Honda CR-V và Accord bị điều tra vì phanh khẩn cấp tự động kích hoạt dù không có vật cản
17:05 - 25/02/2022
Trong thời gian qua, Cơ quan An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia Mỹ (NHTSA) đã nhận được tổng cộng 278 phản hồi của người dùng về lỗi xe Honda. Trong đó, có 107 phản hồi về Honda Accord đời 2018 - 2019 và 171 phản hồi về CR-V đời 2017 - 2019. Những phản hồi của người dùng đã khiến NHTSA phải vào cuộc và tiến hành điều tra tổng cộng 1,732 triệu chiếc xe Honda tại Mỹ.
Tất cả những phản hồi kể trên đều liên quan đến hệ thống phanh khẩn cấp tự động (AEB) của Honda CR-V và Accord. Một số người lái cho biết hệ thống AEB trên xe Honda đã kích hoạt ngẫu nhiên, đôi khi không hề cảnh báo, ngay cả khi xe đang chạy ở tốc độ cao và phía trước không có vật cản. Trong đó, có 6 trường hợp dẫn đến tai nạn khiến người dùng bị thương nhẹ.
"Tình trạng này xảy ra 2 lần trong vòng 6 tháng qua. Khi chúng tôi đang trên đường sang vùng lân cận, chiếc xe đã bật đèn báo phanh trên bảng đồng hồ rồi phanh lại. Sau khi tôi chạm vào bàn đạp phanh, xe quay trở lại tốc độ bình thường. Đường lúc đó rất vắng, không hề có vật cản nào. Cũng chẳng có chiếc ô tô nào chạy phía trước hay đi theo hướng ngược lại đến", một người dùng xe Honda lên tiếng.
Hiện nay, hệ thống AEB thường được trang bị tiêu chuẩn cho các mẫu xe đời mới và khá hữu dụng trong việc hỗ trợ người lái tránh va chạm. Tuy nhiên, việc kích hoạt không đúng lúc, đúng chỗ có thể dễ dàng gây ra tai nạn, ví dụ như va chạm từ phía sau. Điều này khiến NHTSA phải mở cuộc điều tra đối với những chiếc Honda Accord và CR-V đời cũ.
Theo NHTSA, mục đích của cuộc điều tra này là để "xem phạm vi và mức độ nghiêm trọng của vấn đề tiềm ẩn cũng như đánh giá toàn diện về những nguy cơ liên quan đến an toàn". Sau quá trình điều tra, NHTSA sẽ quyết định xem hãng Honda có phải triệu hồi xe hay không.
Tại Việt Nam, đã từng có một số mẫu xe bị triệu hồi vì hệ thống AEB kích hoạt bất ngờ như Mazda3 2020 phiên bản Premium. Theo các kỹ sư của Mazda Việt Nam, phần mềm điều khiển hệ thống hỗ trợ phanh tự động khẩn cấp Smart Braking System (SBS) chưa phù hợp với điều kiện giao thông, khiến hệ thống hiểu nhầm rằng xe đang ở gần với vật cản hoặc các xe khác rồi tự kích hoạt phanh kèm với âm thanh cảnh báo và thông báo trên màn hình của bảng điều khiển. Để khắc phục vấn đề này, Mazda Việt Nam đã triệu hồi 300 chiếc Mazda3 2020 để nâng cấp phần mềm điều khiển hệ thống SBS.
Bài viết mới nhất
-
Bạn có biết bạn vẫn có thể mua một chiếc Ferrari LaFerrari hoàn toàn mới không?
Hôm qua lúc 08:30
-
Đại lý hé lộ BYD Sealion 6 DM-i sắp được bán ở Việt Nam, giá chỉ hơn 700 triệu đồng
Hôm qua lúc 01:16
-
Đại lý Việt nhận cọc MPV cỡ trung MG G50, giá khởi điểm dự kiến chỉ hơn 500 triệu đồng
Hôm qua lúc 00:28