menu

Khổ như mua xe cận Tết: Người giàu cũng phải "mếu"

17:14 - 30/01/2022

Nhiều người Việt Nam thường có tâm lý mua xe ô tô cuối năm để ăn "Tết". Thế nhưng, trong câu chuyện mua bán xe dịp giáp Tết vẫn luôn có những điều dở khóc, dở cười khiến cả người giàu cũng phải "mếu".

Càng về gần những tháng cuối năm, nhu cầu mua xe để dùng trong năm mới càng tăng cao. Nhờ đó, doanh số bán ra của nhiều hãng xe cũng thường tăng mạnh vào giai đoạn này. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui sở hữu ô tô mới thì vẫn có những điều bực mình, trục trặc trong quá trình mua xe.

Nhiều người gặp phải những tình huống dở khóc, dở cười khi mua xe cuối năm

Nhiều người gặp phải những tình huống dở khóc, dở cười khi mua xe cuối năm (ảnh minh họa)

Cụ thể, theo chia sẻ từ chị H.V. (nhân viên ngân hàng tại Hà Nội), chị có nhu cầu mua một chiếc Toyota Raize để đi vào dịp cuối năm và sẵn sàng cho hành trình du xuân năm mới. Thế nhưng, lúc tìm đến các đại lý của Toyota, chị mới "tá hỏa" khi biết giá xe thực tế cao hơn so với giá niêm yết của hãng. Sau khi tìm hiểu trên mạng, chị mới hiểu đó là hiện tượng "mua bia kèm lạc" và khách hàng như chị phải chi thêm từ 20-30 triệu đồng để có thể sở hữu xe sớm trước Tết. Nếu không, thì chị sẽ phải chờ đến hết quý I/2022 mới có thể nhận xe. 

Chị V. cho biết, các nhân viên bán hàng giải thích nguyên nhân là do nguồn xe nhập về ít, nhu cầu khách hàng lại lớn nên số lượng xe bán ra rất hạn chế. Điều này khiến những khách hàng muốn sở hữu xe sớm thì phải chi thêm tiền. Đây cũng là một hiện tượng không hiếm gặp tại Việt Nam, diễn ra với nhiều mẫu xe khác như Hyundai Tucson, Hyundai Santa Fe hay Ford Explorer.

Bên cạnh việc phải "mua bia kèm lạc", anh Đ.D. (một kiến trúc sư tại Hà Nội) cho biết anh đã chấp nhận thêm tiền để có thể sớm sở hữu chiếc xe Hyundai. Tuy nhiên, thời gian giao xe lại quá sát Tết nên anh rất lo về việc không kịp làm thủ tục giấy tờ đăng ký để ra biển cho xe. Theo chia sẻ của anh Đ.D., nếu nhận được xe trước Tết mà không kịp ra biển số thì cũng không thể sử dụng để đi về quê hoặc đi chơi được vì vi phạm luật giao thông. Điều này thực sự rất bất cập với những người mua xe cuối năm như anh.

Để tránh những "bi kịch mua xe mới cuối năm" như bạn bè, anh H.T. (một nhiếp ảnh gia sống tại Hà Nội) đã quyết định mua xe cũ nhằm đỡ bị cập rập và không phải chịu cảnh "mua bia kèm lạc". Đáng tiếc là do mua gấp và không kiểm tra kỹ nên sau khi mang xe đi "chăm sóc" để diện Tết, anh mới phát hiện ra xe có một số vấn đề. Thời điểm gần Tết thì không có chỗ nào nhận sửa chữa, thay thế nữa nên anh đành ngậm ngùi "đắp chiếu" cho xe để chờ xử lý.

Mua gấp có thể dẫn đến những quyết định sai lầm của khách hàng Việt.

Mua xe gấp có thể dẫn đến những quyết định sai lầm của khách hàng Việt (ảnh minh họa)

Với tâm lý tự thưởng cho bản thân và gia đình một món quà sau 1 năm làm việc vất vả, nhiều người Việt Nam thường chọn mua xe vào thời điểm cận Tết. Thế nhưng, điều này có thể đẩy khách hàng vào vô vàn những vấn đề "trời ơi đất hỡi" do sự cập rập về thời gian và tình trạng cầu vượt cung. Do đó, nhiều nhân viên bán hàng vẫn đưa ra lời khuyên cho khách là mua xe sớm để có thể thoải mái lựa chọn, xem xét và chuẩn bị các thủ tục pháp lý. Làm như vậy, khách hàng sẽ có đủ thời gian để xử lý nếu có vấn đề bất ngờ xảy ra.

Nên mua xe sớm để tránh những điều bất ngờ không đáng có.

Người dùng nên mua xe sớm để tránh những điều bất ngờ không đáng có (ảnh minh họa)

Hoàng Hiển

Đánh giá: