Nissan rơi vào khủng hoảng tài chính, chỉ có thể tồn tại thêm 12 - 14 tháng nếu không có nhà đầu tư
21:52 - 29/11/2024
Sau khi trải qua nỗi sợ phá sản vào năm 1999, Nissan lại rơi vào khủng hoảng khi tìm kiếm một nhà đầu tư trụ cột để giúp công ty tồn tại trong một năm then chốt. Theo tờ Financial Times, tình trạng này xảy ra khi đối tác lâu năm là Renault đang bán cổ phần của Nissan.
Theo hai nguồn tin của tờ Financial Times, Nissan đang tìm kiếm "một cổ đông ổn định, lâu dài như một ngân hàng hoặc tập đoàn bảo hiểm" để thay thế Renault trong giai đoạn hoàn tất quan hệ đối tác xe điện mới với Honda mà công ty đã ký vào tháng 3. "Chúng tôi có 12 hoặc 14 tháng để tồn tại", một lãnh đạo cấp cao thân cận với Nissan cho biết.
Một số thông tin cho biết, Nissan đã đẩy mạnh các cuộc thảo luận hợp tác với đối thủ "đồng hương" của mình về xe điện và xe vận hành chủ yếu bằng phần mềm (SDV) thế hệ tiếp theo để ứng phó với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc cũng như sự chắc ở Mỹ hiện nay sau khi cựu Tổng thống Donald Trump đã tái đắc cử.
Nissan dường như không loại trừ khả năng Honda sẽ mua một số cổ phần của mình. Nissan đưa ra "mọi lựa chọn" sau khi doanh số bán hàng tại cả Trung Quốc và Mỹ đều sụt giảm. Theo trích dẫn từ nguồn tin thân cận của tờ Financial Times, Renault cũng sẵn sàng bán bớt cổ phần Nissan của mình cho Honda như một phần trong quá trình tái cấu trúc liên minh. Một trong những nguồn tin nói thêm rằng mối quan hệ bền chặt hơn giữa hai công ty Nhật Bản là tín hiệu tích cực đối với Renault.
Cả Nissan và Honda đều coi nhẹ khả năng hợp tác vốn kể từ khi quan hệ đối tác về xe SDV trở nên sâu sắc hơn vào hồi tháng 8/2024. Một trong những nguồn tin của Financial Times cho biết việc Honda mua cổ phần của Nissan vẫn là "biện pháp cuối cùng".
Hai công ty đã từ chối bình luận khi phóng viên tờ Financial Times liên hệ. Riêng đại diện của Nissan nói thêm: "Quan hệ đối tác với Honda có tầm quan trọng chiến lược rất lớn và chúng tôi hy vọng sẽ đẩy nhanh việc hiện thực hóa kết quả hoạt động của mình thông qua tiến độ thường xuyên ở cấp quản lý của cả hai công ty".
Mối quan tâm cấp bách hơn của Nissan hiện nay là tìm kiếm một nhà đầu tư chủ chốt trong khi công ty vẫn tiếp tục mất tiền. Tình hình hỗn loạn của Nissan đã thu hút các khoản đầu tư từ Effissimo Capital Management có trụ sở tại Singapore và Oasis Management của Hồng Kông, cả hai trước đây đều từng nhắm vào các công ty như Toshiba hay Nintendo.
Tin tức về việc Nissan đang gặp khủng hoảng xuất hiện chỉ vài tuần sau khi công ty báo cáo khoản lỗ 9 tỷ yên (khoảng 60,3 triệu USD), dẫn đến việc cắt giảm khoảng 9.000 việc làm và giảm 20% sản lượng toàn cầu. Công ty cũng thừa nhận đã không nắm bắt được nhu cầu ngày càng tăng đối với xe hybrid tại thị trường Mỹ và hiện đang lên kế hoạch ra mắt một loạt các sản phẩm quan trọng trong những tháng và năm tới. "Điều này sẽ rất khó khăn. Và cuối cùng, chúng tôi cần thị trường Nhật Bản và Mỹ để tạo ra tiền mặt", một lãnh đạo cấp cao của Nissan cho biết.
Renault đã giảm cổ phần của mình tại Nissan vào năm ngoái trong bối cảnh đấu đá nội bộ về quyền sở hữu cổ phần và quyền biểu quyết không bình đẳng. Renault nắm giữ 43% cổ phần của Nissan trong khi hãng xe Nhật Bản chỉ sở hữu 15% cổ phần của công ty Pháp và không có quyền biểu quyết.
Một cuộc điều chỉnh vốn đã cắt giảm cổ phần của Renault tại Nissan xuống chỉ còn dưới 36% và vẫn tiếp tục giảm dần. Nissan cũng giành được quyền biểu quyết cho cổ phần của mình tại Renault.
Ngoài ra, Nissan còn nắm giữ 34% cổ phần trong đối tác liên minh Mitsubishi nhưng có kế hoạch thoái vốn tới 10% như một phần trong các biện pháp phục hồi khẩn cấp của mình. Tương tự Nissan, Mitsubishi cũng tham gia vào quan hệ đối tác với Honda.
Renault không trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán với Nissan và Honda. Các nguồn tin cho biết công ty ô tô Pháp có thể sẵn sàng tham gia để ứng phó với sự cạnh tranh từ Trung Quốc. Tuy nhiên, trong một tuyên bố, Renault đã phủ nhận mọi cuộc thảo luận, chỉ nói rằng họ ủng hộ "mối quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa Nissan và Honda".
Các nguồn tin cũng cho biết kết quả của quan hệ đối tác giữa Nissan và Honda sẽ là một trường hợp thử nghiệm về cách các công ty nhỏ hơn có thể tồn tại giữa sự biến động của ngành ô tô, trái ngược với các vụ sáp nhập lớn như Stellantis. "Lớn hơn có thực sự tốt hơn không? Hay mô hình quan hệ đối tác tốt hơn?", một lãnh đạo cấp cao đặt câu hỏi. Đồng thời, vị này nói thêm rằng việc theo đuổi quy mô sẽ dẫn đến tình trạng kém hiệu quả sau một thời điểm nhất định.
Việc cả 4 công ty thành lập mối quan hệ đối tác là hoàn toàn hợp lý. Trong khi Honda và Nissan đều tập trung vào các thị trường chính của họ là Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản, việc bổ sung Renault sẽ đưa châu Âu vào cuộc. Bên cạnh đó, cả Renault và Honda đều bị thu hút bởi sức mạnh của Mitsubishi ở Đông Nam Á cũng như công nghệ động cơ plug-in hybrid của hãng. Về phần mình, Mitsubishi cho biết: "Chúng tôi hiện đang khám phá mọi khả năng và mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực mà chúng tôi có thể phát huy thế mạnh của mình".