menu

Những lưu ý nhất định phải biết nếu muốn lên đời cho lốp và la-zăng ô tô để tránh mất tiền "oan"

11:27 - 23/02/2023

Thay lốp và la-zăng mới mà không nắm rõ những điều dưới đây thì sẽ vừa mất an toàn, vừa tốn tiền sửa chữa và nộp phạt.

Nhiều người muốn độ lốp xe và la-zăng lên cỡ lớn hơn để xe trông ngầu và thể thao hơn. Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp muốn thay loại lốp và la-zăng kiểu dáng khác để tăng thêm tính thẩm mỹ hoặc khả năng vận hành. Nhưng trước khi lên đời cho "dàn chân" thì các chủ xe hãy cân nhắc và tham khảo những lưu ý sau.

Lốp và la-zăng lớn hơn thì an toàn toàn hơn?

Lốp và la-zăng lớn hơn thì vết tiếp xúc lốp với mặt đường càng lớn, khả năng bám đường càng cao, nhưng đồng thời cũng tạo ra lực cản lăn lớn hơn khiến động cơ phải hoạt động vất vả hơn.

Ngoài ra, lốp và vành cỡ lớn hơn sẽ khiến xe nặng hơn, từ đó tăng áp lực lên hệ thống phanh và hệ thống treo. Trong một số trường hợp, vành và lốp cỡ lớn hơn còn gây ra tình trạng phanh kém "ăn" hơn, làm giảm tuổi thọ của phanh, ảnh hưởng đến thời gian tăng tốc và khả năng điều khiển lái.

Xe ô tô có lốp to cũng dễ bị cán đinh, hoặc va vào đất đá sỏi bên đường do có diện tích tiếp xúc rộng. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi di chuyển. Như vậy, lốp và la-zăng lớn chưa hẳn đã an toàn hơn.

Khi độ lốp và lazang cho xe ô tô cần tính toán kỹ để đảm bảo độ an toàn cũng như khả năng vận hành ổn định của các bộ phận khác trên xe.

Khi độ lốp và lazang cho xe ô tô cần tính toán kỹ để đảm bảo độ an toàn cũng như khả năng vận hành ổn định của các bộ phận khác trên xe.

Bất cập khi độ lốp và vành xe ô tô

Ngoài việc phải bỏ ra một chi phí không nhỏ để lên đời cho bộ lốp và mâm thì chủ xe sẽ gặp phải những vấn đề sau đây. 

Bị từ chối đăng kiểm và bị phạt tiền

Với thực trạng đăng kiểm nghiêm ngặt như hiện nay thì xe "độ" lốp xe và la-zăng chắc chắn sẽ bị từ chối khi đăng kiểm vì không đúng với thông số ban đầu của nhà sản xuất.

Căn cứ theo Khoản 3 và Khoản 7, Điều 16 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì việc thay đổi kích cỡ, loại lốp và mâm xe ô tô sẽ bị phạt từ 800.000 - 1.000.000 đồng, đồng thời phải khôi phục về nguyên trạng.

Không được bồi thường bảo hiểm

Tự ý thay đổi lốp và la-zăng ô tô cũng có thể bị bên bảo hiểm từ chối. Nếu chủ xe không xuất trình được giấy phép của bên đăng kiểm thì sẽ bị từ chối bảo hiểm.

Tốn chi phí bảo dưỡng và nhiên liệu

Bởi vì diện tích tiếp xúc của lốp xe lớn hơn nên dễ bị đâm vào đinh và đá sỏi chém vào, làm hỏng lốp. Do đó, chủ xe cũng sẽ phải thường xuyên đến "thăm" chủ garage hơn để sửa chữa xe.

Đường kính của la-zăng và lốp ảnh hưởng đến khả năng tiết kiệm nhiên liệu của xe. Chúng nặng và to hơn sẽ tạo ra nhiều lực cản lăn của lốp, động cơ phải hoạt động "cực nhọc" hơn nên sẽ cần nhiều nhiên liệu hơn, kể cả xe xăng/dầu hay xe điện (tốn điện).

Lazang và lốp ô tô cần phải có kích cỡ phù hợp.

Lazang và lốp ô tô cần phải có kích cỡ phù hợp. Nếu thành lốp mỏng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy gây tốn kém chi phí sửa chữa hơn nữa.

Vẫn muốn lên đời cho lốp và la-zăng xe thì làm thế nào?

Nếu đã cân nhắc xong những điều trên và vẫn quyết định thay lốp, la-zăng xe thì chủ xe cần:

  • Đăng ký, đăng kiểm phương tiện trước khi đổi lốp và mâm xe.
  • Chọn kích cỡ lốp và mâm xe phù hợp, tính toán tỉ lệ cho đúng để đảm bảo sự vận hành ổn định của xe và các bộ phận khác.
  • Đường kính của lốp mới không nên khác quá nhiều so với nguyên bản. Theo chia sẻ của thợ thì đường kính lốp không tăng quá 3%.
  • Đem xe đi bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo độ an toàn của lốp và cả xe.
  • Thực hiện thay lốp và la-zăng ở cơ sở có uy tín, chuyên nghiệp.

 

Đánh giá: