Người dùng chia sẻ trải nghiệm thật về mẫu VinFast VF8: Rộng rãi, hiện đại, nhưng đừng mong tiết kiệm nếu lái ít
16:04 - 08/11/2022
- Chủ xe Ford Explorer 2017: Xe Mỹ đời sâu không tốn kém như bạn nghĩ20/11/2024
- Chủ xe đánh giá Honda CRV 2010 đã chạy 200.000 km: “Già nhưng chưa thải”, bền bỉ và ổn định01/11/2024
- Chàng trai IT đánh giá Ford Territory sau hơn 1 năm sử dụng: “Vô cùng hài lòng, ưu nhiều hơn nhược”23/09/2024
Trước những biến động về giá xăng dầu, cùng với đó là sự đi lên của một bộ phận người dùng văn minh, quan tâm đến những vấn đề bảo vệ môi trường, “xe xanh” đang trở thành một xu hướng mới với tốc độ phát triển ấn tượng. Nắm bắt được sự chuyển đổi của xu thế, các hãng xe lớn cũng liên tục ra mắt các sản phẩm mới, từ ô tô điện cho đến xe Hybrid.
Trong đó, ô tô điện được đánh giá cao về khả năng tiết kiệm nhưng không phải ai cũng sẵn sàng tiếp xúc với công nghệ mới hay thay đổi thói quen sử dụng do ô tô điện phụ thuộc khá nhiều vào việc sạc pin. Vậy nên để đưa đến cho quý độc giả những góc nhìn ở khía cạnh người dùng, chúng tôi đã liên lạc với chủ Nguyễn Trường Thanh (56 tuổi, công tác tại Đài Truyền hình VTV), hiện đang sử dụng bản Eco của chiếc VinFast VF8 và đã có một khoảng thời gian trải nghiệm không ngắn. Chú Thanh là một trí thức trung lưu cởi mở, có kinh nghiệm nhiều năm sử dụng ô tô từ xăng đến điện, và chú đã có những chia sẻ rất thực tế về mẫu xe điện Việt mới toanh này.
Chú Thanh cùng chiếc VinFast VF8 thuộc bản Eco.
Video phỏng vấn người dùng VinFast VF8.
- Chào chú Thanh, trước khi đến với VinFast VF8, chú đã từng sử dụng qua các dòng xe ô tô nào chưa?
Mình bắt đầu làm quen với ô tô thì cũng lâu rồi, cỡ năm 2003 thì phải. Nhưng lúc đó thì mình chưa có xe riêng mà đi đâu xa hay về quê thì mình hay thuê xe và tất nhiên là cũng chỉ là những dòng xe “cỏ” mà thôi, ví dụ như Matiz hay Note. Hết giai đoạn đi thuê thì đi mượn, Chevrolet Captiva này và gần đây là Mitsubishi Xpander. Sau một quãng thời gian dài thì mình cũng có sở hữu một chiếc xe, đó là Honda Odyssey, đời cũng khá sâu rồi và mình dùng nó tới tận 10 năm. Đến khi có VinFast VF e34 thì mình mới quyết định “giải tán” xe xăng và gần đây mới lên đời VF8.
Trước khi đến với VinFast VF8, chú Thanh từng trải nghiệm nhiều dòng xe và gần đây nhất là VF e34 – mẫu SUV điện cỡ C đến từ hãng xe Việt.
- Vậy lý do gì khiến chú đi đến quyết định lên đời VinFast VF8?
Khi mà “bén duyên” với VF e34 rồi thì mình cũng quen dần với việc sử dụng xe điện. Đến khi VinFast ra VF8 thì mình thấy VF e34 hơi hạn chế về không gian với mình nên “đành” tặc lưỡi lên VF8, cụ thể là bản Eco.
Quyết định lên đời VinFast VF8 từ VF e34 của chú Thanh xuất phát từ nhu cầu cần một mẫu ô tô có không gian rộng hơn.
VinFast VF8 là mẫu SUV điện được định vị ở cỡ D, hiện đang được phân phối với 3 phiên bản cùng giá bán lẻ đề xuất khởi điểm từ 1,094 – 1,685 tỷ đồng (chưa kèm pin).
Kích thước tổng thể (D x R x C) của VinFast VF8 là 4.790 x 1.934 x 1.667 mm.
- Tại sao chú lại không mua bản Plus mà lại lựa chọn bản Eco của VinFast VF8?
Quả thực là bản Plus hơn khá nhiều so với bản Eco tuy nhiên bản Eco phù hợp với điều kiện tài chính của mình hơn. Còn cửa sổ trời với cốp điện với mình thì cũng không cần thiết lắm vì mình đi xe “cỏ” bao năm vẫn không có vấn đề và thực sự thì đôi khi cuộc sống hiện đại cho người ta tiện nghi nhiều quá, cái gì cũng bấm nút là xong thì không phải hay lắm. Những chênh lệch khác như ghế da hay làm mát lưng thì với mình có thì tốt mà không có thì cũng chả sao.
Với chú Thanh, cốp điện không phải là một trang bị quá cần thiết.
Bản Eco của VinFast VF8 vẫn được trang bị đèn LED.
Mâm hợp kim có kích cỡ 19 inch.
- Pin của chiếc VinFast VF8 chú đang sử dụng thuộc phiên bản gì và chú đánh giá như thế nào về phạm vi hoạt động của xe?
Chiếc VF8 lúc mình nhận chưa chia thành 2 phiên bản pin như hiện tại, còn bộ pin trên xe mình theo như công bố của nhà sản xuất là đi được 420 km cho một lần sạc đầy. Về phạm vi hoạt động thì qua mấy chuyến trải nghiệm như đi Tam Đảo (Vĩnh Phúc) hay về quê Thanh Hóa trong điều kiện chạy xe linh hoạt, lúc nhanh lúc chậm bình quân vẫn được 1% pin cho 4 km, tức có nghĩa là 100% pin sẽ được 400 km.
Theo thử nghiệm của người dùng, VinFast VF8 hoàn toàn có thể đạt được phạm vi hoạt động như công bố của nhà sản xuất.
Vậy nếu chạy xe ở tốc độ ổn định hơn thì mình nghĩ quãng đường 420 km mà nhà sản xuất đề ra là hoàn toàn khả thi. Còn trong nội đô thì tất nhiên sẽ hao hụt hơn so với đường trường, theo mình áng chừng thì 1% pin sẽ được 2,5 km. Cái này thì mình nghĩ là phải chấp nhận thôi vì xe xăng thì cũng thế.
- Chú có thể chia sẻ tổng chi phí vận hành chiếc VF8 sau 1.000 km được không?
Mình không tính chi tiết nhưng 1.000 km vào khoảng 800.000 – 900.000 đồng. Thực sự thì VinFast VF e34 kinh tế hơn rất nhiều, điện của nó vào khoảng 700 đồng/km là cao còn bình thường đi đường trường chỉ khoảng 500 đồng/km.
Chú Thanh ước tính tiền điện cho VinFast VF8 chỉ vào khoảng 900 đồng/km.
- Đối với một mẫu ô tô điện, thời gian sạc pin luôn là một yếu tố người dùng đại chúng quan tâm. Vậy trong quá trình sử dụng thực tế của chú, chiếc VinFast VF8 cần bao lâu để sạc đầy với các loại hình thức sạc khác nhau?
Trong quá trình sử dụng VinFast VF8, mình có sử dụng khá nhiều hình thức sạc, từ sạc bằng trụ của VinFast cho đến sạc theo bộ sạc di động tại nhà và kể cả là pin mặt trời nữa. Tất nhiên thì sạc tại trạm sạc bao giờ cũng tiện hơn vì gần cơ quan mình có một trạm, thông thường mình cứ để xe cắm sạc tại trụ rồi đi bộ đến cơ quan, lúc nào app (ứng dụng điện thoại) báo đầy thì mình quay ra lấy xe.
Việc sử dụng một mẫu xe điện phụ thuộc khá nhiều vào trạm sạc, yêu cầu người dùng phải thay đổi thói quen sử dụng xe ô tô.
Mình test thử thì sạc tại nhà ở Hà Nội với bộ sạc 3,5 kW theo xe thì mất 1 giờ cho 3% pin, tức sạc 90% phải cần tới 30 tiếng nên mình cũng đang cân nhắc mua bộ 7,4 kW. Còn sạc tại cây thông thường (30 kW) thì cũng phải mất tới 3 tiếng mới sạc đầy pin. Nó cũng giống như mình dùng điện thoại thôi và người ta cũng khuyến khích mình cắm được lúc nào thì cắm lúc đấy. Một ngày giỏi lắm mình đi khoảng 50 – 70 km thì tối mình cắm khoảng 2 – 3 tiếng là cũng bù lại chỗ đấy.
- VinFast VF8 là một mẫu xe được tích hợp khá là nhiều công nghệ, vậy chú có gặp khó khăn trong việc làm quen và thích ứng với những tính năng được trang bị trên xe hay không?
Bỡ ngỡ chứ! Từ trước đến nay mình đều dùng các xe đời cũ nên chuyển sang VF8 thì nó là một sự cách biệt rất lớn. Thậm chí dù đã quen sử dụng VF e34 nhưng lúc sang đến chiếc xe này mình cũng phải mất thời gian làm quen. Chủ yếu là bởi các tính năng trên VinFast VF8 như chế độ lái, tắt/bật đèn,… đều tích hợp trên màn hình lớn.
Nội thất của VinFast VF8 Eco.
Chiếc VinFast VF8 hơn VF e34 và hơn tất cả các xe mình từng sử dụng trước đây ở màn hình hiển thị kính lái (HUD), hiển thị đầy đủ thông tin cần thiết thẳng vị trí người lái. Ngoài ra thì việc sử dụng wifi trên xe cũng khá thú vị, mình có thể phát wifi từ điện thoại để sử dụng hoặc tiếp cận các nguồn wifi xung quanh xe.
Mọi thao tác điều chỉnh tính năng của xe đều tập trung trên màn hình giải trí 15,6 inch.
Vô lăng của VinFast VF8.
Nút bấm chuyển số trên VinFast VF8.
Cửa gió điều hòa phía sau tích hợp các cổng sạc thiết bị điện tử.
- Chú đánh giá thế nào về khả năng vận hành của VinFast VF8?
Điểm mình thích ở ô tô điện là độ mượt trong vận hành. Đối với VinFast VF8 thì mình đánh giá là đầm, đem lại cảm giác chắc chắn. Xe điện thú vị hơn xe xăng ở việc sở hữu gia tốc lớn, hiệu quả trong việc tăng tốc khi cần vượt xe. Về độ bốc thì mình thấy VinFast VF e34 có cảm giác bốc hơn vì dù sao nó cũng nhỏ và nhẹ hơn VF8.
“VinFast VF8 có cảm giác lái đầm, chắc” – người dùng chia sẻ.
- VinFast VF8 có những điểm gì mà chú chưa hài lòng hay không?
Thực sự thì VinFast VF8 cao cấp hơn VF e34 rất nhiều nhưng vẫn có một số thứ mà mình đánh giá là VF e34 hiệu quả hơn như khả năng linh hoạt trong đô thị. Còn VinFast VF8 thì to hơn nên quay trở khó khăn hơn, đặc biệt là trong đường hẹp như khu tập thể. Đây cũng là đánh đổi thôi vì dù sao VF8 cũng có không gian rộng rãi hơn.
Kích thước lớn tỉ lệ nghịch với độ linh hoạt trong đô thị.
Ngoài ra thì công nghệ trên xe tuy thông minh nhưng chưa thực sự “khôn”. Có nhiều trường hợp mình đang đi cao tốc ở làn 100 km/h nhưng bên lề đường có biển 60 km/h để rẽ vào trạm dừng nghỉ thì nó lại nhận biển 60 rồi liên tục thông báo mình vượt quá tốc độ cho phép.
Công nghệ vẫn còn “lag”.
Một chi tiết nữa mình không thấy hài lòng lắm đó chính là hệ thống camera 360 trên xe, mình cảm thấy hệ thống camera này hoạt động chưa được ổn đinh lắm. Khi bấm nút hiển thì màn hình chia làm 2 với cam chính ở phần đầu xe còn camera 360 toàn cảnh nằm bên phải lại hơi bé, quan sát không được thuận tiện cho lắm. Còn khi cài số lùi thì camera 360 độ lại tắt đi, chỉ hiển thị cam lùi. Dẫu vậy thì về cơ bản là mình vẫn hài lòng với chiếc xe này.
Giao diện hiển thị khi bật hệ thống camera 360 độ.
- Chú có lời khuyên gì dành cho độc giả đang cân nhắc đến việc mua ô tô điện?
Đối với các bạn đang có ý định lựa chọn một chiếc VF8 hoặc rộng hơn là VF9 thì mình nghĩ là các bạn cần phải có một sự tính toán hơn. Lộ trình của mình như thế nào? Cách sạc của mình có phù hợp hay không? Chứ mua xe về xong lại suốt ngày trăn trở việc sạc ở đâu, sạc như thế nào thì khổ tâm lắm.
Sử dụng ô tô điện cần phải tính toán kỹ, chú Thanh nhận định.
Bên cạnh đó thì đi xe điện không hẳn là tiết kiệm đâu vì nếu các bạn đi ít thì còn đắt hơn xe xăng cơ. Nếu công việc bạn cần phải di chuyển nhiều, ví dụ như VinFast VF8 này thì bạn đi trên 1.000 km/tháng, bạn sử dụng gói thuê pin cố định và càng đi càng rẻ. Tức là lúc đấy chi phí cho 1 km rất thấp và nó mới lợi ích hơn là xe xăng.
- Cám ơn chú về những chia sẻ thẳng thắn!
SO Sánh xe
Bài viết mới nhất
-
Bạn có biết bạn vẫn có thể mua một chiếc Ferrari LaFerrari hoàn toàn mới không?
Hôm qua lúc 08:30
-
Đại lý hé lộ BYD Sealion 6 DM-i sắp được bán ở Việt Nam, giá chỉ hơn 700 triệu đồng
Hôm qua lúc 01:16
-
Đại lý Việt nhận cọc MPV cỡ trung MG G50, giá khởi điểm dự kiến chỉ hơn 500 triệu đồng
Hôm qua lúc 00:28