menu

Chi phí sở hữu ô tô, xe máy chạy xăng, dầu tại Hà Nội có thể sắp tăng vì điều này

14:53 - 13/07/2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Hà Nội nghiên cứu tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới, xe máy chuyên dùng.

Theo Chỉ thị 20 ban hành ngày 12/7/2025 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội nghiên cứu tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới, xe máy chuyên dùng, giá dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực trung tâm đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Lộ trình này cần được xây dựng từ quý III năm nay và điều chỉnh hàng năm.

Đây là một trong những giải pháp nhằm hạn chế ô tô, xe máy sử dụng động cơ xăng, dầu. Bên cạnh đó là việc đảm bảo không còn mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1 đến ngày 1/7/2026; không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2 từ ngày 1/1/2028; và mở rộng thực hiện trên đường Vành đai 3 từ năm 2030.

Theo quy định hiện hành, lệ phí trước bạ đối với ô tô con tại Hà Nội là 12% và với xe bán tải là 7,2%. Trong khi đó, lệ phí trước bạ của xe máy tại Hà Nội là 2%. Ngoài ra, chủ xe ô tô còn phải trả chi phí ra biển số là 20 triệu đồng. Nếu lệ phí trước bạ và phí biển số tăng lên, người dân Hà Nội sẽ phải trả chi phí sở hữu ô tô, xe máy chạy xăng, dầu cao hơn đáng kể.

Trong khi đó, xe điện tại Việt Nam hiện đang được miễn lệ phí trước bạ tới hết ngày 28/2/2027. Điều này giúp chi phí sở hữu ô tô điện thấp hơn nhiều so với xe xăng, dầu cùng phân khúc.

Việc tăng lệ phí trước bạ, phí biển số ô tô và xe máy chạy xăng, dầu tại Hà Nội có thể sẽ trở thành động lực để người dân thủ đô chuyển sang các loại phương tiện thuần điện. Trước đó, Bộ Công Thương đã đặt mục tiêu tới năm 2030, ô tô điện, xe hybrid, xe xanh sẽ đạt khoảng 180.000-242.000 chiếc, chiếm 18-22% tổng doanh số toàn thị trường.

Cũng theo Chỉ thị 20, Thủ tướng đã yêu cầu Hà Nội ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sử dụng năng lượng sạch, doanh nghiệp phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện sử dụng năng lượng sạch trong thực hiện chuyển đổi xanh; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng.

Đánh giá:
Quảng cáo