menu

Đỗ xe ô tô trước cửa nhà, hàng quán, có sai không?

13:22 - 11/01/2018

Tại tuyến đường cho phép dừng, đỗ xe ô tô, có thể dễ dàng bắt gặp hàng dài xe ở ngay lề đường. Mặc dù được phép, nhưng tình trạng này lại gây bức xúc cho nhiều chủ cửa hàng hay nhà mặt tiền, làm cản trở đi lại và buôn bán. Theo đó, nhiều tình huống “xử lý” những xe ô tô đỗ choán mặt tiền cửa hàng đã xảy ra.

Một trong những vấn đề được các chủ xe quan tâm khi mua ô tô là chỗ đỗ và đậu xe. Bởi, sự gia tăng nhanh chóng của ô tô và số người sử dụng đã tạo ra sức ép lớn đến hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, khiến việc tìm một chỗ đậu xe trong thành phố hiện nay trở nên khó khăn hơn. 

Những bãi đỗ xe dành cho ô tô không nhiều, trong khi các điểm đỗ xe dù thì có chi phí khá cao. Chủ xe cũng có thể lựa chọn dừng, đỗ xe ô tô ở những tuyến đường cho phép dừng, nếu gần với điểm hẹn. Song, việc đậu xe tại những tuyến đường này lại gây ra bức xúc cho nhiều chủ cửa hàng khi mà xe ô tô chắn hết mặt tiền, làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh.

Cách "xử lý" những xe ô tô đỗ choán mặt tiền cửa hàng

Thời gian gần đây, trường hợp người dân hay chủ hộ kinh doanh tự “xử lý” những xe ô tô đỗ trước mặt tiền cửa hàng, nhà dân đã xảy ra và được chia sẻ khá nhiều trên mạng xã hội cũng như tin tức báo chí. Những tình huống “tự xử lý” của người dân dù có giải tỏa được bức xúc nhưng lại dẫn đến những hậu quả cũng như thiệt hại về tiền bạc cho cả chủ xe lẫn người thực hiện.

Đỗ xe ô tô trước cửa hàng

Ngày 31/3/2017, mạng xã hội xuất hiện dòng trạng thái kèm theo hình ảnh một ôtô đậu trên một con phố thuộc P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy (Hà Nội) bị vẽ bậy. Công an phường sở tại sau đó đã mời cả khổ chủ lẫn người thực hiện hành vi vẽ bậy đến làm việc. Hai bên chấp nhận cùng đưa chiếc xe đi sửa chữa khắc phục lại hiện trạng ban đầu.

Ngày 2/7/2017, đoạn clip một người đàn ông sống trên phố Trúc Khê (P.Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội) dùng vật rắn đập vỡ kính chắn gió, gãy gương chiếu hậu của một ôtô đang đậu trên phố. Khổ chủ là một doanh nhân Nhật Bản lặng lẽ điều khiển xe rời khỏi hiện trường.

Trưa 22/8/2017, dàn ô tô đỗ trước quán nhậu ở đường Thành Thái (quận 10, TPHCM) đã bị một nam thanh niên dùng thanh gỗ, tuốc nơ vít đập và viết lên nắp capo. Được biết, các chủ xe là thành viên của hãng taxi công nghệ đang dự tiệc liên hoan tại nhà hàng gần đó, cách hiện trường khoảng 50m. Do quán hết chỗ đậu xe nên một số người đỗ xe ô tô trên vỉa hè, trước quán nhậu này thì sự việc xảy ra. Cảnh sát đã có mặt tại hiện trường và mời những người liên quan về trụ sở làm việc. Theo ghi nhận, có 9 ô tô bị phá hoại, trong đó có 7 chiếc bị hư hỏng nhẹ.

Đỗ xe ô tô chắn mặt tiền

Gần đây nhất, vào tháng 10/2017, một cô gái đã live stream facebook trong khi ‘xử lý’ một chiếc xe ô tô đỗ chắn trước cửa hàng của mình. Theo đó, cô gái trong clip đã dán băng vệ sinh (BVS) lên khắp xe. Cùng với những bình luận chỉ trích việc đỗ xe từ sáng đến đêm của chủ xe, nhiều người cũng tỏ ra phản đối với hành vi này của cô gái. Họ cho rằng cách làm của cô gái không được lịch sự, văn minh. Có rất nhiều cách để giải quyết tình huống nhưng cô gái lại chọn cách gây phản cảm đối với mọi người.

Những người làm quản lý đô thị nói gì?

Đỗ xe dưới lề đường, gây phiền toái cho chủ kinh doanh, nhà dân không còn là chủ đề mới mẻ đối với mọi người. Thế nhưng, nó luôn thu hút sự chú ý, quan tâm của nhiều người vào cách xử lý của chủ xe và chủ kinh doanh.

Những hộ kinh doanh có mặt tiền thường phải trả một chi phí khá cao để sở hữu vị trí đẹp và hút khách. Việc một chiếc xe ô tô dừng ngay trước cửa hàng không chỉ gây choán không gian phía trước mà còn gây phiền phức cho khách khi họ phải tìm một chỗ gửi xe nếu muốn ghé vào mua hàng. Từ đó làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của cửa hàng. Phẫn nộ, bức xúc của chủ kinh doanh là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, hiện tại không có quy định cụ thể và rõ ràng để giải quyết tình trạng đỗ xe ô tô trước cửa hàng, nhà dân. Theo ông Trần Đăng Hải, Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đường đi ở nơi công cộng là tài sản của Nhà nước không thuộc sở hữu của riêng ai nên lái xe và chủ nhà đều không có quyền sở hữu hay cấm đoán. Pháp luật quy định những nơi không có biển cấm đậu xe thì xe được dừng đậu thoải mái.

đỗ xe ô tô trước cửa hàng quán

Trong khi đó, ông Nguyễn Bật Hận, Phó chánh thanh tra Sở GTVT TPHCM cho rằng, đối với những tuyến đường cho phép ô tô đỗ theo giờ, theo ngày chẳn lẽ,… chắc chắn sẽ gây mất tầm nhìn, mặt tiền của các hộ kinh doanh và có thể có phản ứng. Song, quyền sử dụng của hộ kinh doanh chỉ tính theo diện tích nhà đất của họ từ mặt tiền trở vào. Phần lề đường, lòng đường là không gian công cộng, do đó người khác được sử dụng phù hợp với quy định.

Đối với các trường hợp “tự xử lý” những chiếc xe ô tô gây choán mặt tiền của chủ kinh doanh thời gian gần đây, ông Huỳnh Văn Rân, Đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Hải Châu, Đà Nẵng cho biết, mọi hoạt động trên đường thuộc quản lý của nhà nước, người dân không nên tùy tiện có hành vi ngăn cản. Tuy nhiên, mỗi người có mỗi cách suy nghĩ và hành xử khác nhau. Gặp lúc buôn bán ế ẩm, quẫn bách về kinh tế thì con người dễ nảy sinh tâm lý bực dọc, gặp cái ôtô đậu chình ình trước cửa họ điên tiết, cho rằng đó là nguyên nhân “ám” mình nên có những hành vi lệch lạc. Điều này thuộc về văn hóa ứng xử của mỗi người, nên tuyên truyền giáo dục để họ điều chỉnh hành vi là chính.

“Tự xử lý” các xe ô tô đỗ xe chắn mặt tiền có thể phản tác dụng

Khi các trường hợp này xuất hiện ngày càng nhiều, vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý là phải tìm ra một giải pháp xử lý nhanh chóng và phù hợp, tránh gây bức xúc cho người dân. Việc cho phép đậu xe dưới lòng đường chỉ là giải pháp tình thế trước khi hạ tầng cơ sở của đô thị được nâng cấp.

Song, khi giải pháp tình thế này gây ảnh hưởng đến lợi ích kinh doanh của người khác sẽ vô hình chung dẫn đến xung đột. Những trường hợp “tự xử lý” trên là minh chứng rõ ràng cho những bức xúc của các hộ kinh doanh gặp phải xe ô tô đỗ ngay trước cửa hàng.

Tự xử lý các trường hợp đỗ xe ô tô

Tuy nhiên, mỗi người cần chú ý đến hành vi của mình khi giải quyết vấn đề này. Bởi, hành động đập phá xe người khác có thể được xét vào hành vi vi phạm hình sự tại điều 143 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2.000.000 – 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi tương tự hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Mặt khác, những chủ xe điều khiển phương tiện đều cần nắm rõ các quy định về dừng, đỗ ô tô cũng như lựa chọn các tuyến đường cho phép đỗ xe, tránh đỗ ở đường cấm nếu không muốn nộp phạt. Cùng với đó, chủ xe nên trao đổi với chủ kinh doanh về việc đỗ xe của mình, nhằm giảm bức xúc cho họ và bảo vệ trước cho xe không bị phá hoại. 

H.Đ tổng hợp

Đánh giá: