Vì sao đèn phanh thứ 3 cần thiết cho ô tô và phải là màu đỏ?
15:37 - 22/09/2022
Mỗi khi đạp vào chân phanh của ô tô, đèn phanh sẽ sáng để cảnh báo những người tham gia giao thông phía sau rằng bạn đang đi chậm hoặc dừng lại. Đây là một tính năng cần thiết cho ô tô, nếu thiếu bộ phận này thì việc tham gia giao thông sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro và bị hỗn loạn. Hãy cùng khám phá lịch sử của loại đèn này và lý do tại sao chúng lại cần thiết hơn bạn nghĩ nhé!
Lịch sử của đèn phanh thứ 3
Đèn phanh thứ 3 có từ những năm 1970 khi nhà tâm lý học người Mỹ gốc Nga John Voevodsky tiến hành một nghiên cứu để kiểm tra xem đèn phanh thứ 3 có báo hiệu tốt hơn để người lái ô tô giảm tốc độ hay không. Để kiểm tra giả thuyết của mình, John Voevodsky đã lắp thêm một đèn chiếu sáng trên 343 xe taxi ở San Francisco và so sánh với một nhóm xe khác gồm 106 chiếc taxi hoạt động với 2 đèn phanh tiêu chuẩn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những chiếc taxi được trang bị thêm đèn phanh thứ 3 ít có nguy cơ bị va chạm từ phía sau hơn những chiếc taxi không có đèn. Do đó, đèn phanh thứ 3 chính thức được gọi là đèn dừng gắn trên cao (CHMSL), trở thành thiết bị an toàn bắt buộc trên các phương tiện giao thông từ năm 1986 và trên xe tải nhẹ từ năm 1994.
Lý do cần phải có đèn phanh thứ 3
Đèn phanh là một tính năng thiết yếu trên xe hơi, chức năng chính là báo hiệu cho các phương tiện khác rằng bạn đang giảm tốc độ hoặc dừng, cần tránh để đảm bảo an toàn. CHMSL được bố trí cao hơn 2 đèn phanh chính, giúp tăng khả năng quan sát cho lái xe khác, từ đó làm giảm va chạm cũng như tai nạn xe hơi.
Có thể nói, đèn phanh thứ 3 giúp tăng cường "giao tiếp" giữa những người lái xe, do đó giảm được khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng của các vụ tai nạn từ phía sau, góp phần bảo vệ tính mạng của bạn. Bên cạnh đó, chúng còn giúp bạn tiết kiệm tiền, bởi nếu xảy ra tai nạn thì bạn sẽ phải chi trả một khoản lớn cho nhiều vấn đề khác.
Nguyên nhân khiến đèn phanh không tắt
Đèn phanh đóng vai trò định vị và cảnh báo phương tiện khác nên cần có độ sáng vừa phải để không gây khó chịu, chói mắt cho các tài xế phía sau. Vì thế, đèn phanh thường có màu đỏ. Tuy nhiên, nếu đèn này không tắt thì sẽ gây hiểu lầm cho người khác và có thể gây ra những phiền phức.
Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến đèn phanh không tắt.
Công tắc đèn phanh kém
Công tắc đèn phanh ở bàn đạp phanh có thể bị lỗi, mặc dù điều này khá hiếm gặp nhưng nó vẫn có thể bị hỏng và khiến đèn phanh liên tục sáng.
Nếu đủ khéo léo thì bạn có thể tự khắc phục được lỗi này nhờ vào việc tham khảo sách hướng dẫn sử dụng ô tô. Nếu không, bạn mang xe đến xưởng dịch vụ để thợ chuyên nghiệp xử lý.
Vô tình đạp phanh
Lỗi này khá phổ biến, trong quá trình lái xe, nhiều người thường có thói quen đặt chân lên bàn đạp phanh và đôi khi vô tình đạp nhẹ lên mà không biết.
Hệ thống CAN Bus có vấn đề
CAN Bus đóng vai trò như bộ giải mã, giúp mã hóa các thông tin từ những bộ cảm biến của xe để "đánh lừa ECU", mang lại tác dụng trong việc hỗ trợ kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị phụ tùng bị báo lỗi có trên xe.
Hệ thống này có thể bị lỗi phần mềm hoặc phần cứng, với trường hợp CAN Bus gặp trục trặc thì bạn cần mang xe đến trung tâm sửa chữa để khắc phục.