Chủ tịch Thaco: '2018 nhiều thách thức và cơ hội'
Ngọc Tuấn - Theo News.zing.vn 17:19 - 02/01/2018
Năm 2017, thị trường ôtô Việt Nam đón nhận nhiều thay đổi, xáo trộn ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh và những kế hoạch của các hãng. Thaco cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ những biến động trên thị trường. Tuy nhiên công ty này đã có những thay đổi để thích nghi cũng như kế hoạch cho năm 2018 - năm bắt đầu hội nhập.
Kia, Mazda giảm tăng trưởng
Năm 2018, thuế nhập khẩu nhiều dòng xe từ ASEAN sẽ về 0%, kèm theo giảm thuế tiêu thụ đặc biệt theo dung tích xi-lanh, nên người dùng có tâm lý chờ đợi giá xe rẻ hơn 2017. Điều này đã khiến thị trường ôtô Việt Nam sụt giảm rõ rệt so với năm 2016. Những tính toán về mức tăng trưởng 2 con số trong năm đã sụp đổ hoàn toàn.
Kết thúc năm 2016, doanh số tất cả thương hiệu Thaco sở hữu đạt mức 112.847 xe, chiếm 41,4% thị phần. Tuy nhiên, kết thúc tháng 11/2017, số xe bán được của Thaco đạt 81.102 chiếc, chiếm 35,7% thị phần, trong đó thương hiệu Kia giảm hơn 3% thị phần.
Thaco vẫn chiếm phần lớn thị phần ôtô tại Việt Nam
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco - cho biết việc giảm tăng trưởng trong năm 2017 nằm ngoài dự đoán ban đầu.
Trên thực tế, một số hãng xe tại Việt Nam vẫn tăng trưởng trong năm 2017, nhưng không đủ bù đắp lại những sụt giảm của các hãng xe khác, kéo theo thị trường giảm chung.
Năm 2017 cũng là thời điểm chứng kiến chiến lược cạnh tranh, thay đổi liên tục về giá bán ở các dòng xe du lịch Thaco nắm giữ. Mazda, Kia cũng như nhiều thương hiệu khác liên tục có chương trình ưu đãi, giảm giá nhằm thúc đẩy sức mua của thị trường.
"Thị trường thay đổi buộc chúng tôi phải có những thay đổi về chiến lược", ông Dương chia sẻ thêm.
Năm 2018 thách thức cũng là cơ hội
Kể từ 1/1/2018, Hiệp định thương mại ATIGA có hiệu lực. Nhiều dòng xe nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam sẽ được ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0%. Do đó, các doanh nghiệp thiên về lắp ráp xe như Thaco đối mặt với những thách thức nhất định.
Ông Dương chia sẻ năm 2018 là bước ngoặt thay đổi về thị trường ôtô khi phải hội nhập với các nước trong khu vực. Thách thức và cơ hội đều có. Doanh nghiệp phải có chiến lược lâu dài, ứng dụng công nghệ 4.0 và tận dụng sự hỗ trợ từ chính sách để tồn tại và cạnh tranh.
Ứng dụng công nghệ trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm trong dây chuyền lắp ráp tại nhà máy của Thaco
Năm 2017, chính phủ ban hành một số Nghị định mới liên quan trực tiếp đến ngành công nghiệp ôtô. Nghị định 116/2017/NĐ-CP áp dụng đối với kinh doanh lắp ráp và nhập khẩu xe hơi, đưa ra nhiều quy định chặt chẽ hơn cho các doanh nghiệp nhập khẩu.
Những doanh nghiệp có sự đầu tư lâu dài, hướng tới mở rộng lắp ráp sẽ không bị thất thế trước xe nhập. Đồng thời, Nghị định 125/2017/NĐ-CP ban hành với ưu đãi thuế linh kiện 0%, cũng mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp lắp ráp ôtô đáp ứng điều kiện Chính phủ đặt ra mà Thaco là một trong số đó.
Với định hướng đầu tư lâu dài cùng phát triển với ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, hầu hết sản phẩm của Thaco đều chuyển sang lắp ráp. Khi đáp ứng đủ điều kiện hưởng thuế xuất khẩu 0% sang các nước trong ASEAN, doanh nghiệp này sẽ xuất khẩu một số dòng xe du lịch sang các quốc gia trong khu vực.
Do đó, Thaco mở rộng nhà máy sản xuất lắp ráp xe Mazda hồi tháng 3 năm nay và dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 4/2018.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco)
Chiến lược của Thaco là từng bước cùng với đối tác đưa Mazda trở thành thương hiệu cao cấp. "Mazda định vị chất lượng, thương hiệu giá trị hơn các thương hiệu có sản phẩm cùng xuất xứ quốc gia. Các hãng xe đều có thương hiệu cao cấp riêng như Lexus (Toyota), Infiniti (Nissan) hay Acura (Honda)... nhưng Mazda chỉ có Mazda. Chiến lược của Mazda sẽ nằm giữa 2 thương hiệu của một tập đoàn (ví dụ: định vị trên Toyota và dưới Lexus) và sẽ dần biến điều này thành sự thật", ông Trần Bá Dương chia sẻ.
Đối mặt với làn sóng hội nhập, Thaco và các đối tác đã sẵn sàng. Sản phẩm doanh nghiệp này phân phối trải dài ở các phân khúc với các thương hiệu xe du lịch như Kia, Mazda, cao cấp hơn có Peugeot và hạng sang có BMW, MINI. Trong khi đó, ở mảng xe thương mại, Thaco cũng đã ký kết đối tác với thương hiệu Fuso.
"Khi thuyết phục BMW, Thaco đã đưa ra gợi ý nếu anh tham gia vào trong chuỗi trưng bày đủ các sản phẩm, ở nhiều phân khúc, sẽ có lợi thế lớn về thu hút khách hàng. BMW tâm đắc vì khi đến một nơi có nhiều thương hiệu (BMW, MINI, Peugeot, Mazda, Kia) sẽ thu hút khách nhiều hơn. Thaco tạo sự khác biệt về định vị của từng thương hiệu về nhận diện và dịch vụ", Chủ tịch Thaco cho biết.
Những dòng sản phẩm mới như Peugeot 5008 nhận được phản hồi tích cực từ người dùng
Những thay đổi về sản phẩm bước đầu mang lại tín hiệu tích cực cho Thaco. Trong giai đoạn cuối năm 2017, doanh nghiệp này tung ra thị trường dòng xe Mazda CX-5 mới, lắp ráp trong nước với giá bán cạnh tranh là lợi thế, tạo doanh số khả quan.
Sự trở lại của Peugeot với bộ đôi 3008 và 5008 cũng được đón nhận từ phía người dùng khi có hơn 500 đơn hàng cho 2 dòng xe này trong khoảng nửa tháng bán ra, cao hơn rất nhiều so với trước đây.
Ông Trần Bá Dương cho biết: "Thị trường Việt Nam khác với Indonesia, Thái Lan và các nước trong khu vực. Khách hàng Việt rất kén về chất lượng và thị hiếu. Người Việt rất sành điệu, hiểu xe, không xem xe là phương tiện, mà xem đó là hưởng thụ cuộc sống. Xe không chất lượng sẽ không được ưa chuộng. Do đó, Thaco hợp tác với các đối tác đưa ra những sản phẩm tương đối cao cấp. Ví dụ như Kia Morning, chúng tôi không xem đó là xe rẻ tiền, đại trà mà trau chuốt nó như xe nhỏ thời trang dành cho nữ".
"Sự hơn thua trong năm 2018 vẫn nằm ở thị trường chiến lược, do đó Thaco đang nỗ lực rất nhiều cho năm bản lề này, kể cả thay đổi đối tác, thay đổi công nghệ thay đổi quy mô và đặc biệt thay đổi định vị sản phẩm trong thị trường", vị Chủ tịch Thaco chia sẻ thêm.