Hàn Quốc bày tỏ thái độ đối với Nghị định 116 của Việt Nam
Nguồn: dantri.com.vn 16:28 - 07/03/2018
Theo đó, đại sứ quán Hàn Quốc đã gửi văn bản đến Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng sau khi không tham dự buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp, các tổ chức hiệp hội, các nước có doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam. Trong văn bản gửi đi, phía Hàn Quốc bày tỏ sự tôn trong và cho rằng các quyết định trong chính sách của Việt Nam có ảnh hưởng tích cực đến việc đầu tư của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Đại sứ quán Hàn Quốc khẳng định các quy định đến việc nhập khẩu ô tô từ nước ngoài được Chính phủ Việt Nam ban hành gần đây như Nghị định 116, Thông tư 03 là chính sách nhằm duy trì nền tảng ngành công nghiệp ô tô lắp ráp trong nước đang chịu những bất lợi so với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN.
Vì vậy, Hàn Quốc hoàn toàn tôn trọng quy định này của Việt Nam. Các quy định mới của Chính phủ có ảnh hưởng tích cực đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc. Về phía các doanh nghiệp ô tô, Hàn Quốc dự định sẽ mở rộng sản xuất xe ô tô lắp ráp tại Việt Nam cũng như nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thông qua liên doanh với các doanh nghiệp Việt.
Được biết, các thương hiệu xe Hàn đang lắp ráp và chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam gồm Hyundai, Kia và Daewoo. Trong đó, Hyundai Tucson và SantaFe đang được chuyển giao cho Tập đoàn Thành Công. Còn phần lớn các mẫu xe của Kia như Cerato, Sorento, Sedona đều do Trường Hải, Thành Công chịu trách nhiệm lắp ráp.
Trước đó, trong buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp ô tô vào ngày 26/2 tại Văn phòng Chính phủ, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra. Các doanh nghiệp nhập khẩu, liên doanh cho rằng họ đang gặp khó với quy định giấy chứng nhận kiểu loại, kiểm định xe theo lô và đường thử 800 mét. Trong khi các doanh nghiệp lắp ráp xe tư nhân trong nước cho biết đây đều là quy định của nhà nước và họ chỉ yêu cầu công bằng giữa hai bên mà không cần ưu đãi.
Hiện tại, ngành ô tô Việt Nam đang chứng kiến hai xu hướng. Một là các liên doanh lớn như Toyota, Honda quyết định từ bỏ một số mẫu xe lắp ráp được người dùng yêu thích như Fortuner, CR-V để chuyển qua nhập khẩu với lý do chi phí sản xuất tại Việt Nam cao.
Hai là, các hãng xe liên doanh, tư nhân và 100% vốn nước ngoài thể hiện tham vọng lắp ráp số lượng lớn ở Việt Nam. Có thể kể đến như liên doanh giữa Hyundai và Thành Công, Trường Hải và Kia, Mazda hay TCIE doanh nghiệp sản xuất lắp ráp Nissan tại Việt Nam. Mới nhất là việc Mitsubishi đưa mẫu xe chiến lược Outlander về lắp ráp tại Việt Nam, thay vì nhập khẩu từ Nhật Bản.
Có thể thấy, quan điểm về chi phí sản xuất, lợi nhuận kinh doanh đang có sự nhìn nhận khác nhau, nhất là khi thuế nhập khẩu từ ASEAN về Việt Nam giảm xuống 0% từ 2018 cùng với việc thu nhập đầu người tăng làm cho thị trường tiêu thụ mạnh mẽ hơn trước.
Xem thêm: Sau Thái Lan, ô tô nhập khẩu Indonesia sẽ sớm trở lại Việt Nam
Bài viết mới nhất
-
Bạn có biết bạn vẫn có thể mua một chiếc Ferrari LaFerrari hoàn toàn mới không?
Hôm qua lúc 08:30
-
Đại lý hé lộ BYD Sealion 6 DM-i sắp được bán ở Việt Nam, giá chỉ hơn 700 triệu đồng
Hôm qua lúc 01:16
-
Đại lý Việt nhận cọc MPV cỡ trung MG G50, giá khởi điểm dự kiến chỉ hơn 500 triệu đồng
Hôm qua lúc 00:28