4 lít với công suất tối đa 180 mã lực. Theo Consumer Reports, động cơ này chẳng những kém tinh tế mà còn chậm chạp. Phần lớn các bản trang bị của Jeep Compass đều đi với hộp số tự động 9 cấp sang số không mượt và thiếu nhanh nhạy.
Jeep Compass 2018
Khả năng phản hồi vô lăng của Jeep Compass kém linh hoạt dù đáng tin cậy. Cảm giác lái lại khá cứng nhắc và giật cục. Hàng ghế sau quá thấp và bằng phẳng. Bù lại, hệ thống thông tin giải trí Uconnect với màn hình 8,4 inch tùy chọn rất xuất sắc. Các tính năng an toàn của Jeep Compass bao gồm cảnh báo va chạm phía trước, cảnh báo chệch làn đường và cảnh báo điểm mù.
Phiên bản Trailhawk được thiết kế để có thể chạy off-road tốt hơn nhưng trên thực tế Jeep Compass không dành cho những cung đường khó. Nhìn chung, ngoài sức hấp dẫn của thương hiệu Jeep, Compass thua xa các đối thủ cùng phân khúc về những mặt quan trọng.
SUV cỡ trung: Jeep Wrangler
Jeep Wrangler 2017 hiện vẫn đang được bày bán trên thị trường Mỹ dù thế hệ mới đã chính thức ra mắt trong triển lãm Los Angeles năm ngoái. Là mẫu xe để lái hàng ngày, Jeep Wrangler thua xa phần lớn các mẫu SUV trong cùng phân khúc, chỉ khá hơn về khả năng off-road.
Jeep Wrangler 2017
Jeep Wrangler sử dụng động cơ V6, dung tích 3,6 lít của Chrysler và hộp số tự động 5 cấp, tiêu thụ lượng nhiên liệu trung bình 13,84 lít/100 km trong thử nghiệm của Consumer Reports. Dù đã tốt hơn trước nhưng Jeep Wrangler 2017 vẫn mang đến cảm giác xóc và rung lắc cho người ngồi bên trong đồng thời khả năng phản hồi vô lăng rất vụng về.
Khi xe chạy ở tốc độ cao, tiếng gió lọt vào nội thất khá rõ. Việc ra/vào xe cũng khó khăn và nội thất thì chẳng thoải mái chút nào. Tất nhiên, Jeep Wrangler có khả năng off-road đã đi vào huyền thoại và phiên bản Rubicon còn ấn tượng hơn nữa về khoản này.
Trong thử nghiệm an toàn của IIHS, Jeep Wrangler 2 cửa bị đánh giá "Kém" khi va chạm bên sườn và "Gần đạt" ở va chạm trực diện góc nhỏ. Trong khi đó, Jeep Wrangler 4 cửa được đánh giá "Tốt" ở va chạm trực diện góc nhỏ.
SUV cỡ lớn: Cadillac Escalade
Cadillac Escalade là cái tên đứng ở top cuối trong phân khúc SUV hạng sang tại Mỹ. Mẫu xe này chẳng những xóc mà còn có khả năng phản hồi vô lăng kém. Dù sở hữu kích thước đồ sộ bên ngoài nhưng Cadillac Escalade lại không đi kèm nội thất rộng rãi như nhiều người tưởng. Hàng ghế thứ 2 của Cadillac Escalade rất kém thoải mái trong khi hàng cuối cùng chật chội. Những người muốn mua xe rộng hơn nên nhắm đến Cadillac Escalade ESV dài hơn.
Cadillac Escalade 2018
Hệ thống thông tin giải trí CUE của Cadillac Escalade khiến người dùng cảm thấy bối rối. Điểm mạnh thực sự của mẫu SUV hạng sang cỡ lớn này là khả năng kéo ấn tượng, nhờ động cơ V8 mạnh 420 mã lực. Ở phiên bản 2018, Cadillac Escalade được bổ sung hộp số tự động 10 cấp, thay thế loại 8 cấp cũ.
Theo tạp chí Consumer Reports, Chevrolet Suburban hay GMC Yukon XL sẽ là lựa chọn thông minh hơn so với Cadillac Escalade.
Xe sang cỡ C: Lexus IS300
Trong quá trình lái thử, tạp chí Consumer Reports cảm thấy IS300 không hẳn là sedan thể thao như hãng Lexus quảng cáo. Mẫu xe này có khả năng phản hồi vô lăng đáng tin cậy nhưng không đủ hấp dẫn để vươn lên đầu phân khúc trong khi cảm giác lái chẳng có gì đặc sắc.
Lexus IS300 được trang bị động cơ xăng V6 với công suất tối đa 260 mã lực, tiêu thụ lượng nhiên liệu trung bình 11,76 lít/100 km, một con số kém cạnh tranh trong phân khúc.
Lexus IS300 2018
Thêm vào đó là nội thất khá chật chội và khiến người dùng ra/vào khó khăn. Nội thất của mẫu xe sang này được hoàn thiện tốt nhưng không gian cần phải cải thiện thêm, đặc biệt là khoang lái. Ở phiên bản dẫn động 4 bánh toàn thời gian, trong Lexus IS còn xuất hiện chi tiết gồ lên ở bên phải ghế lái.
Bộ điều khiển hệ thống thông tin giải trí có thiết kế như chuột máy tính khiến người lái bị xao nhãng khi sử dụng. 2 người trưởng thành vẫn ngồi vừa hàng ghế sau của Lexus IS nhưng không còn thừa nhiều chỗ cho chân hay đầu.
Xe bán tải cỡ C: Toyota Tacoma
Mẫu xe bán tải cỡ C của Toyota được trang bị động cơ V6, dung tích 3,5 lít, đi với hộp số sàn hoặc tự động 6 cấp. Ngoài ra, mẫu xe này còn có tùy chọn động cơ xăng 4 xi-lanh, dung tích 2,7 lít, đồng hành cùng hộp số sàn 5 cấp. Thêm vào đó là hệ dẫn động 1 hoặc 2 cầu, tùy chọn. Chiếc Toyota Tacoma V6 dẫn động cầu trước trong thử nghiệm của Consumer Reports tiêu thụ lượng xăng trung bình 12,38 lít/100 km khá tốt.
Toyota Tacoma 2018
Dù là mẫu xe bán tải rắn rỏi và có khả năng off-road ấn tượng nhưng Toyota Tacoma lại bị đánh giá là thô sơ. Xe xóc, phản hồi vô lăng chậm chạp, nội thất ồn ào và vị trí lái thấp một cách kỳ quặc. Cũng may là Toyota Tacoma còn có một số hệ thống kết nối hiện đại.
Các tính năng an toàn như cảnh báo va chạm trước, phanh khẩn cấp tự động, cảnh báo chuyển làn đường được trang bị tiêu chuẩn ở phiên bản 2018 trong khi phát hiện điểm mù và cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi chỉ là tùy chọn.
Xe du lịch cỡ C: Fiat 500L
Fiat 500L bị tạp chí Consumer Reports đánh giá như món ăn Ý thất bại và có nhiều điểm dở. Trong quá trình lái thử, tạp chí Consumer Reports đã cho mẫu xe này điểm số khá thấp vì lái xóc, ghế quá phẳng và vị trí lái thẳng lưng như ngồi trên ghế văn phòng. Ngoài ra, Fiat 500L còn bị IIHS đánh giá "Kém" trong thử nghiệm va chạm trực diện góc nhỏ.
Fiat 500L 2018
Bù lại, khi ôm cua, Fiat 500L phản hồi khá nhanh nhạy và tạo cảm giác đáng tin cậy. Dù nhỏ xinh nhưng Fiat 500L vẫn đi kèm nội thất rộng rãi đến bất ngờ, cộng thêm tầm nhìn tốt, cửa giúp người dùng ra/vào dễ dàng và động cơ tăng áp, dung tích 1,4 lít chỉ tiêu thụ lượng xăng trung bình 8,71 lít/100 km.
Ở phiên bản 2018, Fiat đã loại bỏ hộp số ly hợp kép và thay bằng loại tự động 6 cấp thông thường nên được đánh giá cao hơn trước. Dù sao, đây vẫn là mẫu xe chưa tốt và bị Consumer Reports đánh giá thấp nhất trong phân khúc.
Xe du lịch cỡ trung: Nissan Altima
Một trong những đặc điểm chung của Nissan Altima qua các thế hệ là sử dụng hộp số biến thiên vô cấp CVT. Hộp số này hoạt động tốt khi tài xế chỉ muốn tha thẩn đi chơi nhưng lại làm giảm trải nghiệm lái ở những tình huống đòi hỏi nhiều hơn.
Trong thử nghiệm của Consumer Reports, Nissan Altima tiêu thụ lượng xăng trung bình 8,11 lít/100 km khá tốt với động cơ 4 xi-lanh, dung tích 2,5 lít. Con số tương ứng của động cơ V6, dung tích 3,5 lít là 9,8 lít/100 km.
Nissan Altima 2018
Khả năng phản hồi vô lăng của Nissan Altima khá yếu ớt và không tạo cảm giác yên tâm cho tài xế vì vô lăng quá nhẹ. Xe mang đến cảm giác lái êm ái nhưng trên một số con đường nhiều ổ gà, hệ thống treo lại mất khả năng hấp thụ lực tác động.
Bên trong Nissan Altima, các nút điều khiển dễ sử dụng nhưng đáng tiếc là hệ thống thông tin giải trí lại quá cầu kỳ và hạn chế việc tương tác với điện thoại qua tính năng ra lệnh bằng giọng nói.
Các tính năng an toàn của Nissan Altima bao gồm hệ thống phát hiện điểm mù và cảnh báo chệch làn đường. Ở phiên bản 2018, xe còn có thêm tính năng cảnh báo va chạm trước và phanh khẩn cấp tự động tiêu chuẩn.
>>> 10 mẫu xe khiến người mua "một đi không trở lại" của năm 2018
Bài viết mới nhất
-
Kia Sportage 2025 ra mắt thị trường quốc tế với động cơ mạnh hơn, chờ ngày bán ở Việt Nam
Hôm qua lúc 00:46
-
Mazda BT-50 2025 được chốt lịch ra mắt Đông Nam Á trong tháng này, liệu có quay trở lại Việt Nam?
Hôm qua lúc 23:53
-
Trước thông tin mấy năm nay hay bán xe, Minh "Nhựa" đáp trả khéo léo nhưng nếu có ảnh McLaren Elva thì còn gì bằng
Hôm qua lúc 19:22