menu

Video hệ thống LiDAR của Volvo EX90 làm hỏng camera điện thoại iPhone gây xôn xao trên mạng

14:54 - 19/05/2025

Video này tiết lộ một rủi ro ít người biết đến của công nghệ ô tô thế hệ mới.

Một video gây sốc đang lan truyền mạnh mẽ cho thấy hệ thống LiDAR làm cháy mô-đun ống kính tele của một chiếc điện thoại iPhone 16 Pro Max trong lúc người dùng đang quay phim. Được chia sẻ bởi người dùng u/Jeguetelli trên diễn đàn Reddit, đoạn video này ghi lại khoảnh khắc mô-đun LiDAR trên nóc chiếc xe Volvo EX90 làm hỏng cảm biến bên trong chiếc điện thoại được dùng để quay.

Video hệ thống LiDAR của Volvo EX90 làm hỏng camera điện thoại iPhone gây xôn xao trên mạng.

LiDAR (viết tắt của cụm “light detection and ranging”) là bộ não thị giác của nhiều hệ thống tự lái hiện đại. Công nghệ này hoạt động bằng cách phát ra các xung ánh sáng laser (thường thuộc phổ hồng ngoại) và đo thời gian chúng phản xạ lại từ các vật thể để tạo bản đồ 3D cực kỳ chính xác về môi trường xung quanh.

Dù vô hình và được cho là an toàn cho mắt người, các tia laser từ LiDAR lại có thể gây hại cho cảm biến hình ảnh nhỏ và tinh vi như các chip CMOS nằm trong cụm camera của điện thoại thông minh.

Mô-đun LiDAR trên nóc của Volvo EX90

Mô-đun LiDAR trên nóc của Volvo EX90.

Tại sao ống kính tele dễ bị hỏng hơn?

Các điện thoại hiện đại thường có nhiều ống kính để chụp ở các tiêu cự khác nhau. Khi người dùng phóng to để quay hay chụp, điện thoại thường chuyển sang ống kính tele vốn có đường dẫn quang học tập trung hơn và khẩu độ nhỏ hơn, lý tưởng để chụp xa nhưng cũng dễ tổn thương hơn trước tác động của tia laser. Đó cũng chính xác là những gì đã xảy ra trong đoạn video trên. Tình trạng hỏng chỉ xuất hiện sau khi camera chuyển sang ống kính tele.

Video cho thấy tia laser nhấp nháy từ hệ thống LiDAR làm hỏng từng điểm ảnh trên cảm biến khi người quay sử dụng ống kính tele để zoom ra. Sau đó, khi người quay thu nhỏ trở lại bằng camera góc rộng, hình ảnh không còn bị ảnh hưởng, cho thấy camera này không bị tổn hại.

Camera của chiếc điện thoại iPhone 16 Pro Max khi phóng to (bên trái) và thu lại (bên phải)

Camera của chiếc điện thoại iPhone 16 Pro Max khi phóng to (bên trái) và thu lại (bên phải).

Camera góc rộng cũng có thể bị hỏng bởi hệ thống LiDAR. Tuy nhiên, nếu bạn đứng cách vài bước chân khi quay hoặc chụp hình, khả năng xảy ra hư hỏng là rất thấp và khó nhận thấy bằng mắt thường.

Cơ chế gây hỏng?

Khi xung laser từ LiDAR đi qua ống kính camera và chạm vào ma trận điểm ảnh trên cảm biến, chúng có thể làm nóng hoặc đốt cháy từng điểm ảnh, gây hỏng lớp vật liệu nhạy sáng vốn được dùng để ghi lại hình ảnh.

Dù các hệ thống LiDAR đều được thiết kế để tuân thủ giới hạn an toàn laser cấp 1, các giới hạn này chủ yếu dựa trên tiếp xúc với mắt người, chứ không tính đến mức độ tổn thương với cảm biến kỹ thuật số có hệ thống quang học phóng đại như camera điện thoại.

Hãy cẩn trọng!

Mặc dù tia laser từ LiDAR sẽ không làm hỏng toàn bộ điện thoại của bạn, các mô-đun camera, đặc biệt là ống kính tele, hoàn toàn có thể bị hư hại nếu bạn quay trực tiếp vào mô-đun LiDAR.

Khi công nghệ LiDAR ngày càng phổ biến trên các dòng xe thương mại, hãy xem đây như một lời cảnh báo. Đừng phóng to trực tiếp mô-đun LiDAR khi quay phim hay chụp ảnh. Điều này càng cần phải lưu ý trong điều kiện trời nắng khi LiDAR thường hoạt động ở cường độ cao hơn để bù lại ánh sáng môi trường.

Đánh giá:
Quảng cáo