menu

Phân biệt lốp bố thép (radial) với lốp bố nylon (bias) và ưu, nhược điểm của từng loại

19:13 - 23/10/2022

Lốp bố nylon (bias) có khả năng chịu tải tốt hơn nên thường dùng cho xe tải, xe hạng nặng trong khi lốp radial lại phù hợp với nhiều loại ô tô hơn.

Hiện nay, người dùng ô tô thường đòi hỏi nhiều tiêu chí khi chọn lốp xe như hiệu suất, độ bám đường, tiết kiệm nhiên liệu, tuổi thọ, cảm giác êm ái... Đó là lý do vì sao các loại lốp khác nhau đã được ra đời để đáp ứng những nhu cầu này.

Kể từ khi có mặt trên thị trường, lốp bố kẽm hay lốp bố thép (radial) thường bị so sánh với lốp bố nylon (bias). Nhiều ý kiến cho rằng lốp radial tốt hơn nhiều so với lốp bias.

Vậy lốp radial và lốp bias khác nhau như thế nào? Mỗi loại có những ưu, nhược điểm gì? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi này.

Lốp bias

Lốp bias là gì?

Lốp bias hay lốp bố nylon là loại lốp có các sợi bố xếp chéo ở kết cấu bên trong. Một lớp sẽ đi kèm các sợi bố đan theo đường chéo từ 30 - 40 độ so với đường kẻ trung tâm. Trong khi đó, lớp chồng lên sẽ có sợi bố đan chéo theo hướng ngược lại, tạo thành chữ "X". Lốp bias sẽ thường có nhiều lớp, có thể là 4, 6, 8 hoặc 10 lớp. Tuy nhiên, phổ biến nhất là loại 4 lớp.

Cấu trúc lốp bố nylon (bias)

Cấu trúc lốp bố nylon (bias)

Ngoài ra, lốp bias cũng dùng nhiều cao su hơn so với lốp radial. Một đặc điểm nữa của lốp bias là thành lốp dày hơn và bề mặt tiếp xúc hẹp hơn.

Ưu điểm của lốp bias

Sự khác biệt lớn nhất của lốp bias so với lốp radial chính là cách sắp xếp các sợi bố. Cấu trúc sợi đan của lốp ảnh hưởng lớn đến hiệu suất, độ bền và chức năng của lốp. Điều này đúng với cả lốp bias và radial. So với lốp radial, lốp bias có những ưu điểm như sau.

Giá thành rẻ hơn

So với lốp radial, lốp bias thường có giá rẻ hơn. Nguyên nhân là cấu trúc lốp bias đơn giản hơn nên chi phí sản xuất cũng rẻ hơn.

Thành lốp chắc chắn hơn

Nhờ các sợi bố đan chéo nên lốp bias có thành lốp cứng hơn. Điều này giúp lốp bias trở thành lựa chọn phù hợp hơn với xe hạng nặng. Do đó, nhiều mẫu xe tải và rơ-moóc thường được trang bị lốp bias vì chúng cung cấp khả năng chịu tải tốt hơn. Thành lốp cứng hơn cũng mang đến sự ổn định khi chạy trên đường thẳng, giúp rơ-moóc không bị lắc lư. Vì cấu trúc của loại lốp này không bị biến dạng nên chúng có khả năng chịu tải nặng dễ dàng hơn.

Chống cắt, chống thủng thành lốp tốt

Như đã nhắc ở trên, vì được làm từ nhiều cao su hơn nên lốp bias cũng có khả năng chống bị cắt và chống thủng tốt. Đây cũng là một phần lý do vì sao lốp bias thường được dùng cho xe hạng nặng, xe công trình hoặc máy nông nghiệp. Ngoài ra, lốp bias còn là lựa chọn lý tưởng khi sản xuất các loại lốp cỡ lớn.

Nhược điểm của lốp bias

Nhanh bị mòn hơn

Cấu trúc với những sợi bố đan chéo mang đến thành lốp cứng hơn cho lốp bias nhưng lại không hỗ trợ tương tự cho khu vực ta lông lốp. Điều này khiến bề mặt tiếp xúc với mặt đường của lốp bị mòn không đều, tạo áp lực khác nhau lên các khu vực của ta lông lốp. Hậu quả là tuổi thọ của lốp bị rút ngắn.

Thành lốp cứng khiến áp suất tích tụ dọc theo khu vực ta lông lốp, đẩy nhanh quá trình mòn lốp. Trong khi đó, khu vực trung tâm của ta lông lốp có thể bị phồng lên một chút để tải áp suất, gây ra mòn bất thường. Sự kết hợp này sẽ làm giảm đáng kể vòng đời của lốp bias.

Khó kiểm soát

Một vấn đề nữa của lốp bias chính là khiến người lái xe có cảm giác chao đảo, từ đó giảm khả năng kiểm soát. Cấu trúc lốp bias khiến bề mặt tiếp xúc bám theo những vết nứt trên mặt đường khi lốp đang chuyển động. Điều này đòi hỏi người lái phải tập trung hơn vào xe để giữ khả năng kiểm soát.

Lốp radial

Lốp radial là gì?

Lốp radial hiện thường được gọi là lốp tiêu chuẩn. Đây là loại lốp có cấu trúc bên trong với những sợi bố được đặt vuông góc 90 độ so với tanh lốp. Cấu trúc sợi bố hướng tâm của lốp radial mang đến khả năng uốn cong nhẹ ở thành lốp, tăng hiệu suất vận hành của xe du lịch. 

Cấu trúc lốp bố thép (radial)

Cấu trúc lốp bố thép (radial)

Ưu điểm của lốp radial

Chống cắt và chống thủng

Cấu trúc của lốp radial thường bao gồm cả sợi bố bọc cao su lẫn dây thép để bảo vệ ta lông lốp và vỏ lốp khỏi những tác động bên ngoài. Do đó, trong quá trình sử dụng bình thường, lốp radial mang đến khả năng chống cắt và chống thủng tốt.

Khả năng bám đường tốt hơn

Sự linh hoạt của thành lốp radial mang đến khả năng bám đường tốt hơn cho loại lốp này. Cấu trúc này đảm bảo toàn bộ bề mặt lốp đều tiếp xúc với mặt đường, tạo ra lực bám. Bề mặt tiếp xúc rộng hơn và ta lông lốp ổn định cũng tối ưu hóa việc phân bổ áp suất, ngăn áp suất tích tụ ở một khu vực nhất định của ta lông lốp. Điều này chẳng những giúp kéo dài tuổi thọ của ta lông lốp mà còn tối ưu hóa cả hiệu suất và khả năng bám đường của lốp.

Cảm giác lái mượt mà và thoải mái

Bề mặt tiếp xúc ổn định và khả năng tiếp xúc tốt với mặt đường của lốp radial đảm bảo cảm giác lái thoải mái hơn cho người dùng. Có được điều này là nhờ độ ổn định cao hơn của cấu trúc bên trong lốp radial, từ đó giảm thiểu tình trạng rung của xe.

Chống tích tụ nhiệt

Một phần nguyên nhân khiến xe bị nổ lốp là do tích tụ nhiệt. Hiện tượng này sẽ làm hỏng sự nguyên vẹn của lốp. Lốp radial có thể hạn chế điều này xảy ra vì được thiết kế để không bị tích tụ nhiệt trong thời gian dài hơn.

Cấu trúc lốp khỏe hơn sẽ khiến nhiệt không thể tích tụ ở những khu vực nhạy cảm của ta lông lốp. Nhiệt độ tích tụ có thể nguy hiểm vì gây ra tình trạng nổ lốp nếu người lái không cẩn thận. Do đó, hãy lắp lốp radial cho xe để điều này không xảy ra.

Tiết kiệm nhiên liệu hơn và tuổi thọ dài hơn

Một ưu điểm không thể bỏ qua nữa của lốp radial chính là có lực cản lăn thấp hơn. Lực cản lăn là yếu tố ảnh hưởng đến mức tiêu thụ nhiên liệu của xe. Khi lực cản lăn giảm xuống, xe sẽ đồng thời tiêu thụ ít nhiên liệu hơn và giảm phát thải khí CO2.

Cùng với độ ổn định của bề mặt tiếp xúc, lực cản lăn thấp còn giúp ngăn tình trạng lốp bị mòn sớm và mòn không đều. Hai yếu tố này kết hợp với nhau sẽ ngăn hiện tượng tích tụ áp suất ở những khu vực nhạy cảm trên ta lông lốp.

Vì những lý do trên nên lốp radial được coi như lựa chọn kinh tế hơn so với lốp bias. 

Dễ kiểm soát và linh hoạt hơn

Một lần nữa, sự linh hoạt của thành lốp radial sẽ tăng khả năng kiểm soát cho người lái. Thành lốp và bề mặt tiếp xúc rộng hơn sẽ tối ưu hóa diện tích tiếp xúc với mặt đường, từ đó cải thiện khả năng phản hồi vô lăng cũng như độ ổn định khi vận hành. Ngoài ra, việc tiếp xúc với mặt đường được tối ưu hóa còn nâng cao khả năng xoay xở, ôm cua và phanh của lốp.

Nhược điểm của lốp radial

Khả năng chịu tải kém hơn

Khác với lốp bias, lốp radial sẽ có xu hướng khiến xe bị lắc lư khi chở hàng nặng, nhất là nếu tốc độ tăng lên.

Kém êm khi chạy trên đường xóc nhẹ

Vì cấu trúc bên trong có sợi thép nên lốp radial không êm khi chạy trên đường xóc nhẹ.

Thành lốp dễ bị hỏng

Thành lốp của lốp radial sẽ dễ bị phồng lên khi xe chở quá tải hoặc chưa được bơm đúng áp suất. Lốp bị phồng sẽ dễ bị hư hỏng hoặc thủng. Bên cạnh đó, thành lốp mềm của lốp radial sẽ dễ bị hỏng khi va vào gờ vỉa hè.

Ồn hơn

Lốp radial khá ồn khi chạy trên đường vì ta lông lốp cứng hơn.

Đắt hơn

So với lốp bias, lốp radial có nhiều ưu điểm hơn hẳn. Tuy nhiên, lốp radial lại đắt hơn so với lốp bias.

Cách phân biệt giữa lốp bias và radial

Cách dễ nhất để phân biệt đâu là lốp bias, đâu là lốp radial chính là nhìn vào thông số trên lốp. Nếu có chữ cái "R" nằm giữa tỷ lệ chiều cao/chiều rộng lốp và đường kính vành thì đó chính là lốp radial. Với lốp bias, giữa tỷ lệ chiều cao/chiều rộng lốp và đường kính vành dập trên lốp chỉ có dấu (-).

Thông số của lốp radial

Thông số của lốp radial

Đánh giá: