menu

"Kể khổ" về những nỗi niềm khi mua ô tô mà chỉ người trong cuộc mới hiểu

08:56 - 18/05/2022

Bên cạnh những điểm cộng mà xe ô tô đem lại thì vẫn còn không ít những "nỗi khổ" khiến người dùng cảm thấy bất tiện, thậm chí là "ức chế".

Sở hữu một chiếc ô tô là mong muốn của rất nhiều người, chúng không chỉ giúp bạn che nắng che mưa, đi xa chẳng cần phải thuê xe, mà còn đem lại cảm giác tự hào và oai hơn hẳn đi xe máy. Tuy nhiên, việc mua và sử dụng ô tô cũng đem lại nhiều điều bất cập cho người chủ sở hữu. Dưới đây là những nỗi niềm mà nhiều chủ xe bày tỏ.

Tình trạng "bia kèm lạc" khi mua xe

Hiện trạng này dạo gần đây đang xảy ra khá nhiều, khi mẫu xe bạn mua có dấu hiệu khan hàng, nhà sản xuất chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách đặt, gây ra lượng xe cần cung bị thiếu hụt. Điều này khiến cho khách hàng phải đợi chờ.

Nên tham khảo giá ở một vài đại lý khác nhau trước khi mua xe.

Trước sức hút bán hàng của mẫu xe như vậy nhưng nhà sản xuất vẫn muốn giữ nguyên mức giá, ai đặt trước mua trước và ai đặt sau mua sau. Tuy nhiên, ở phía dưới đại lý sẽ xuất hiện dịch vụ "kèm lạc", tức là những khách hàng nào muốn sở hữu xe sớm sẽ cần phải chi thêm một khoản tiền chênh lệch. Và tùy vào mức độ "chịu chơi" của các chủ xe xem có chấp nhận giá đó hay không, hoặc đợi đến khi có xe giao đúng, hoặc mua xe với mức giá ổn định và "nói không với lạc".

Bạn thấy đấy, có tiền cũng không hẳn sẽ trở thành thượng đế, được phục vụ nhanh chóng tức thì. Nhiều chủ xe "bấm bụng" trả thêm tiền phụ trội này để được nhận xe sớm hơn, hoặc chờ đợi mòn mỏi không biết khi nào mới nhận được xe, dù tiền cọc thì đã nộp.

>>> Xem thêm: Giá “lạc” của Hyundai Santa Fe đã lên tới 100 triệu đồng, tăng về mức trước Tết Nguyên Đán

Dịch vụ sau bán hàng

Không ít người mua kêu ca về dịch vụ sau bán hàng, xe mới mua mà gặp phải những trục trặc và phát sinh vấn đề, gọi cho người bán hàng trước đó hoặc đại lý thì nhận lại câu trả lời không xác đáng, sự tiếp đón kém nhiệt tình, dịch vụ sửa chữa gây cảm giác bực bội.

Tất nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít khách hàng gây khó dễ cho đại lý do chưa hiểu biết nhiều về xe và nghe theo những nhận xét trái chiều trên mạng xã hội.

Việc gặp trục trặc sau khi mua xe mới rất bất tiện cho người dùng, bởi phải đi lại bảo dưỡng và nhiều khi trong thời gian đó, bạn sẽ không có phương tiện để sử dụng. 

Giá trị xe bị "bốc hơi"

Đã có rất nhiều trường hợp, cùng một mẫu xe nhưng giá bán ở tháng sau giảm mạnh so tháng trước, gây ra sự tiếc nuối, thậm chí là "cay cú" cho người mua.

Để tậu được một chiếc xe hơi, nhiều người đã phải tiết kiệm, dành dụm từng chút một, tính toán đủ đường. Ấy vậy mà tháng sau, hãng bất ngờ thông báo giảm xuống cả trăm triệu đồng, khiến những người mua trước đó cảm thấy nuối tiếc vô cùng. 

Người mua sau, được hưởng lợi thì hả hê đắc ý, người mua rồi thì "tiếc đứt ruột" nhưng cũng chỉ còn biết "cười trừ".

Bên cạnh đó, ô tô ở Việt Nam bị đánh thuế rất cao, do đó mà các mẫu xe ô tô bán ra tại nước ta đắt hơn thị trường nước ngoài nhiều. Đi kèm với đó là chi phí sửa chữa, thay thế phụ tùng cũng không hề rẻ. Trong khi ở thị trường nước ngoài đã có xe mới thì người dân Việt vẫn cần một khoảng thời gian mới có thể tiếp cận được.

Chi phí "nuôi xe"

Khi đã "rinh" được xế cưng về rồi thì việc nuôi xe cũng là cả một vấn đề. Chi phí nuôi xe trong 1 năm tại Việt Nam sẽ bao gồm phí sử dụng đường bộ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí đăng kiểm, phí cầu đường, tiền xăng dầu, rửa xe, gửi xe, bảo dưỡng, va quệt... Theo khảo sát, hầu hết các chủ xe đều khẳng định họ tốn chi phí trung bình khoảng 5 triệu/tháng và 60 triệu đồng/năm cho ô tô. 

Tuy nhiên, chi phí nuôi ô tô thực tế còn phụ thuộc vào từng người dùng, hoàn cảnh và loại xe. Xe càng đắt tiền thì chi phí nuôi xe càng lớn. 

Với tình hình giá xăng dầu tăng cao, có lúc lên tới gần 30.000 đồng/lít như thời gian gần đây thì nhiều người đi ô tô "méo mặt" và muốn "quay xe" chuyển sang loại hình phương tiện khác cho tiết kiệm.

Mua xe đã khó, nuôi xe còn khó hơn.

Mua xe đã khó, nuôi xe còn khó hơn.

Nỗi "khổ trăm bề" khi di chuyển và đỗ, gửi xe trong thành phố

Khả năng di chuyển của xe ô tô kém linh hoạt hơn một chiếc xe máy. Nhất là ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, tại đoạn đường đông đúc, có thể sẽ tắc dài hàng kilomet, mất cả tiếng để đợi chờ.

Chưa kể là việc tìm chỗ đỗ xe ô tô trong thành phố cũng "khó như lên trời", may mắn thì tìm được chỗ đỗ gần, còn không thì sẽ phải đậu xe ở một nơi khác xa hơn và đi bộ đến nơi làm việc. Ngoài ra, không phải công ty, cơ quan nào cũng hỗ trợ cho nhân viên có chỗ đỗ xe ô tô mà chủ xe sẽ phải "tự túc", nhiều khi tiền gửi xe bằng 1/3 tiền lương của một ngày.

Chờ hàng tiếng đồng hồ vì tắc đường.

Chờ hàng tiếng đồng hồ vì tắc đường.

Nếu đi xe máy, bạn muốn xuống ăn sáng hoặc uống cà phê ở đâu thì chỉ cần đậu xe trước cửa quán là được, đằng này khi đi ô tô bạn còn cần tìm hiểu ở đó có chỗ đỗ xe hay không, nhiều khi phải lòng vòng mãi vì chẳng tìm được khoảng trống nào.

Thậm chí có nhiều "anh chị" tự phát sinh ra việc thu tiền gửi xe, nhiều bảo vệ nói khéo "bồi dưỡng cho chút tiền trông xe", đi ô tô mà kì kèo tranh cãi thì hơi mất mặt, mà bỏ tiền ra cho thì bản thân lại thấy không vui. Bởi vậy mà nhiều người phải thốt lên "đi ô tô khổ quá mà!".

Bị "vặt đồ"

Một nỗi lo nữa của chủ xe ô tô chính là vấn nạn trộm đồ, bẻ gương, cần gạt mưa, biển số,... và cả bánh xe. Xe càng sang thì càng lo.

Xe phổ thông hay xe sang thì đạo chích cũng không tha.

Xe phổ thông hay xe sang thì đạo chích cũng không tha.

Facebook Đức Anh Nguyễn chia sẻ trên diễn đàn tình cảnh chiếc xe của mình sau khi bị đạo chích vặt trộm đồ "Xe em vừa mất full combo bao gồm: Gương, logo, gạt mưa và chữ hiệu. Thật không biết nói gì cho ngầu...".

Chiếc xe bị vặt mất gương, logo, gạt mưa và chữ hiệu.

Chiếc xe bị "vặt" mất gương, logo, gạt mưa và chữ hiệu của chủ Facebook Đức Anh Nguyễn.

Nếu sở hữu một chiếc ô tô thì nắng mưa không tới đầu, không lo bụi bặm trời nóng cũng như trời lạnh. Ngồi trong ô tô quả thật là sướng rồi, lại còn oai nữa! Thế nhưng đằng sau đó cũng là các câu chuyện dở khóc dở cười mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu.

Cũng bởi những bất cập trên mà không ít người đã từ bỏ chiếc xe ô tô để quay trở về với những chiếc xe máy. Nếu cần thì có thể đi taxi, xe bus hoặc xe công nghệ chứ không mua ô tô nữa. 

Đánh giá:
Quảng cáo