Các hãng xe Trung Quốc ồ ạt ra mắt xe hybrid với phạm vi hoạt động dài hơn để chiều khách
13:41 - 02/05/2025
Không giống nhiều thị trường lớn khác, Trung Quốc gộp ô tô điện (EV) và xe hybrid vào cùng một danh mục có tên “xe năng lượng mới”. Trong danh mục này, các thương hiệu cạnh tranh bằng cách cung cấp những mẫu xe điện hóa đa dạng với phạm vi hoạt động xa hơn cho người tiêu dùng.
Tại Triển lãm Ô tô Thượng Hải 2025 khai mạc vào tuần trước, Zeekr - thương hiệu con của Geely - đã giới thiệu mẫu SUV hybrid sạc điện (PHEV) mới mang tên 9X. Mẫu xe này có khả năng chạy hoàn toàn bằng điện lên đến 400 km trước khi kích hoạt động cơ xăng. Con số này gần như ngang ngửa với phạm vi hoạt động của nhiều mẫu ô tô thuần điện và vượt xa các mẫu xe hybrid sạc điện thường thấy tại Mỹ, châu Âu hay các thị trường khác.

Các hãng xe Trung Quốc ồ ạt ra mắt xe hybrid với phạm vi hoạt động dài hơn để chiều khách. Trong ảnh là Zeeker 9X mới.
Các hãng xe Trung Quốc cũng đang phát triển mạnh phân khúc xe điện mở rộng phạm vi hoạt động (EREV). Đây là dòng xe sử dụng động cơ xăng nhỏ chỉ để sạc pin và kéo dài quãng đường chạy bằng điện.
Trong năm ngoái, doanh số xe EREV và PHEV tại Trung Quốc đều tăng nhanh hơn ô tô thuần điện. Điều này giúp phân khúc xe điện hóa chiếm khoảng một nửa tổng lượng xe bán ra tại đất nước tỷ dân, theo dữ liệu của Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc.
Cụ thể, doanh số xe EREV tăng 79%, đạt 1,2 triệu xe. Con số tương ứng của xe PHEV là 76%, lên 3,4 triệu xe. Trong khi đó, ô tô thuần điện chỉ tăng trưởng 23%, đạt doanh số 6,3 triệu xe.
Trong quý I năm nay, ô tô thuần điện vẫn tăng trưởng nhanh hơn hai dòng xe hybrid kể trên và dẫn đầu phân khúc xe năng lượng mới tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, với xu hướng đang lan rộng tại Trung Quốc và toàn cầu, nhiều hãng xe truyền thống đã quay trở lại chiến lược bổ sung xe hybrid vào danh mục sản phẩm thay vì chỉ tập trung vào ô tô thuần điện như trước.
Volkswagen đang phát triển nền tảng xe mới cho cả xe điện và xe EREV để khắc phục tình trạng sụt giảm doanh số tại Trung Quốc. Ông Ralf Brandstaetter, thành viên hội đồng quản trị của Volkswagen, cho biết sự linh hoạt trong hệ truyền động là yếu tố then chốt giúp hãng “giành lại lợi thế cạnh tranh”.
CEO Mercedes-Benz, ông Ola Kaellenius, cũng nhận định xe hybrid "rõ ràng là một xu hướng tại Trung Quốc" và dự đoán chúng sẽ "song hành với ô tô điện trong thời gian dài hơn".
Công nghệ chuyển tiếp?
Một số hãng ô tô như Tesla cho rằng xe hybrid chỉ là công nghệ trung gian, làm chậm quá trình chuyển đổi sang xe điện vốn cần thiết để ứng phó biến đổi khí hậu. Nhiều nhà môi trường ở Mỹ và châu Âu cũng đồng tình với quan điểm này.
Một số hãng xe điện Trung Quốc cũng hoài nghi xe hybrid sẽ tồn tại trong thời gian dài, nhất là khi Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào hạ tầng sạc ô tô điện. Ông William Li, CEO của hãng Nio, nhận xét: “Điều đó không hợp lý chút nào”.
Tuy nhiên, nhiều hãng xe Trung Quốc sẵn sàng chiều theo nhu cầu của người tiêu dùng trong bối cảnh cuộc chiến giá cả tiếp tục gây áp lực lên lợi nhuận. Xe hybrid sạc điện cũng giúp họ lách rào cản thuế quan tại châu Âu, nơi đang áp thuế lên xe thuần điện và xe EREV của Trung Quốc. Lynk & Co - thương hiệu con của Geely - cho biết sẽ tung ra mẫu SUV hybrid sạc điện 08 tại thị trường châu Âu vào tháng 6/2025, với phạm vi hoạt động thuần điện 200 km, dài nhất trong phân khúc.
Felix Kuhnert, chuyên gia tại PwC Germany, đánh giá ngành xe Trung Quốc “ít bảo thủ về công nghệ” hơn các đối thủ toàn cầu, với quan điểm rằng: “Khách hàng muốn xe điện đi xa hơn, thì cứ làm ra loại như vậy”. Đó cũng là triết lý của Leapmotor, một hãng ô tô điện Trung Quốc đã ra mắt 4 mẫu xe EREV. Dù CEO Zhu Jiangming cho rằng ô tô điện hiện tại với phạm vi hoạt động 500 km đã đủ dùng, công ty vẫn cung cấp xe EREV như lựa chọn cho người sẵn sàng chi thêm tiền để giảm lo lắng về quãng đường di chuyển.
Theo quan điểm của Leapmotor, xe EREV là lựa chọn dành cho phân khúc hạng sang, nơi người tiêu dùng không ngần ngại chi thêm 20.000 Nhân dân tệ (khoảng 2.744 USD) để có sự an tâm.
Nhiều xe hybrid sắp trình làng
Theo dữ liệu từ JATO Dynamics, trong năm 2024, các hãng xe tại Trung Quốc đã ra mắt 16 mẫu xe EREV mới, 37 xe PHEV mới trong khi con số tương ứng của ô tô thuần điện chỉ là 32 mẫu.
Trao đổi với phóng viên Reuters, đại diện một hãng xe lớn dự đoán xe EREV và PHEV sẽ chiếm khoảng 35% doanh số xe tại Trung Quốc trong khi ô tô thuần điện là khoảng 45%.

Tỷ lệ tăng trưởng dự đoán của ô tô điện và xe hybrid tại thị trường Trung Quốc.
CATL - “ông lớn” ngành pin xe điện Trung Quốc - cũng đã đầu tư vào phân khúc này. CATL đã ra mắt mẫu pin đầu tiên dành riêng cho xe hybrid vào hồi tháng 10/2024, cung cấp phạm vi hoạt động lên đến 400 km. Pin này đã được sử dụng bởi nhiều thương hiệu như Li Auto và dự kiến sẽ xuất hiện trên gần 30 mẫu xe của các hãng lớn như Geely hay Chery.
Chuyên gia Bo Yu từ JATO Dynamics cho biết các hãng xe Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư và đổi mới trong mảng xe hybrid trong tương lai gần. “Chúng ta sẽ thấy nhiều mẫu xe như thế nữa”, bà khẳng định.
BYD thay đổi chiến lược
Đối với BYD, xe hybrid sạc điện mới là lực lượng chính âm thầm thúc đẩy doanh số của hãng. Dù được nhiều người biết đến như một trong những nhà sản xuất xe thuần điện hàng đầu thế giới, BYD thực tế lại bán nhiều xe PHEV hơn. Chi tiết này rất quan trọng khi công ty tìm cách mở rộng thị phần sang châu Âu, nơi không phải người mua xe mới nào cũng sẵn sàng hoàn toàn từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của BYD, nhưng công ty đã tuyên bố rõ ràng rằng mục tiêu tiếp theo là mở rộng ra toàn cầu. Để BYD trở thành đối thủ đáng gờm của các thương hiệu lâu đời tại châu Âu, những mẫu xe điện bắt mắt là chưa đủ. Một mạng lưới đại lý mạnh hơn và đặc biệt là danh mục xe PHEV đa dạng hơn là những mảnh ghép quan trọng vẫn còn thiếu.
Hiện tại, danh mục xe PHEV của BYD tại châu Âu còn khá mỏng. Mẫu xe PHEV duy nhất mà hãng đang cung cấp tại khu vực này là BYD Seal DM-i. Tuy nhiên, điều đó sắp thay đổi.
Tại một sự kiện gần đây ở Stuttgart, Đức, bà Maria Grazia Davino, Giám đốc khu vực phụ trách một số thị trường Trung Âu của BYD, đã xác nhận kế hoạch đưa ít nhất 2 mẫu xe PHEV nữa đến châu Âu trong năm 2025. Đức là một trong những thị trường mục tiêu chính của hãng.

BYD sẽ đưa thêm xe PHEV đến thị trường châu Âu trong năm nay.
“Không phải ai cũng sẵn sàng chuyển sang xe điện. Chúng tôi cần có lựa chọn khác để thuyết phục khách hàng”, bà Davino chia sẻ với Reuters. “Mỗi tháng, chúng tôi đều tìm ra sự cân bằng tốt nhất giữa nhu cầu khách hàng và hiệu quả phân phối. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ có hai trụ cột: một là xe thuần điện và một là dòng DM-i”.
Hiện BYD đang chịu mức thuế nhập khẩu từ châu Âu đối với xe sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty đã có những bước đi nhằm giảm thiểu tác động này. Các nhà máy sản xuất mới tại Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đảm nhiệm phần lớn số xe xuất sang châu Âu, giúp BYD giảm bớt chi phí gia tăng.
Dù doanh số tại châu Âu chưa đạt mức như mong đợi nhưng BYD đã ghi nhận những dấu hiệu cải thiện. Trong quý I/2025, hãng đã bán được hơn 37.000 xe tại châu Âu, tăng khoảng 8.500 xe so với cùng kỳ năm 2024.
Bên cạnh việc mở rộng danh mục xe PHEV tại châu Âu, BYD cũng vừa ra mắt thương hiệu cao cấp mới mang tên Denza. Định vị là đối thủ của các hãng như Mercedes-Benz, BMW và Audi, Denza sẽ bắt đầu bằng mẫu Z9 GT - đối trọng của Porsche Taycan Sport Turismo. Sau đó, hãng sẽ tiếp tục bán mẫu xe MPV cỡ lớn Denza D9 tại thị trường lục địa già.

