Cách xử lý khi ô tô mất lái, tránh gây tai nạn đáng tiếc
15:06 - 26/03/2018
Nguy hiểm khi xe ô tô mất lái
Vào ngày 24/3, một chiếc xe ô tô BKS: 30E-187.84 chạy với tốc độ cao bất ngờ mất lái và tông vào 6 xe máy đang dựng trên vỉa hè. Vụ tai nạn đã khiến cho số xe máy bị hư hỏng nặng, trong khi chiếc ô tô thì nằm lật nghiêng giữa đường.
May mắn là tài xế ô tô chỉ bị thương nhẹ, không có thiệt hại về người do thời điểm xảy ra vụ tai nạn vào buổi trưa, ít người qua lại. Lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường để giải quyết vụ việc. Cơ quan chức năng xác định, trước khi va chạm, tài xế ô tô đã ngủ gật.
Toàn bộ sự việc đã được camera giám sát ghi lại và do tài khoản Vũ Hoàng đăng tải lên facebook. Theo Vũ Hoàng, vụ việc đã xảy ra ở Km3 QL37 đoạn qua địa bàn TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
Cũng trường hợp mất lái, một vụ tai nạn giao thông đã xảy ra ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, khiến 5 người thương vong vào trưa ngày 6/1. Chủ tịch UBND xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, ông Nguyễn Khắc Hùng cho biết, xe bán tải mang BKS 47C- 16086 lưu thông với tốc độ cao trên Tỉnh lộ 1 theo hướng TP Buôn Ma Thuột đi huyện Ea Súp (Đắk Lắk) thì bất ngờ mất lái, tự đâm vào gốc cây ven đường.
Hậu quả là người đàn ông ngồi phía sau xe tử vong tại chỗ, 3 cháu nhỏ và tài xế bị thương nặng.
Xử lý khi xe ô tô mất lái
Có 2 nguyên nhân chính khiến xe ô tô mất lái gồm lỗi kỹ thuật của xe (nổ lớp, một chi tiết nào đó trong hệ thống lái hoặc các bộ phận liên quan bị hỏng hóc, kẹt cứng, hệ thống bánh xe chưa cân chỉnh chính xác,…) và lỗi điều khiển của người lái (không làm chủ tốc độ, không làm chủ được chân ga, chân phanh, vào cua ở tốc độ cao, đi trên những đoạn đường trơn trượt,…).
Theo đó, khi xe mất lái, tài xế nên giữ bình tĩnh và phản ứng dứt khoát nhằm giảm tối đa thương vong. Cụ thể, đối với mặt đường trước mặt khô và vắng xe, tài xế cần phanh gấp để cho dừng lại lập tức. Ngược lại với mặt đường ướt hoặc trơn trượt, tài xế cần rà phanh, tránh phanh gấp để duy trì kiểm soát hướng di chuyển. Nguyên do là vì khi bánh bị khóa cứng, lực bám ngang không còn, xe sẽ bị văng đi và lao vào một vật hay một phương tiện gần đó. Lưu ý, tài xế nên về số thấp phanh bằng động cơ.
Trường hợp trên đường nhiều xe cộ hay đường cao tốc, tài xế cần phát tín hiệu cảnh báo bằng đèn, còi để những phương tiện khác biết. Nếu chạy vào ban đêm, cần bật đèn cảnh báo sự cố, nháy đèn pha/cốt liên tục để tạo chú ý. Tiếp theo, tài xế cần giảm tốc từ từ để các xe khác có đủ thời gian phản ứng. Cùng lúc đó, tài xế nên nhấp nhả phanh chân, phanh tay và về số để cố gắng kiểm soát xe. Khi khoảng cách với các xe được kéo giãn, tài xế có thể nghĩ đến phương án đạp phanh gấp.
Nên nhớ, khi xe mất lái, tài xế luôn chuẩn bị tâm thế sẽ có một cú va chạm xảy ra nhưng nặng hay nhẹ còn tùy vào khả năng xử lý của mỗi người.
Phòng tránh xe ô tô mất lái
Như đã nói ở trên, mất lái có thể đến từ lỗi kỹ thuật xe. Vì vậy, chủ xe nên kiểm tra các chi tiết trên xe để tránh tình trạng hỏng hóc khiến xe bị mất lái. Trước hết, tài xế nên chú ý bảo dưỡng định kỳ hệ thống lái và các chi tiết như vô lăng, rô-tuyn lái, vòng bi, gioăng cao su, áp suất lốp, căn chỉnh góc đặt bánh xe…
Ngoài ra, các tài xế không nên phóng nhanh, vượt ẩu khi đang lưu thông trên đường, nhất là ở đường cao tốc. Lưu ý đi đúng tốc độ, giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện khác. Khi lái xe qua những đoạn đường trơn trượt, tài xế cần giảm tốc độ, ít nhất 10% so với tốc độ bình thường, giảm 20% khi ôm cua.
Đặc biệt, không nên phanh gấp, cần kéo phanh tay khi xe bị trượt bánh và tạo khoảng cách an toàn với xe phía trước.