menu

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng: không bỏ ra 500 - 700 triệu USD để xây dựng trạm sạc cho đối thủ dùng chung

10:04 - 18/05/2023

Về sự xuất hiện của những thương hiệu xe điện Trung Quốc tại Việt Nam trong thời gian tới như BYD hay Geely, ông Vượng cho rằng "nước sông không phạm nước giếng".

Hôm qua, ngày 17/5/2023, Đại hội cổ đông của Tập đoàn Vingroup đã được tổ chức. Trong Đại hội này, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã trả lời nhiều câu hỏi của cổ đông xoay quanh hoạt động kinh doanh của hãng ô tô điện VinFast.

Khi một cổ đông hỏi về việc vì sao VinFast không làm ô tô điện ngay từ đầu mà chọn xe xăng, ông Vượng giải thích: "Xe điện bản chất là một cái xe rất rất thông minh, rất khó. Trên cái xe đó có khoảng 40 cái máy tính, mà 40 cái máy tính đó phải nói chuyện với nhau. Thỉnh thoảng bây giờ đang đi thì nó dừng lại, trời nóng thì nó không bật điều hòa, đấy là bởi vì những cái máy tính đó, do các thuộc tính của nó, không nói chuyện được với nhau. Chúng ta phải mất đến cả năm trời nay, nói nôm na là để hòa giải chúng nó, dẫn dắt chúng nó nói chuyện với nhau. Nó giống như cái iPhone thôi, tôi cứ một thời gian là phải reset, tắt đi bật lại, còn nếu không lại đơ ra. Ở đây nó không phải một cái mà 40 cái (máy tính). Cho nên là lúc đấy cũng chưa đủ sức để làm, lúc đấy có làm cũng không bán được. Vậy thì chúng ta phải làm xe xăng để trước tiên cho mọi người biết là chúng ta có thể làm được ô tô".

"Khi thấy cơ hội của xe điện rất là mạnh, lập tức chúng tôi bỏ xe xăng làm xe điện, dồn toàn tâm toàn lực làm. Chính vì thế, nếu giả sử VinFast niêm yết thành công, chúng ta sẽ là hãng xe điện lớn thứ ba thế giới", tỷ phú này cho biết thêm.

Về sự xuất hiện của những thương hiệu xe điện Trung Quốc tại Việt Nam trong thời gian tới như BYD hay Geely, ông Vượng nêu quan điểm là "nước sông không phạm nước giếng". Theo Chủ tịch Vingroup, các thương hiệu ô tô Trung Quốc và VinFast đều có tập khách hàng riêng tại Việt Nam, không hãng nào có thể chiếm lĩnh 100% thị trường. "Sản phẩm không chỉ đắt hay rẻ, mà còn hợp hay không hợp. Tôi cho rằng ở Việt Nam, rất nhiều người sẽ ủng hộ VinFast, chỉ cần có sản phẩm tốt và phù hợp. Chưa kể, Vingroup còn có hệ sinh thái rất tốt. Vì thế, chúng tôi không lo ngại về thị trường Việt Nam", ông Vượng khẳng định.

Ngoài ra, ông Vượng còn trả lời câu hỏi của cổ đông về việc chia sẻ trạm sạc với các thương hiệu khác. "Cái câu chuyện trạm sạc, có cho các hãng xe khác sạc không, chúng tôi cũng xác định chiến lược rất rõ ràng: sau 10 năm nữa thì các hãng khác được sạc vào hệ thống trạm sạc của VinFast. Không có lý gì chúng tôi bỏ ra đến 500 - 700 triệu USD để xây dựng hạ tầng mà lại cho các đối thủ có được cơ hội ngon lành quá. Nó không đúng", ông Vượng nói.

Cũng theo ông Vượng, trong năm nay, VinFast dự kiến sẽ bán khoảng 45.000 - 50.000 xe điện và gấp đôi vào năm sau. Trong năm 2024, VinFast sẽ ra mắt một mẫu xe điện siêu nhỏ và giá rẻ mới.

Chúng tôi đang triển khai đến cuối 2024 ra mắt xe siêu nhỏ, xe 1 cửa và giá thành rẻ nhưng rất đẹp. Vài tuần tới sẽ công bố. Hướng tới hãng xe hàng đầu thế giới thì không bỏ qua sản phẩm nào mà thị trường có nhu cầu”, ông Vượng hé lộ trong Đại hội cổ đông.

Theo tỷ phú Phạm Nhật Vượng, VinFast sẽ sản xuất đủ dải xe trải dài từ hạng A đến hạng E. Chủ tịch Vingroup cũng nhấn mạnh mục tiêu của VinFast là trở thành hãng xe điện đầu tiên trên thế giới có đủ sản phẩm ở mọi phân khúc.

Hiện nay, VinFast đang phân phối 4 mẫu xe điện tại Việt Nam, bao gồm VF5 Plus, VF e34, VF8 và VF9. Trong đó, VF5 Plus là xe hạng A; VF e34 là xe hạng C; VF8 là xe hạng D; và VF9 là xe hạng E. Trong năm nay, VinFast có thể sẽ mở cọc cho 2 mẫu ô tô điện mới là VF6 và VF7 ở Việt Nam. Nếu như VF6 là xe hạng B thì VF7 là xe hạng C.

Trong 4 tháng đầu năm nay, VinFast đã bàn giao tổng cộng 5.487 chiếc ô tô điện cho khách hàng Việt Nam, bao gồm 3.105 chiếc VF e34, 2.097 xe VF8, 249 xe VF9 và 36 xe VF5 Plus.

Đánh giá: