Sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc
11:04 - 09/11/2022
Trong năm 2021, Trung Quốc đã trở thành thị trường tiêu thụ nhiều ô tô nhất và quốc gia kinh doanh xe năng lượng mới số 1 thế giới. Cụ thể, theo thống kê, doanh số ô tô toàn cầu trong năm 2021 đã vượt con số 82 triệu chiếc. Trong đó, sản lượng và doanh số của Trung Quốc lần lượt đạt 26,082 triệu chiếc và 26,275 triệu chiếc. Như vậy, chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã tiêu thụ 31,78% tổng lượng xe bán ra trên toàn cầu trong năm ngoái, từ đó đứng số 1 thế giới.
Trong khi đó, theo báo cáo của Canalys, doanh số xe điện trên toàn cầu trong năm ngoái đạt 6,5 triệu chiếc, tăng 109%. Chiếm 85% con số này là thị trường Trung Quốc với lượng tiêu thụ 3,2 triệu chiếc. Do đó, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ nhiều xe điện nhất thế giới trong năm 2021.
Nhìn chung, trong một vài thập kỷ qua, ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc đã tăng trưởng như vũ bão và gặt hái những thành tích đáng kinh ngạc. Có được điều đó là nhờ 4 yếu tố cơ bản, bao gồm nghiên cứu và phát triển độc lập, sáng tạo; thiết kế thời trang; cải tiến chất lượng sản phẩm; và nâng cao dịch vụ.
4 yếu tố làm nên sự thành công của ngành ô tô Trung Quốc
Nghiên cứu và phát triển độc lập, sáng tạo
Trong những năm gần đây, năng lực kỹ thuật của các công ty Trung Quốc đã được xây dựng toàn diện. Giờ đây, các công ty ô tô Trung Quốc đã có khả năng nghiên cứu và phát triển sản phẩm một cách độc lập, sáng tạo. Có thể thấy điều này trong các lĩnh vực nghiên cứu về lái xe thông minh và tính năng kết nối. Ví dụ điển hình là Chery - công ty nổi tiếng về nghiên cứu và phát triển độc lập trong ngành ô tô.
Vào hồi tháng 9 năm nay, Chery đã công bố chiến lược công nghệ hướng tới tương lai mang tên "Yao Guang 2025", bao gồm 4 lĩnh vực cốt lõi là "Cấu trúc Mars", "Động cơ Kunpeng", "Công nghệ buồng lái thông minh Lion” và “Hệ sinh thái Galaxy”. Trong đó, buồng lái thông minh Lion Smart Cloud 5.0 được trang bị 2 chỗ ngồi, hệ thống định vị nhập vai, bảng đồng hồ theo dõi mắt người lái, màn hình trung tâm với hình ảnh siêu sắc nét, cột A trong suốt cỡ lớn, trần xe bầu trời sao với đèn OLED và hệ sinh thái Lion tự phát triển, cung cấp những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Thiết kế thời trang
Yếu tố thứ hai làm nên thành công của ngành ô tô Trung Quốc chính là thiết kế thời trang. Trong quá trình thiết kế, phát triển sản phẩm, các hãng ô tô Trung Quốc luôn đổi mới và cập nhật. Điều này không những giúp xe có thiết kế ngoại thất bắt mắt hơn mà còn tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ.
Không chỉ chú trọng tính thẩm mỹ, các hãng ô tô Trung Quốc còn nghiên cứu kỹ các chỉ số sức mạnh và vận hành của xe như kết cấu, độ an toàn, sức khỏe của người dùng hay khả năng bảo vệ môi trường.
Chất lượng cải thiện
Để thuyết phục được người tiêu dùng, các hãng ô tô Trung Quốc đã ưu tiên cải tiến chất lượng sản phẩm. Vào hồi tháng 9/2022 vừa qua, công ty nghiên cứu và tư vấn thị trường nổi tiếng thế giới J.D. Power đã công bố kết quả nghiên cứu Chất lượng xe mới tại Trung Quốc (IQS) năm 2022. Theo đó, các hãng xe Trung Quốc chiếm 3 trong số 10 thương hiệu ô tô có chất lượng hàng đầu tại Trung Quốc, đó là Changan, Chery và GAC Trumpchi. Thậm chí, chất lượng xe của các hãng Trung Quốc như Changan và Chery còn được đánh giá cao hơn một số thương hiệu nước ngoài như Mazda, KIA, Hyundai hay Nissan.
Nâng cao chất lượng dịch vụ
Ngoài công nghệ và chất lượng sản phẩm, các công ty ô tô Trung Quốc hiện còn được đánh giá tốt hơn về mặt dịch vụ. Điều này không chỉ được thể hiện trong quá trình bán hàng mà còn mở rộng sang cả dịch vụ hậu mãi. Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng về dịch vụ sau bán hàng tại Trung Quốc năm 2022 do J.D. Power công bố vào hồi tháng 9 năm nay đã phần nào chứng minh điều đó. Kết quả cho thấy chỉ số hài lòng của khách hàng về dịch vụ sau bán hàng của các thương hiệu xe phổ thông đã được cải thiện nhiều. Trong số 5 thương hiệu khiến khách hàng hài lòng nhất về dịch vụ sau bán hàng, Chery, Geely và GAC Trumpchi đều là các thương hiệu của Trung Quốc.
Sự phát triển nhanh chóng của các thương hiệu Trung Quốc
Với 4 yếu tố trên, ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc hứa hẹn sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Đồng thời, những yếu tố này cũng giúp các thương hiệu ô tô Trung Quốc phát triển mạnh mẽ. Thị phần của các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã tăng từ 37,8% vào năm 2019 lên 46,7% trong năm 2022.
Cũng theo dữ liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất xe du lịch Trung Quốc, trong tháng 9/2022, BYD và Chery lần lượt đứng thứ nhất và thứ ba về tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong số tất cả các thương hiệu. Cả BYD và Chery đều ghi nhận mức tăng trưởng hơn 100%. Ngoài ra, Chery còn đứng đầu về xuất khẩu xe trong số tất cả các thương hiệu Trung Quốc.
Việt Nam - thị trường đầy hứa hẹn của các hãng ô tô Trung Quốc
Trong năm 2022, thị trường ô tô Việt Nam được dự đoán là sẽ phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu của JATO - một tổ chức nghiên cứu thị trường ô tô toàn cầu, doanh số bán lẻ xe du lịch tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay đạt 298.043 xe, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua của thị trường ô tô Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng và hứa hẹn với các hãng ô tô Trung Quốc, ví dụ như Chery, vì 3 lý do sau.
Đa dạng thương hiệu
Trong vài thập kỷ qua, thị trường ô tô Việt Nam đã có sự góp mặt của nhiều thương hiệu nổi tiếng đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Mỹ. Vào năm 2018, Việt Nam còn có thương hiệu ô tô nội địa đầu tiên. Với sức tiêu thụ ô tô ngày một tăng, hiện đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia, Thái Lan và Malaysia, Việt Nam đang thu hút nhiều thương hiệu ô tô Trung Quốc tham gia cạnh tranh như Chery, MG hay Hongqi. Điều này giúp thị trường ô tô Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh, đa dạng hóa thương hiệu chứ không chỉ bó hẹp với các hãng xe Nhật Bản, Đức hay Hàn Quốc đồng thời tăng cơ hội sở hữu ô tô cho người dân.
Sự phát triển của ô tô điện và xe xanh
Bắt đầu từ năm 2020, tại Việt Nam đã dần xuất hiện những mẫu xe xanh như xe hybrid và ô tô điện. Hiện nay, số lượng những mẫu xe xanh này tại Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng lên và dần thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của chính phủ như miễn 100% lệ phí trước bạ cho ô tô điện chạy pin, cơ sở hạ tầng dành cho loại phương tiện này tại Việt Nam cũng đang từng bước được hoàn thiện. Đây sẽ là một tín hiệu tích cực đối với các hãng ô tô Trung Quốc vốn cũng đang tập trung đẩy mạnh xe điện và xe xanh.
Người mua ô tô ngày càng trẻ hóa
Người trẻ tại Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng lớn. Do đó, nhóm người trẻ sinh ra trong thập niên 90 và những năm 2000 dần sẽ trở thành lực lượng mua xe chính. Đây cũng là một điểm thuận lợi đối với các thương hiệu ô tô Trung Quốc vì người trẻ thường không ngại trải nghiệm những điều mới lạ và chú trọng vào công nghệ trên xe hơn. Với khách hàng trẻ, ô tô không chỉ dừng ở phương tiện đi lại mà còn là cách họ thể hiện cá tính hay phong cách sống.
Ngoài ra, tỷ lệ mua ô tô ở các thành phố của Việt Nam hiện vẫn cao hơn khu vực nông thôn. Tuy nhiên, khi chất lượng cuộc sống và thu nhập của người Việt dần được cải thiện, các hãng ô tô có thể mở rộng thị phần ra các tỉnh thay vì chỉ tập trung ở 2 đô thị lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Nói cách khác, thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để các hãng ô tô Trung Quốc có thể khai thác.
Trong thời gian qua, Chery đã bắt đầu triển khai các hoạt động tại thị trường Việt Nam để chuẩn bị ra mắt thương hiệu ô tô OMODA. Mẫu xe OMODA đầu tiên bán tại Việt Nam sẽ là OMODA 5. Mẫu SUV hạng B này đã trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi trên các hội, nhóm và trên Fanpage chính thức của OMODA Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chery còn được đồn là sẽ xây dựng nhà máy lắp ráp xe tại Việt Nam. Sự xuất hiện của Chery nói chung và thương hiệu OMODA nói riêng sẽ giúp thị trường ô tô Việt Nam thêm sôi động, tăng tính cạnh tranh đồng thời đa dạng hóa sự lựa chọn cho khách hàng.