Các hãng xe Trung Quốc đang dần "xâm chiếm" ngành ô tô thế giới
Duy Thành 10:51 - 19/01/2018
Trong vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều công nhân ở ngành ô tô toàn cầu đang phải “trông cậy” vào các công ty Trung Quốc để nhận lương hàng tháng của mình. Các doanh nghiệp của đất nước đông dân nhất thế giới đang đổ tiền vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành ô tô, từ sản xuất gương và lốp cho tới công nghệ phát triển, chế tạo xe mới, qua đó phản ánh mục đích cao cả cuối cùng là thống trị ngành xe thế giới.
Nỗ lực trên đã được tăng tốc trong nửa đầu năm 2017, với 8 thương vụ nước ngoài có tổng giá trị hơn 5,5 tỷ USD bởi các nhà đầu tư Trung Quốc, so sánh với con số 9 vụ đầu tư trong cả năm 2016.
Nhãn hiệu MG đã không bị chìm vào quên lãng nhờ có SAIC Motor
Danh sách những đối tượng được các doanh nghiệp Trung Quốc nhắm tới vô cùng đa dạng, có thể kể đến như hãng sản xuất túi khí Takata bị phá sản của Nhật Bản hay nhãn hiệu xe bay Terrafugia. Ngoài ra, "gã khổng lồ" trong ngành Internet Tencent còn mua cả một lượng lớn cổ phần của Tesla. Trươc đó, vào hồi năm 2005, hãng SAIC Motor đã mua lại nhãn hiệu ô tô Anh quốc MG sau khi công ty mẹ MG Rover bị sụp đổ.
Số tiền đầu tư vào ngành ô tô nước ngoài của Trung Quốc ước tính vượt hơn 34 tỷ USD kể từ năm 2008, cho dù không ít đất nước đã cố gắng kìm nén những vụ mua lại này. Chuyện này phản ánh hai yếu tố, dựa theo chia sẻ của ông Michael Dunne, chủ tịch của Dunne Automotive. Một là các công y ô tô Trung Quốc đã lựa chọn đối tượng cẩn thận và đảm bảo giá trị tốt tương xứng số tiền họ bỏ ra, không giống những đồng nghiệp ở các lĩnh vực khác như giải trí. Hai là phân khúc ô tô rõ ràng đang nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ bởi chính phủ để có thể nắm vị trí đứng đầu thị trường toàn cầu.
“Không có gì nghi ngờ khi tham vọng của họ là trở thành số 1,” ông Dunne nói. Đồng thời, ông Dunne cũng ví von cách thức tiếp cận của các công ty Trung Quốc giống như đang chơi một ván cờ vây vậy.
Geely mua lại Volvo là một ví dụ điển hình cho thành công khi đầu tư vào nhãn hiệu nước ngoài của công ty xe Trung Quốc
Trong nhiều trường hợp, các công ty Trung Quốc đang làm điều này bằng cách thâu tóm các nhà cung cấp linh kiện và những nhà sản xuất ô tô nhỏ, hoặc thành lập những đơn vị liên doanh ở nước ngoài. Trong số đó, Mỹ đang là đối tượng “mua sắm” hàng đầu của Trung Quốc.
Một vài ví dụ điển hình của chiến lược trên gồm Geely Holding Group đang đầu tư 500 triệu USD để xây dựng một nhà máy Volvo và sẽ tiếp nhận 2.000 nhân công ở Ridgeville, bang South Carolina, Mỹ. Trong khi đó, nhà sản xuất gương Fuyao Glass Industry Group Co. đã chi 1 tỷ USD cho các cơ sở sản xuất tại Mỹ, bao gồm tái mở cửa một nhà máy cũ của General Motors ở Moraine, bang Ohio, Mỹ, và sẽ thuê 2.500 nhân viên.
Một trong số 8 thương vụ diễn ra hồi đầu nửa đầu năm 2017 là Ningbo Joyson Electronic Corp thu nạp công ty sản xuất túi khí Takata. Vụ mua bán trị giá 1,6 tỷ USD này là thương vụ thứ 4 của Ningbo Joyson trong vòng 3 năm qua, bao gồm cả chuyện mua lại công ty sản xuất trang bị an toàn ô tô và túi khí Key Safety Systems có trụ sở ở Michigan, Mỹ, với giá 920 triệu USD trong năm 2016.
Trung Quốc đã hậu thuẫn cho các công ty ô tô trong nước tự do bành trướng trong khi đất nước này lại hạn chế những vụ mua bán ở các lĩnh vực khác. Ông Chen Yang đến từ Ningbo Joyson chia sẻ: “Chúng tôi đã có rất nhiều sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng có liên quan. Bạn không thể mua bán công ty nước ngoài nếu không sự hỗ trợ của chính phủ.”
London Taxi Company giờ đây cũng thuộc sở hữu của Geely
Hiện nay, Geely là nhà sản xuất xe Trung Quốc năng động nhất trong chuyện thâu tóm các doanh nghiệp nước ngoài. Họ đã mua công ty ô tô Proton của Malaysia cùng với nhãn hiệu xe Lotus với giá 235 triệu USD trong tháng 3/2017. Sau đó, Geely tiến hành mua công ty khởi nghiệp chế tạo ô tô bay Terrafugia của Mỹ trong tháng 6 cùng năm với một cái giá không được tiết lộ.
Câu chuyện Geely mua lại Volvo với giá 1,3 tỷ USD và vực dậy nhãn hiệu xe Thụy Điển này vào hồi năm 2010 vẫn thường được coi là tấm tương thành công nhất cho việc một công ty ô tô Trung Quốc thâu tóm nhãn hiệu phương Tây. Bên cạnh việc tái sinh nhãn hiệu xe Thụy Điển, Geely còn sử dụng những công nghệ tân tiến của Volvo để nâng cấp cho hàng loạt dòng xe riêng của mình. Trong năm 2013, Geely cũng đã mua London Taxi Company với cái giá 17,5 triệu USD và 4 năm sau đó đã mở cửa một nhà máy ở West Midlands để sản xuất xe taxi điện.
Một số nhà đầu tư Trung Quốc khác lại ưa chuộng chiến lược mua cổ phần ở hãng xe phương Tây thay vì mua đứt toàn bộ, ví như Tencent chi ra 1,8 tỷ USD để lấy 5% cổ phần của Tesla trong tháng 3 năm ngoái. Đó là chưa kể đến việc Geely còn "nhăm nhe" mua 5% cổ phần của tập đoàn Daimler với số tiền 4,5 tỷ USD nhưng bị từ chối.
Thương vụ mua lại công ty sản xuất lốp xe Ý Pirelli trị giá 7,86 tỷ USD trong năm 2015 bởi China National Chemical Corp vẫn là vụ đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực ô tô nước ngoài của Trung Quốc cho tới lúc này. Nhà cung cấp linh kiện lớn nhất Trung Quốc, Wanxiang Group, cũng là một gương mặt đáng gờm khi chiếm 12% thị phần thị trường linh kiện xe quốc tế bên ngoài Trung Quốc.
Nhãn hiệu lốp xe Pirelli lừng danh của Ý cũng đã về tay doanh nghiệp Trung Quốc với mức giá kỷ lục 7,86 tỷ USD
Trước mắt, các nhà cung cấp linh kiện ô tô Trung Quóc đang muốn khép dần khoảng cách với những thương hiệu hàng đầu thế giới như Bosch của Đức và Denso của Nhật. Một số công ty phương Tây còn bán các đơn vị dư thừa cho người mua Trung Quốc bởi bản thân họ đã chuyển hướng lên lĩnh vực công nghệ cao đại diện cho tương lai của ngành xe như công nghệ tự động và kết nối tốc độ cao. Điển hình như trường hợp Bosch bán đơn vị chế tạo mô-tơ khởi động của mình cho Zhengzhou Coal Mining Machinery Group trong tháng 5/2017.
Thế nhưng, dù đã mua lại không ít những nhãn hiệu nổi tiếng của phương Tây, bản thân Trung Quốc lại chưa hề có một công ty ô tô đẳng cấp thế giới nào cả, dựa theo nhận định của Chen Yang. Theo phân tích của một số chuyên gia trong ngành, những công ty Trung Quốc đang nhắm tới các phân khúc nhỏ của thị trường linh kiện ô tô sẽ có cơ hội thống trị toàn cầu tốt hơn những đồng nghiệp chạy theo xu hướng đa dạng hóa.
>>> Eagle EG6300K - Ô tô 90 triệu Đồng "nhái" kiểu dáng BMW, yếu hơn cả xe máy