Thông tư 03 khiến xe nhập khẩu về Việt Nam đã khó càng thêm khó
Hiển Xăm 17:29 - 26/01/2018
Nghị định 116/2017/NĐ-CP đã đưa ra hàng loạt quy định mới thắt chặt nhập khẩu xe ô tô khiến nhiều doanh nghiệp đang loay hoay và dẫn đến tình trạng khan hiếm một số mẫu xe nhập khẩu vào dịp cuối năm 2017. Và cho đến ngày 10/1/2018, thông tư 03/2018/TT-BGTVT hướng dẫn thi hành nghị định 116/2017/NĐ-CP đã chính thức được Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ ký ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/3/2018. Nghị định này được đánh giá là khiến cho việc các mẫu xe nhập khẩu muốn về Việt Nam thì "khó càng thêm khó".
Khó khăn về việc đáp ứng giấy tờ chứng nhận chất lượng kiểu loại
Theo như những hướng dẫn tại điểm b, khoản 2, điều 4, chương II, thông tư 03/2018/TT-BGTVT thì các doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô sẽ vẫn phải xuất trình bản sao giấy chứng nhận về chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở nước ngoài. Ngoài ra, thông tư 03/2018/TT-BGTVT còn quy định rằng các doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô còn phải cung cấp cả bản sao giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước, kính được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Honda gặp nhiều khó khăn trong năm 2018 khi chuyển từ lắp ráp Honda Civic và Honda CR-V sang nhập khẩu.
Như vậy, mỗi mẫu xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam sẽ phải cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định và trong đó, hai loại giấy chứng nhận nêu trên được nhiều đại diện các hãng xe cho rằng không thể xin được trong một sớm một chiều vì đây là loại giấy chứng nhận đặc thù mà không phải nước sản xuất, lắp ráp ô tô nào cũng có.
Kiểm tra chất lượng xe ô tô ngẫu nhiên theo từng lô riêng lẻ - khó khăn với nhiều dòng xe
Bên cạnh đó, điểm c, khoản 2, điều 5, chương II, thông tư 03/2018/TT-BGTVT về việc kiểm định chất lượng xe nhập khẩu cũng yêu cầu rõ ràng "Cơ quan kiểm tra lấy ngẫu nhiên 01 xe hoặc 02 xe (trong trường hợp doanh nghiệp có yêu cầu dùng 01 mẫu để thử nghiệm an toàn và 01 mẫu để thử nghiệm khí thải) đại diện cho từng kiểu loại ô tô trong lô xe nhập khẩu đã được kiểm tra".
Như vậy có nghĩa là trong trường hợp những dòng xe có nhiều mẫu xe như BMW 3-series với một lô xe về đủ các phiên bản như BMW 320i, BMW 325i, BMW M3,... thì với mỗi mẫu xe sẽ đều phải lấy ngẫu nhiên từ 01-02 xe ra để kiểm thử về an toàn và khí thải. Như vậy, ngoài việc phải chịu thêm chi phí khoảng 10.000 USD cho mỗi lần kiểm tra chất lượng an toàn, khí thải thì mỗi lô xe về sẽ phải mât thêm khoảng 2 tháng chờ đợi để hoàn thiện các thủ tục kiểm tra, kiểm định.
Và điều này sẽ ảnh hưởng mạnh đến những mẫu xe siêu sang, siêu xe hoặc những chiếc xe thuộc dạng "độc bản" như Rolls-Royce, Bentley, Lamborghini,... đôi khi được đặt về theo yêu cầu riêng của chủ nhân sẽ dẫn đến việc hoàn thiện các giấy tờ thủ tục khó khăn hơn, tốn chi phí hơn và mất nhiều thời gian hơn.
Siết chặt nhập khẩu xe ô tô, thị trường biến động mạnh
Nếu trong năm 2017, nhiều người kỳ vọng vào việc giá xe ô tô nhập khẩu từ khu vực Đông Nam Á sẽ hạ xuống nhà vào việc thuế xuất nhập khẩu về 0% và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt thì đến thời điểm này tất cả đều đã vỡ mộng. Không chỉ không có xe ô tô nhập khẩu giá rẻ mà ngay cả việc muốn tìm mua xe ô tô trong giai đoạn quý I/2018 cũng trở nên vất vả hơn rất nhiều khi nhiều hãng xe đã không còn hàng để bán ra thị trường dẫn đến việc đội giá nhiều mẫu xe. Điển hình nhất có thể nhắc đến những cái tên như Honda CR-V đội gía thêm hơn 150 triệu VNĐ hay Toyota Fortuner cũng chênh giá gần 200 triệu VNĐ.
Thay đổi hay là "chết"?
Đứng trước thực tế là nghị định 116/2017/NĐ-CP và thông tư 03/2018/TT-BGTVT đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nhâp khẩu xe ô tô thì một số doanh nghiệp đã nhanh chóng thay đổi để thích nghi với tình hình mới của thị trường. Điển hình nhất có thể nhận thấy chính là Mitsubishi. Thương hiệu này đã nhanh chóng thay đổi từ việc nhập khẩu Mitsubishi Outlander từ Nhật Bản sang thành lắp ráp trong nước để tận dụng "thiên thời" khi mà các hãng xe khác tạm thời không thể nhập khẩu xe ô tô trong giai đoạn này.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch hội đồng quản trị THACO.
Bên cạnh đó, những ông lớn như THACO, Hyundai Thành Công cũng đã có sự chuẩn bị trước khi đã cho xây dựng nhà máy lắp ráp xe Mazda và xe Hyundai lớn tại Việt Nam (Nhà máy lắp ráp Mazda tại khu công nghiệp Chu Lai có công suất 100.000 xe/năm; nhà máy lắp ráp Hyundai tại Ninh Bình có công suất hiện nay là 40.000 xe/năm và sẽ tăng lên 200.000 xe/năm trong năm 2021). Đó là còn chưa kể tới ô tô thương hiệu Việt VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Như vậy có thể thấy, năm 2018 sẽ không phải là một năm như kỳ vọng của khách hàng Việt và các nhà sản xuất xe FDI bởi sự thắt chặt về nhập khẩu xe ô tô của nghị định 116 và thông tư 03. Sau nhiều năm trời hưởng sự bảo hộ và ưu đãi của nhà nước, các doanh nghiệp lắp ráp và phân phối xe hơi ở Việt Nam buộc phải thay đổi mình, tập trung hơn vào sản xuất trong nước, tăng cường sản lượng xe, tăng cường tỉ lệ nội địa hóa, nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi.
>>> VINFAST bất ngờ sản xuất xe điện và xe hatchback cạnh tranh Hyundai i10
Bài viết mới nhất
-
Bạn có biết bạn vẫn có thể mua một chiếc Ferrari LaFerrari hoàn toàn mới không?
Hôm qua lúc 08:30
-
Đại lý hé lộ BYD Sealion 6 DM-i sắp được bán ở Việt Nam, giá chỉ hơn 700 triệu đồng
Hôm qua lúc 01:16
-
Đại lý Việt nhận cọc MPV cỡ trung MG G50, giá khởi điểm dự kiến chỉ hơn 500 triệu đồng
Hôm qua lúc 00:28