menu

Bóc trần sự thật: Ô tô điện hay xe xăng dễ cháy hơn?

15:05 - 14/09/2023

Ô tô điện sử dụng pin Lithium-ion có dễ cháy hơn ô tô xăng, dầu truyền thống không? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Thời gian vừa qua, thế giới đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ô tô điện. Trong khi đó, tại Việt Nam, ô tô điện mới chỉ manh nha với một vài đại diện như VinFast VF e34 và VF8, Porsche Taycan, Audi E-tron, Hyundai Ioniq 5 và một số mẫu xe điện Trung Quốc mới gia nhập thị trường như Wuling Hongguang Mini EV.

Ngoài phạm vi di chuyển và thời gian sạc, nguy cơ cháy cũng là một trong những điều khiến nhiều người băn khoăn khi nói về ô tô điện. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi vấn nạn hỏa hoạn tại các ngõ nhỏ tập trung đông dân cư, xe cứu hỏa khó vào, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Câu hỏi đặt ra là liệu ô tô điện có dễ bắt lửa hơn xe xăng? Đâu là loại phương tiện dễ gây mất an toàn cháy nổ hơn?

Xe ô tô điện liệu có dễ bắt lửa hơn xe xăng?

Nguyên nhân khiến xe điện cháy chủ yếu là do pin. Trong khi đó, xe xăng có nhiều nguyên nhân như lỗi bộ phận điện, rò rỉ nhiên liệu/dung dịch, hệ thống xả quá tải, động cơ quá nóng,... Vì thế, nếu so với khả năng bốc cháy của xe xăng truyền thống thì ô tô điện vẫn thấp hơn nhiều. Trên thực tế, trường hợp ô tô điện bị cháy cũng không quá nhiều.

Khả năng ô tô điện cháy thấp hơn ô tô xăng/dầu rất nhiều.

Khả năng ô tô điện cháy thấp hơn ô tô xăng, dầu rất nhiều

Dựa theo số liệu các vụ cháy xe của Ban An toàn Giao thông Vận tải Mỹ (NTSB), có tổng cộng 16.051 xe hybrid bốc cháy khi bị tai nạn. Con số tương ứng của xe xăng là 199.533 vụ. Trong khi đó, ô tô điện cháy chỉ có 52 vụ.

Tesla khẳng định xe xăng có tỷ lệ bắt cháy gấp 11 lần so với ô tô điện của họ. Hãng này cho biết con số so sánh tốt nhất là tỷ lệ cháy trên 1,6 tỷ km đi được. Nhà sản xuất xe điện nói rằng 300.000 chiếc Tesla lưu thông trên đường đã đi được tổng cộng 12 tỷ km và có khoảng 40 vụ cháy được báo cáo. Con số này tương đương 5 vụ cháy cho mỗi 1,6 tỷ km đi được. Trong khi đó, xe xăng chiếm tỷ lệ 55 vụ cháy trên mỗi 1,6 tỷ km đi được. 

Xe điện dùng pin Li-on bắt lửa như thế nào?

Pin Lithium-ion (Li-on) trên ô tô điện rất dễ cháy do thành phần cấu tạo của nó. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô đã có phương pháp ngăn chặn việc cháy nổ của pin Li-on. Một viên pin Li-ion được cấu thành từ 4 thành phần chính bao gồm điện cực dương (cathode), điện cực âm (anode), dung dịch điện ly và vách ngăn.

Cháy cụm pin Li-on thường là do hiện tượng đoản mạch trong 1 hoặc nhiều phần tử pin, gây ra nhiệt lượng cao. Nếu pin của ô tô điện bị hư hỏng do va chạm, do lửa đốt hoặc nước xâm nhập, hiện tượng đoản mạch có thể xảy ra. Điều này khiến các viên pin giải phóng năng lượng và tăng nhiệt, dẫn đến tình trạng "thoát nhiệt" (thermal runaway). Phản ứng dây chuyền này khiến pin hỏng hoặc phát nổ, làm lửa lan ra và bùng lên.

Ảnh minh họa quá trình cháy của pin xe điện, từ việc bị đoản mạch, đến thoát nhiệt và bốc cháy rồi lan rộng

Ngay cả trường hợp ô tô điện bị ngâm trong nước (ngập nước), chất gây ô nhiễm hoặc muối có thể khiến pin bị chập điện, nhất là sau khi nước rút. Nững chuyển động của ô tô điện hoặc pin bị hư hỏng, ví dụ như khi xe đang được đưa cứu hộ, cũng có nguy cơ gây ra đoản mạch.

Nhiệt sinh ra do cháy, tình trạng thoát nhiệt của viên pin bên cạnh hay đoản mạch có thể nung chảy màng chắn dạng xốp giữa cực âm và cực dương của một viên pin. Điều này khiến viên pin đó tiếp tục bị thoát nhiệt và tạo ra khí dễ cháy. Hậu quả là cả cụm pin có thể bốc cháy. "Nhiệt có thể truyền sang viên pin bên cạnh và trở thành phản ứng dây chuyền", ông Barth giải thích.

Sự khác biệt lớn nhất so với xe xăng cháy là thời gian để ô tô điện bùng cháy. Cháy xăng gần như diễn ra ngay lập tức khi xăng bắt vào một tia lửa hoặc đốm lửa và lan ra nhanh chóng. Trong khi đó, cháy pin thường cần một khoảng thời gian để tích tụ đủ nhiệt lượng rồi mới bùng cháy. Trong một số trường hợp, sự chậm trễ đó là tốt vì người ngồi trong xe tai nạn có thể kịp thoát ra ngoài trước khi vụ cháy xảy ra. Trong một vài trường hợp khác, các viên pin mặc dù đã được dập tắt vẫn có nguy cơ cháy lại sau nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày, gây khó khăn cho công tác cứu hộ và sửa chữa.

Hình minh họa một cụm pin Lithium-ion trong xe Tesla

Cháy xe điện sẽ rất dữ dội và khó dập hơn xe xăng dầu

Như đã trình bày ở trên, xe điện ít bị cháy hơn xe sử dụng động cơ xăng dầu truyền thống. Tuy nhiên, một khi cháy, pin lithium-ion trong xe điện sẽ khó dập tắt hơn nhiều. Hiện tại chưa có các biện pháp nào dập lửa hiệu quả và nhanh chóng đối với các vụ cháy xe điện.

Sự khác biệt lớn nhất so với xe xăng, dầu là không thể dập lửa cho ô tô điện bằng bọt cứu hỏa thông thường. Thay vào đó, lính cứu hỏa phải làm nguội pin của ô tô điện để ngăn vụ cháy và tình trạng thoát nhiệt.

"Pin lithium-ion tạo ra lượng nhiệt và oxy riêng", ông Andrew Klock, giám đốc sản phẩm và phát triển của Hiệp hội Cứu hỏa Mỹ, cho biết. Do vậy cắt nguồn cung cấp ô xy bên ngoài cũng không thể làm ngừng cháy, xịt bọt hoàn toàn không có tác dụng. Để dập lửa cho ô tô điện, lính cứu hỏa sẽ phải xịt rất nhiều nước vào cụm pin để làm nguội bộ phận này.

Cảnh sát cứu hỏa một đám cháy gây ra dochiếc xe điện Tesla

Phần lớn pin của ô tô điện đều nằm bên dưới gầm xe, do đó xịt nước lên thân xe hay khoang động cơ không có tác dụng. "Bạn cần phải xịt nước bên dưới gầm xe", ông Knock giải thích thêm.

Theo Hiệp hội phòng cháy chữa cháy quốc gia Mỹ, nếu dùng nước để dập tắt đám cháy do xe điện gây ra cần tới hơn 110.000 lít nước, gấp khoảng 20-25 lần so với xe xăng và mất nhiều thời gian.

Trên đây là những hiểu biết căn bản nhất về pin ô tô điện, nguyên lý gây cháy của chúng và cách thức dập lửa. Có thể thấy, xe điện hay xăng dầu bản thân chúng đều tiềm tàng nguy cơ cháy nổ lớn, người sử dụng cần hết sức lưu ý để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội. 

Đánh giá: