Ưu, nhược điểm của chất liệu giả da dùng để bọc ghế ô tô
23:46 - 13/11/2022
Ô tô đời mới, đặc biệt là xe sang, thường có nhiều trang bị cho người mua lựa chọn. Làm như vậy, các nhà sản xuất sẽ giúp người mua thỏa mãn được sở thích hoặc thể hiện phong cách cá nhân.
Chất liệu bọc ghế là một trong những trang bị chắc chắn sẽ được nhiều người mua xe mới chú ý. Đây là nơi mà người dùng thường xuyên sử dụng nên phải vừa đẹp vừa mang đến cảm giác thoải mái, giảm bớt mệt mỏi trên đường dài.
Trên thị trường hiện có nhiều chất liệu bọc ghế khác nhau. Tuy nhiên, các chất liệu này thường được chia thành 3 nhóm chính là da thật, giả da và nỉ. Trong đó, chất liệu giả da có khá nhiều ưu điểm và được không ít hãng xe cũng như người tiêu dùng lựa chọn.
Sau đây, hãy cùng khám phá những ưu, nhược điểm của chất liệu giả da dùng để bọc ghế ô tô.
Hình thức của chất liệu giả da
Vào thời kỳ đầu, các hãng ô tô đều dùng da thật cho những chiếc xe của mình. Mãi cho đến thập niên '20 của thế kỷ trước, người ta mới bắt đầu nghiên cứu những chất liệu thay thế cho da thật.
Dần dần, những chất liệu rẻ hơn da thật xuất hiện và được dùng cho ô tô. Đây là những chất liệu tổng hợp, được làm từ sợi vải bọc bằng nhựa PVC hoặc polyurethane. Nói cách khác, những chất liệu này không hề chứa các thành phần bắt nguồn từ động vật.
So với da thật, chất liệu giả da đương nhiên không thể sánh bằng về mặt hình thức. Tuy nhiên, đây lại là lựa chọn phù hợp và có giá rẻ hơn da thật.
Ưu, nhược điểm của chất liệu giả da bọc ghế ô tô
Ưu điểm của chất liệu giả da
Những yếu tố quan trọng khiến nhu cầu dùng chất liệu giả da tăng lên trong ngành công nghiệp ô tô chính là bài toán chi phí và khả năng sản xuất hàng loạt với số lượng lớn. So với da thật, quá trình sản xuất chất liệu tổng hợp như nhựa hoặc sợi vải đơn giản hơn đồng thời tốn ít chi phí hơn. Chất liệu giả da vốn rất tiện để sản xuất nên một số nhà sản xuất ô tô thậm chí còn loại da thật khỏi danh sách trang bị cho khách hàng lựa chọn.
2 yếu tố kể trên rõ ràng có lợi cho nhà sản xuất. Vậy còn người mua xe thì sao? Điều này có thể gây tranh cãi và còn phụ thuộc vào sở thích của từng chủ xe. Tuy nhiên, không thể phủ nhận là chất liệu giả da khiến xe có giá rẻ hơn và giúp người mua tiết kiệm được một khoản tiền. Bên cạnh đó, với những người yêu động vật, chất liệu giả da sẽ là lựa chọn phù hợp.
Ngoài việc giảm chi phí mua xe và không phải dùng da động vật, chất liệu giả da còn dễ lau chùi, chăm sóc hơn da thật. Trên thị trường hiện có khá nhiều sản phẩm chuyên dụng để chăm sóc chất liệu da tổng hợp cho ô tô.
Một ưu điểm nữa của chất liệu giả da chính là người dùng không cần phải quá lo lắng khi làm đổ đồ ăn, thức uống ra ghế. Việc lau chùi những vết bẩn trên ghế bọc bằng da giả cũng dễ dàng hơn.
Nhược điểm của chất liệu giả da
Tất nhiên, chất liệu giả da cũng có một số nhược điểm so với da thật. Đầu tiên chính là chất liệu này sẽ không bao giờ mang đến cảm giác "xịn" và tự nhiên như da thật. Theo đánh giá của nhiều người, chất liệu tổng hợp trông không thật và không có mùi đặc trưng như da "xịn".
Chưa hết, chất liệu giả da bao giờ cũng có thành phần nhựa. Trong khi đó, phần lớn nhựa đều được làm từ dầu mỏ. Điều này khiến chất liệu giả da không tốt cho môi trường.
Một nhược điểm nữa là ghế bọc giả da thường có xu hướng khá nóng vào mùa hè. Trong khi đó, da thật sẽ duy trì được nhiệt độ thoải mái cho người ngồi.
Ưu, nhược điểm của da thật
Không có gì phải bàn cãi về những ưu điểm của chất liệu da thật. Ngoài chất liệu, sự thoải mái và mùi hương dễ chịu trong xe, da thật còn khiến ô tô trông "sang, xịn, mịn" hơn. Một số chủ xe không tiếc tiền để khiến chiếc xế cưng của mình trông càng sang trọng càng tốt và sẵn sàng đầu tư thời gian, công sức để chăm sóc nội thất bọc bằng da thật.
Vì khá đắt đỏ nên chất liệu da thật sẽ giúp xe của bạn giữ giá hơn khi bán lại. Thậm chí, có những người mua xe sang cũ còn coi nội thất bọc da thật là một tiêu chí không thể thiếu. Cần phải lưu ý một điều rằng ngày cả những thương hiệu xe sang như BMW hay Mercedes-Benz cũng dùng da nhân tạo cho các mẫu ô tô giá "mềm" hơn của mình.
Đòi hỏi chăm sóc kỹ cũng chính là nhược điểm của chất liệu da thật. Bên cạnh đó, da thật cũng không dễ bảo dưỡng và dễ bị nứt, hỏng nếu thường xuyên tiếp xúc với tia UV.
Tương lai của da thật trong ngành công nghiệp ô tô
Nuôi gia súc để lấy thịt, sữa, da và sản xuất len chiếm 14,5% trong tổng lượng khí nhà kính toàn cầu, chỉ đứng sau các phương tiện giao thông. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, ngành công nghiệp này còn sử dụng khoảng 70% đất nông nghiệp, đây là một trong những nguyên nhân gây mất cân bằng sinh học, nạn phá rừng và ô nhiễm nguồn nước. Da thật dùng cho ghế, mặt táp-lô và bệ tì tay của ô tô là một sản phẩm phụ của hoạt động này.
Chưa dừng ở đó, quá trình thuộc da còn sử dụng những hóa chất độc hại để thay đổi cấu trúc protein trong da động vật nhằm tạo ra chất liệu bền hơn. Dù là sản phẩm phụ của quá trình chăn nuôi gia súc lấy thịt nhưng ngành công nghiệp hàng tỷ USD này vẫn bị hoài nghi về mặt đạo đức và tác động tiêu cực đối với môi trường. Do đó, một số hãng ô tô đã tiên phong trong việc sử dụng da giả không có nguồn gốc động vật và những vật liệu thay thế bền vững khác.
Công ty đi đầu trong việc sản xuất chất liệu thay thế cho da thật là Alcantara. Công ty này chuyên sản xuất chất liệu nỉ với sợi siêu nhỏ làm từ polyester và polystyrene. Hiện nay, chất liệu của Alcantara đang được sử dụng để bọc ghế, trần xe và vô lăng cho ô tô của nhiều thương hiệu cao cấp như Alfa Romeo, Aston Martin, BMW, Bugatti, Ferrari, Jaguar, Lamborghini, McLaren hay Porsche.
Ngoài ra, những hãng ô tô như Jaguar Land Rover, Porsche, Mercedes-Benz, Volvo và Hyundai còn quảng bá việc sử dụng chất liệu giả da, không có nguồn gốc động vật. Theo The Vegan Society, số lượng người ăn chay tại Anh đã tăng gấp 4 lần trong giai đoạn từ năm 2014 - 2019. Điều này kéo theo việc các hãng thời trang và ô tô phải chuyển hướng từ da thật sang những chất liệu thay thế, không có nguồn gốc động vật.
Ví dụ, mẫu ô tô điện hạng sang Porsche Taycan 4S được trang bị nội thất bọc bằng da ở một số chi tiết. Tuy nhiên, khách hàng mua xe có thể chi thêm tiền để chọn chất liệu nỉ nhân tạo cho nội thất, bao gồm cả thảm sàn làm từ lưới đánh cá tái chế. Trong khi đó, Volkswagen Golf bản S tiêu chuẩn được trang bị ghế bọc nỉ, vô lăng và cần số không bọc da. Ngay cả khi chi thêm tiền, khách hàng mua Volkswagen Golf S cũng không thể trang bị vô lăng và cần số bọc da cho xe.
Chất liệu nội thất làm từ chai nhựa tái chế hoặc thảm sàn làm từ lưới đánh cá cũ hiện cũng đang được nhiều hãng ô tô sử dụng như Mercedes-Benz, Audi hay Ford. Ngoài ra, Ford còn sử dụng cả bọt polyurethane có nguồn gốc từ đậu nành làm đệm ghế cho một số mẫu xe như Mustang, Expedition, F-150, Focus và Escape.
Bài viết mới nhất
-
Thực hư tin đồn bom tấn Lamborghini Reventon chỉ 20 xe trên thế giới âm thầm đến Việt Nam tham dự Gumball 3000
Hôm qua lúc 15:38
-
Ford Everest và Explorer được ưu đãi lên đến hơn 100 triệu đồng trong tháng 9/2024
Hôm qua lúc 12:26
-
Sau trục trặc về giấy tờ, Ferrari 599 GTB cũng đã yên vị trong garage xe của "Qua" Vũ chờ tham dự Gumball 3000
Hôm qua lúc 07:57