Lốp không non hơi nhưng đèn cảnh báo áp suất lốp lại bật lên: Nguyên nhân và cách khắc phục
02:06 - 15/11/2022
Theo Cơ quan An toàn Giao thông Đường Bộ Mỹ (NHTSA), mỗi năm, có khoảng 11.000 vụ tai nạn và 200 ca tử vong vì những vấn đề liên quan đến lốp xe. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn này là do áp suất lốp thấp hơn mức tiêu chuẩn hay gọi nôm na là lốp non.
Để đảm bảo sự ổn định, khả năng kiểm soát xe và hiệu quả của hệ thống phanh, lốp ô tô phải được bơm đúng áp suất theo khuyến nghị của nhà sản xuất. Để hỗ trợ người dùng, các hãng xe hiện đã trang bị hệ thống cảnh báo áp suất lốp (Tire Pressure Monitoring System) cho nhiều mẫu ô tô đời mới. Khi phát hiện lốp non hơi, hệ thống này sẽ bật đèn cảnh báo trên bảng đồng hồ. Tuy nhiên, có không ít trường hợp lốp không non hơi nhưng đèn cảnh báo áp suất lốp lại bật lên.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này và cách khắc phục như thế nào? Xin mời các bạn tìm hiểu qua bài viết sau đây của chúng tôi.
Hệ thống cảnh báo áp suất lốp là gì?
Cảnh báo áp suất lốp (TPMS) về cơ bản là một thiết bị điện tử nằm trên vành, có tác dụng giám sát và cung cấp thông tin về áp suất lốp cho hệ thống máy tính của xe.
Hệ thống cảnh báo áp suất lốp hiện dùng 2 công nghệ khác nhau, bao gồm trực tiếp và gián tiếp. Hệ thống TPMS có thể đo áp suất lốp trực tiếp hoặc tính toán gián tiếp bằng cách sử dụng thông tin về chuyển động quay của lốp.
Khi xe khởi động, đèn TPMS thường sẽ sáng lên trong thời gian 1 hoặc 2 giây. Đèn này thường có hình móng ngựa với dấu chấm than bên trong. Đôi khi, đèn cảnh báo sẽ có thêm dòng chữ "TPMS" bên cạnh biểu tượng kể trên.
Cần phải lưu ý rằng hệ thống TPMS sẽ bật đèn cảnh báo trên bảng đồng hồ nếu áp suất lốp thấp hơn mức khuyến nghị của nhà sản xuất nhưng không báo cho bạn áp suất chính xác của lốp xe. Nếu đèn cảnh báo không sáng cũng không có nghĩa là áp suất lốp xe vẫn đang ở mức chuẩn. Do đó, bạn nên thường xuyên kiểm tra áp suất lốp của xe để kịp thời điều chỉnh.
Nguyên nhân khiến đèn cảnh báo áp suất lốp bật lên dù lốp không non hơi
Nhiệt độ thấp
Đèn cảnh báo áp suất lốp bật lên mặc dù lốp không non hơi là hiện tượng hay gặp vào những sáng mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp. Như đã biết, không khí nóng sẽ giãn nở, chiếm nhiều không gian hơn và giảm mật độ. Tuy nhiên, trong không gian giới hạn bên trong lốp, sự giãn nở này đồng nghĩa với áp suất lốp tăng lên. Ngược lại, không khí lạnh sẽ tăng mật độ và chiếm ít không gian hơn. Vì vậy, bên trong lốp, sự cô đặc của không khí này đồng nghĩa với áp suất lốp giảm xuống.
Lốp ô tô thường có áp suất khoảng 30 psi ở nhiệt độ 27 độ C vào ban ngày. Tuy nhiên, vào lúc sáng sớm, khi nhiệt độ chỉ còn -1 độ C sau một đêm lạnh giá, áp suất lốp sẽ giảm xuống còn 25 psi.
Vào những ngày nhiệt độ dao động mạnh, chênh lệch lớn giữa ngày và đêm, áp suất lốp ô tô thường biến động trong khoảng từ 3 - 5 psi. Đó là lý do vì sao vào những sáng mùa đông lạnh giá, đèn cảnh báo áp suất lốp của ô tô sẽ bật sáng trên bảng đồng hồ. Tuy nhiên, ngay khi xe bắt đầu di chuyển, lốp sẽ ấm dần lên, không khí bên trong giãn nở, tăng áp suất và lúc này, đèn TPMS sẽ tắt đi. Tuy nhiên, nếu đèn TPMS không tắt khi lốp đã ấm lên, bạn nên dùng đồng hồ đo áp suất lốp để kiểm tra.
Xe mới đảo lốp hoặc thay lốp
Như đã nhắc ở trên, hệ thống TPMS được đặt trên vành. Vì vậy, thiết bị điện tử này có thể bị hư hỏng trong quá trình đảo lốp hoặc thay lốp mới cho xe, dẫn đến đèn TPMS bật lên. Để tránh trường hợp này, chủ xe nên kiểm tra hệ thống cảnh báo áp suất lốp sau khi thay lốp hoặc đảo lốp cho xe.
Ngoài ra, lốp mới mà bạn thay cho xe có thể dùng hệ thống TPMS khác với những lốp còn lại hoặc dùng hệ thống TPMS không đúng với loại do nhà sản xuất theo khuyến nghị. Khi điều này xảy ra, đèn TPMS cũng có thể bật lên.
Trong trường hợp này, để tắt đèn cảnh báo áp suất lốp, người lái có thể lên xe và chạy với tốc độ ổn định trong khoảng 10 phút. Nếu cách làm này không phát huy tác dụng thì bạn nên mang xe đến gara để kiểm tra.
Lỗi cảm biến áp suất lốp
Nếu dùng đồng hồ đo và xác nhận cả 4 lốp đã được bơm đúng áp suất lốp theo khuyến nghị của nhà sản xuất nhưng mỗi khi khởi động máy, bạn vẫn thấy đèn TPMS bật sáng trên bảng đồng hồ thì nhiều khả năng là cảm biến bị lỗi. Trong trường hợp này, hãy mang xe đến gara để kiểm tra hoặc thay thế cảm biến áp suất lốp.
Cảm biến TPMS của xe cũng có thể bị mòn hoặc hư hỏng theo thời gian, đặc biệt ở gioăng làm kín, nắp van hoặc lõi cảm biến. Ngoài ra, cảm biến áp suất lốp còn chạy bằng pin vốn có tuổi thọ giới hạn, khoảng 5-7 năm, cao nhất là 10 năm. Hết pin và tình trạng bị mòn, hỏng theo thời gian có thể khiến cảm biến TPMS bị hỏng khiến đèn cảnh báo bật sáng dù lốp vẫn bình thường.
Một nguyên nhân nữa có thể khiến cảm biến TPMS bị hỏng là sự xuất hiện của bất kỳ chất nào đó bên trong lốp ngoài không khí hoặc khí ni-tơ, ví dụ như keo vá lốp.
Lốp dự phòng
Không phải lốp dự phòng nào cũng có hệ thống cảnh báo áp suất lốp. Tuy nhiên, nếu có và lâu không dùng, lốp dự phòng khi được thay vào xe cũng có thể kích hoạt đèn cảnh báo TPMS.
Hầu như lốp nào cũng sẽ giảm dần áp suất theo thời gian thông qua van bơm hơi. Ngay cả lốp dự phòng hoặc lốp của xe ít chạy và thường xuyên nằm trong gara cũng không phải là ngoại lệ. Do đó, người dùng nên kiểm tra áp suất lốp của ô tô mỗi tháng 1 lần, bao gồm cả lốp dự phòng. Nếu thấy áp suất của lốp dự phòng thấp hơn mức tiêu chuẩn theo khuyến nghị của nhà sản xuất thì bơm thêm để có thể sẵn sàng dùng bất cứ lúc nào.
Lốp non hơi vì tác động vật lý
Lốp bất ngờ giảm áp suất không phải là trường hợp hiếm gặp và cũng khiến đèn TPMS bật lên. Lốp có thể bị giảm áp suất khi chạy trên những địa hình xấu hoặc tông vào vỉa hè vì hơi bị rò rỉ ra ngoài.
Những nguyên nhân phổ biến khác khiến lốp bị rò hơi và giảm áp suất chính là vành bị hỏng vì những tác động vật lý trên đường như gạch đá văng trúng hoặc van lốp bị lỗi.
Cách xử lý khi đèn cảnh báo áp suất lốp bật lên dù lốp không non hơi
Sau khi đã kiểm tra tất cả những điều trên mà không phát hiện ra điều gì bất thường, bạn có thể cài lại (reset) hệ thống cảnh báo áp suất lốp. Để làm điều này, trước tiên, bạn cần xác định vị trí của nút bấm cài lại hệ thống TPMS. Nút bấm này thường được đặt bên trong hộc đựng găng trên mặt táp-lô, đối diện với ghế phụ lái.
Tất nhiên, với mỗi mẫu xe hoặc nhà sản xuất, vị trí đặt nút bấm này có thể sẽ thay đổi. Nếu không xác định được, hãy tìm nút bấm có biểu tượng hình móng ngựa hoặc thêm chữ "SET" bên cạnh. Bạn cũng có thể tham khảo sách hướng dẫn của nhà sản xuất để tìm vị trí của nút bấm này.
Sau khi tìm được nút này, hãy bấm giữ trong thời gian khoảng 3 giây. Khi thấy đèn cảnh báo áp suất lốp trên bảng đồng hồ nháy 3 lần có nghĩa là hệ thống đang được cài lại. Bước tiếp theo là tắt máy đi và khởi động lại sau khoảng 5 giây.
Cách cài lại hệ thống TPMS cũng có thể thay đổi theo từng nhà sản xuất. Do đó, hãy tham khảo trong sách hướng dẫn của nhà sản xuất và làm theo.
Nếu cài lại hệ thống TPMS mà đèn cảnh báo vẫn không tắt thì tốt nhất là nên mang xe đến gara để thợ kiểm tra. Ngoài ra, cũng có một số mẫu xe không cho phép bạn tự cài lại hệ thống cảnh báo áp suất lốp, ví dụ như Subaru. Thay vào đó, bạn phải dùng dụng cụ chuyên dụng, thường có ở các gara, cửa hàng phụ tùng ô tô hoặc đại lý lốp, để cài lại hệ thống TPMS.
Bài viết mới nhất
-
VinFast chính thức bàn giao mẫu xe chủ lực VF5 cho khách hàng Indonesia
17 giờ trước
-
Ngắm trước xe điện Maextro S800 của hãng điện thoại và hãng xe tải khá nổi tiếng ở Việt Nam hợp tác sản xuất
22 giờ trước
-
Biển số 29E-000.01 tiếp tục "đổi chủ": Từ Vios sang Porsche 911 giờ lại về Suzuki Jimny
Hôm qua lúc 08:31