menu

3 công nghệ ngăn va chạm hay bị lỗi nhất trên ô tô mới

23:23 - 31/10/2022

Những người tham gia khảo sát của J.D. Power cho biết các hệ thống này vừa phiền phức khi cảnh báo vừa hoạt động phập phù hoặc thậm chí không phát huy tác dụng.

Mỗi năm, công ty nghiên cứu J.D. Power vẫn thường xuyên tung ra kết quả nghiên cứu chất lượng xe ban đầu (IQS) của mình. Đây là kết quả khảo sát từ những người mới mua ô tô để xem họ gặp phải những vấn đề nào trong 90 ngày đầu sở hữu xe. Nghiên cứu này của J.D. Power chia các vấn đề mà người dùng gặp phải thành 9 nhóm. Trong đó, có một số nhóm liên quan đến công nghệ xe hơi.

Trong những năm trở lại đây, nghiên cứu IQS của J.D. Power liên tục cho thấy người dùng gặp không ít khó khăn với công nghệ trên xe mới. Trong đó, các tính năng hỗ trợ người lái nâng cao (ADAS) - một phần của công nghệ ô tô - đặc biệt khiến người dùng phát bực.

Để hiểu rõ hơn về những vấn đề mà người dùng gặp phải với các tính năng an toàn chủ động và cung cấp giải pháp cho ngành công nghiệp ô tô, J.D. Power đã tạo ra nghiên cứu mới có tên ADAS Quality and Satisfaction Study. Đây là nghiên cứu chuyên về chất lượng của các tính năng an toàn ADAS và độ hài lòng của người dùng với chúng.

2022 là năm đầu tiên nghiên cứu ADAS Quality and Satisfaction Study được thực hiện. Qua đó, J.D. Power phát hiện những tính năng hỗ trợ người lái nâng cao chiếm đến 13% trong tổng số lỗi trên xe mới của toàn thị trường Mỹ. Trung bình, cứ 100 xe thì có 23,1 lỗi liên quan đến các tính năng an toàn ADAS.

"Khi công nghệ ô tô tiếp tục tiến hóa, các nhà sản xuất cũng cố gắng luôn đổi mới", bà Ashley Edgar, giám đốc cấp cao của J.D. Power, cho biết. "Mặc dù sáng tạo là quan trọng nhưng điều quan trọng không kém là đảm bảo những công nghệ hiện tại, ví dụ các tính năng ngăn va chạm, hoạt động hiệu quả nhất. Nếu nhà sản xuất muốn tăng cấp độ xe tự lái trong tương lai, các tính năng hiện nay phải không gặp trục trặc nào".

Theo bà Edgar, các tính năng hay bị lỗi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phản hồi của người mua. Điều này rất quan trọng khi các nhà sản xuất muốn gây dựng lòng tin của chủ xe để họ sử dụng những công nghệ hỗ trợ người lái phức tạp mới trong tương lai.

Theo kết quả nghiên cứu ADAS Quality and Satisfaction Study 2022 của J.D. Power, các hệ thống ngăn va chạm như cảnh báo lệch làn đường, hỗ trợ giữ làn đường và phanh tự động khẩn cấp phía trước là những tính năng ảnh hưởng lớn đến sự hài lòng của người dùng. Những người tham gia khảo sát của J.D. Power cho biết cảnh báo của các hệ thống này thường rất phiền phức. Ngoài ra, họ còn tiết lộ rằng những tính năng này thường hoạt động phập phù hoặc không hề phát huy tác dụng.

3 công nghệ ngăn va chạm hay bị lỗi nhất trên ô tô mới

3 công nghệ ngăn va chạm hay bị lỗi nhất trên ô tô mới bao gồm cảnh báo lệch làn đường, hỗ trợ giữ làn đường và phanh tự động khẩn cấp phía trước

Những phản hồi trên đều có liên quan trực tiếp đến sự bức xúc của người dùng với ô tô điện mới hiện nay. Tuy nhiên, trong tương lai, người dùng có thể tỏ ra hoài nghi khi tiếp nhận những tính năng hỗ trợ người lái mới.

Bà Edgar chỉ ra rằng công nghệ an toàn chủ động ADAS là nền tảng cho mọi sáng tạo trong tương lai. Do đó, các nhà sản xuất phải tạo dựng được niềm tin và sự quen thuộc cho khách hàng khi chứng minh sự hữu dụng của những tính năng ADAS này. Theo bà Edgar, nếu các nhà sản xuất không làm được như thế, chủ xe sẽ khó thích nghi được với cấp độ tự lái cao hơn của ô tô.

Cũng theo nghiên cứu năm nay của J.D. Power, tỷ lệ lỗi của các hệ thống như cảnh báo va chạm phía trước và phanh khẩn cấp tự động đã tăng lên so với năm 2021. Số lỗi trung bình của 2 hệ thống này trong năm ngoái là 1,3 lỗi/100 xe. Con số tương ứng của năm nay là 2 lỗi/100 xe. Theo bà Edgar, những lỗi này cũng có tác động lớn hơn vì có thể làm giảm sự hài lòng và tin tưởng của khách hàng.

Về giải pháp dành cho các nhà sản xuất, bà Edgar cho biết: "Các nhà sản xuất có thể tập trung vào việc tìm hiểu kỳ vọng của khách hàng và nâng cao nhận thức của người dùng". Việc biết rõ chuyện gì đang xảy ra với xe của mình là chìa khóa quan trọng để người dùng tin tưởng và sử dụng các tính năng. "Khi khách hàng hiểu chức năng và tác dụng kỳ vọng của các tính năng, họ sẽ cảm thấy an tâm rồi dần dần tin tưởng vào công nghệ", bà Edgar nói thêm.

Hệ thống cảnh báo lệch làn đường là gì?

Hệ thống cảnh báo lệch làn đường (Lane Departure Warning - LDW) là loại cơ bản nhất trong số các công nghệ giám sát làn đường. Những công nghệ này được ra đời nhằm giúp xe không bị lệch ra khỏi làn đường đang chạy. Đúng như tên gọi, LDW sẽ cảnh báo người lái khi chiếc xe chạy lệch ra khỏi làn đường mà không bật đèn xi-nhan.

LDW sẽ cảnh báo khi xe có nguy cơ lệch ra khỏi làn đường đang chạy

LDW sẽ cảnh báo khi xe có nguy cơ lệch ra khỏi làn đường đang chạy

Sử dụng camera trên đầu xe, hệ thống LWD sẽ giám sát đường đi và nhận biết vạch kẻ đường. Khi phát hiện xe chạy lệch khỏi làn đường, hệ thống sẽ cảnh báo cho người lái bằng âm thanh, đèn báo hoặc biểu tượng trên bảng đồng hồ. Ở một số mẫu xe, hệ thống LWD còn cảnh báo người lái bằng cách rung vô lăng.

Tuy nhiên, LDW không chủ động can thiệp vào việc ngăn xe chạy lệch làn đường. Thay vào đó, hệ thống chỉ cảnh báo để người lái chỉnh vô lăng và phanh nhằm đưa xe quay trở lại làn đường ban đầu.

Hệ thống hỗ trợ giữ làn đường là gì?

Hệ thống hỗ trợ giữ làn đường (Lane Keeping Assist - LKA) cũng có những chức năng tương tự LDW kể trên. Tuy nhiên, khác với LDW, LKA là công nghệ chủ động. Theo đó, LKA không chỉ cảnh báo cho người lái bằng hình ảnh và âm thanh mà còn chủ động ngăn xe chạy lệch làn đường. Cụ thể hơn, hệ thống sẽ từ từ đánh lái tự động và/hoặc phanh để đưa xe về lại giữa làn đường.

Không chỉ cảnh báo, hệ thống LKA còn chủ động đưa xe về trở lại làn đường

Không chỉ cảnh báo, hệ thống LKA còn chủ động đưa xe về trở lại làn đường

Khi hệ thống LKA hoạt động, người lái sẽ cảm nhận được việc vô lăng tự điều chỉnh theo vạch kẻ đường và phanh "giật" xe về giữa làn đường. Đôi khi, các nhà sản xuất ô tô sẽ kết hợp công nghệ này với hệ thống cảnh báo điểm mù. Nếu người lái bỏ qua cảnh báo về điểm mù mà cố tình chuyển làn không an toàn, hệ thống sẽ tự động can thiệp vào vô lăng và phanh của xe.

Hệ thống phanh khẩn cấp tự động là gì?

Hệ thống phanh khẩn cấp tự động (Automatic Emergency Braking - AEB) là công nghệ có thể phát hiện nguy cơ va chạm sắp xảy ra và phản hồi tự động bằng cách nhấn phanh để giảm tốc độ của xe hoặc khiến xe dừng lại để tránh tai nạn. Công nghệ này thường sử dụng radar, camera hoặc LiDAR để phát hiện các tình huống nguy hiểm. Xe chạy ở tốc độ càng thấp thì hệ thống AEB càng phát huy được tác dụng.

AEB là công nghệ an toàn hữu dụng nhưng lại bị người dùng phản ánh là hay bị lỗi

AEB là công nghệ an toàn hữu dụng nhưng lại bị người dùng phản ánh là hay bị lỗi

Hệ thống AEB đầu tiên xuất hiện trên các mẫu xe hạng sang vào giữa những năm 2000. Ngày nay, công nghệ này dần trở nên phổ biến ở mọi loại xe, hãng xe và phân khúc giá. Vào ngày 1/9/2022, các nhà sản xuất ô tô đã cam kết với Cơ quan An toàn Giao thông Đường bộ Mỹ (NHTSA) về việc trang bị hệ thống AEB tiêu chuẩn cho hầu hết các mẫu xe mới bán ra ở thị trường này.

Đánh giá: