menu

Sếp cũ của Ferrari bị tố nhận hối lộ gần 3 triệu USD để giúp khách hàng "lách luật" mua siêu xe

18:44 - 05/09/2020

Những người mua không nằm trong danh sách khách hàng được hãng Ferrari đồng ý cho mua siêu xe đã hối lộ vị sếp cũ này để lách luật.

Vào hồi tháng 1 đầu năm nay, Bugatti đã thông báo việc ông Maurizio Parlato, giám đốc điều hành của hãng ở chi nhánh Mỹ, đã xin từ chức vì lý do cá nhân. Mãi đến nay, người ta mới lờ mờ đoán ra lý do cá nhân của ông Parlato là gì.

Ảnh chụp ông Parlato khi nhận chức giám đốc tại Bugatti Mỹ

Ảnh chụp ông Parlato khi nhận chức giám đốc tại Bugatti Mỹ

Theo đó, vào hôm 2/9/2020 vừa qua, ông Parlato - người từng giữ cả chức giám đốc điều hành của Ferrari Bắc Mỹ -  đã nhận tội trong cáo buộc liên quan đến khoản thu nhập không công khai lên đến 2,8 triệu USD. Được biết, ông Parlato đã nhận hối lộ khoản tiền trên để bán những chiếc siêu xe số lượng giới hạn cho khách hàng.

Các công tố viên trên thực tế không công bố rõ thương hiệu liên quan đến vụ việc này. Họ chỉ cho biết đây là hãng sản xuất đặt trụ sở tại Maranello, Ý, và ông Parlato làm CEO cho thương hiệu này ở khu vực Bắc Mỹ từ năm 2002 - 2009. Từ hai dữ kiện này, nhiều người đã có thể đoán ra đây chính là thương hiệu Ferrari và chi nhánh của hãng tại Bắc Mỹ.

Từ trước đến nay, Ferrari vốn nổi tiếng là đưa ra nhiều đòi hỏi khắt khe khi lựa chọn khách hàng có thể mua những chiếc siêu xe giới hạn số lượng của hãng. Ví dụ như một trong những điều kiện cần có của khách hàng khi muốn mua siêu xe LaFerrari chính là sở hữu ít nhất 5 chiếc siêu xe Ferrari khác. Có vẻ như một số khách hàng đã tìm cách "lách luật" bằng việc hối lộ cho ông Parlato.

Trong biên bản phiên tòa không nhắc đến tên của bất kỳ mẫu siêu xe giới hạn số lượng nào của Ferrari. Tuy nhiên, những miêu tả trong biên bản như ra đời vào năm 2003, số lượng 500 chiếc và giá bán lẻ đề xuất 1,4 triệu USD lại cho thấy rõ đây chính là siêu xe Ferrari LaFerrari. Nội dung của biên bản cụ thể như sau:

"Công ty A (hãng đặt trụ sở tại Maranello) sản xuất một số mẫu xe được nhiều người ưa chuộng với số lượng ít. Ông Parlato có một số phương thức ủy quyền phân phối những chiếc siêu xe giới hạn số lượng này. Vào năm 2013, công ty A công bố chế tạo mẫu xe độc quyền nhất từ trước đến nay: đó là siêu xe giới hạn số lượng đúng 500 chiếc và có giá bán lẻ đề xuất gần 1,4 triệu USD. Công ty A và công ty B (nhà phân phối tại Bắc Mỹ với trụ sở ở New Jersey) đã tạo ra một công thức để quyết định xem khách hàng nào được duyệt vào danh sách được mua siêu xe này.

Sau khi từ chức CEO của công ty B, ông Parlato đã hỗ trợ đại lý của công ty B và người mua trong việc phân phối siêu xe sai quy định, đổi lại là những khoản tiền hối lộ. Giữa năm 2015 và 2017, ông Parlato đã nhận gần 2,8 triệu USD từ đại lý của công ty B và người mua, giúp họ phân phối siêu xe sai quy định cho những khách hàng không nằm trong danh sách được hãng thông qua".

Siêu xe liên quan đến sự việc của ông Parlato được cho là Ferrari LaFerrari

Siêu xe liên quan đến sự việc của ông Parlato được cho là Ferrari LaFerrari

Để giấu khoản thu nhập "mờ ám" của mình, ông Parlato đã chuyển tiền đi khắp mọi nơi trên thế giới. Ông Parlato đã bị buộc tội không khai báo tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản tài chính ở nước ngoài và khai gian thu nhập với Sở Thuế vụ.

Ông Parlato sẽ bị kết án vào tháng 1 năm sau. Ông có thể phải ngồi tù 3 năm và bị phạt 250.000 USD vì tội khai gian thu nhập. Ngoài ra, ông có thể còn phải ngồi tù 5 năm và bị phạt 250.000 USD vì không khai báo tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản tài chính ở nước ngoài.

Ông Parlato làm việc cho hãng Ferrari và tập đoàn Maserati trong suốt hơn 20 năm. Sau đó, ông được bổ nhiệm vào chức chủ tịch kiêm CEO của Ferrari Bắc Mỹ - nhà phân phối siêu xe của thương hiệu Ý tại lục địa này. Ông rời khỏi vị trí này vào năm 2010 để trở thành CEO của Lotus Mỹ. Đến năm 2014, ông chuyển sang giữ chức COO của Bugatti Mỹ trước khi từ chức vào hồi tháng 1 năm nay.

Lan Quyên

Đánh giá: