Xe điện VinFast đang bán ra thị trường có tỷ lệ nội địa hóa đạt 60%
17:48 - 13/12/2024
Ngày 12/12 vừa qua, VinFast đã tổ chức buổi Tọa đàm về nội địa hóa ô tô điện VinFast tại nhà máy của hãng ở Hải Phòng. Tại buổi tọa đàm, ông Lê Ngọc Anh - Giám đốc Nhà máy VinFast Việt Nam - đã công bố rằng tỷ lệ nội địa hóa của xe điện VinFast là hơn 60% tính đến năm 2024. VinFast đặt mục tiêu cho đến năm 2026, tỷ lệ nội địa hóa của hãng xe thuần Việt sẽ đạt con số 84%.
Con số 60% nội địa hóa là con số khá cao so với bối cảnh chung của nền công nghiệp ô tô Việt Nam, khi mà tỉ lệ nội địa hóa ở các mẫu xe lắp ráp trong nước dưới 9 chỗ ngồi hiện đạt mức bình quân khoảng 7 - 10%, theo tính toán của bộ Công Thương. Để có được thành tựu này, ngay từ đầu VinFast đã xác định không đi theo con đường lắp ráp thông thường mà trở thành một nhà sản xuất ô tô thực thụ.
VinFast dành ra hơn 30% diện tích trong khuôn viên tổ hợp để phát triển khu công nghiệp phụ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng. VinFast đã chủ động sản xuất các cấu phần quan trọng như thân vỏ, động cơ, trần xe, giảm xóc... với tiêu chuẩn cao. Hiện tại trong nhà máy VinFast có các xưởng: dập, hàn, lắp ráp, động cơ… đều được lắp đặt trên dây chuyền hiện đại, tiên tiến bậc nhất thế giới.
VinFast đã xây dựng một lộ trình rõ ràng nhằm nâng tỉ lệ nội địa hóa từ hơn 60% hiện nay lên 84% vào năm 2026 thông qua việc sản xuất và cung ứng trong nước thêm các chi tiết như: Ghế xe, dây điện, đèn xe, vành xe, hệ thống phanh - lái, các linh kiện nội thất và ngoại thất, kính gương… Tỷ lệ nội địa hóa sẽ đạt 84% vào năm 2026 khi VinFast sản xuất được pin điện, một trong những linh kiện có giá trị cao nhất trong xe điện. Hiện tại, VinFast mới chỉ đóng gói pin tại hai nhà máy tại Hải Phòng và Hà Tĩnh, các cell pin vẫn nhập khẩu từ các nhà sản xuất khác ở nước ngoài.
Để đạt được các mục tiêu này, VinFast sẽ triển khai một loạt các chiến lược và giải pháp cụ thể, bao gồm:
- Hợp tác chuyển giao công nghệ với các công ty có chuyên môn hàng đầu, chuyển giao công nghệ cho các công ty đối tác hiện tại của Vinfast tại Việt Nam, giúp tăng tính chủ động trong chuỗi cung ứng, giảm chi phí nhập khẩu, và từng bước xây dựng hệ sinh thái sản xuất bền vững.
- Kêu gọi đầu tư, hợp tác cùng phát triển, tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn và kinh nghiệm từ cả trong và ngoài nước nhằm xây dựng chuỗi cung ứng nội địa mạnh mẽ.
Câu chuyện về nội địa hóa là một trong những "nỗi đau" của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Công Thương xây dựng, sẽ trình Chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay, xác định ô tô là ngành sản xuất quan trọng đóng góp vào kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Mục tiêu đề ra là 30 - 40% vào năm 2020, 40 - 45% vào năm 2025 và 50 - 55% vào năm 2030. Nhưng con số thực tế hiện nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%.
Thực tế hiện nay, theo thông tin được cung cấp từ doanh nghiệp, hiện có Thaco đạt khoảng 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra và so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Tại Việt Nam, một số linh kiện đã nội địa hóa được, có chi phí sản xuất và chất lượng cạnh tranh so với nhập khẩu, song chủ yếu là các chi tiết cồng kềnh, hay giản đơn, sử dụng nhiều nhân công, giá rẻ. Còn lại, phần lớn linh kiện và cụm linh kiện gặp vấn đề vốn đầu tư lớn mà sản lượng lại nhỏ nên có giá thành cao.
“VinFast mới có hơn 7 năm thôi nhưng đã đạt tỷ lệ nội địa hoá ô tô trên 60%, điều mà nhiều hãng xe lớn tại Việt Nam không làm được dù đã hiện diện tại Việt Nam gần 30 năm, nhận được nhiều ưu đãi từ chính phủ” - Đó là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khi tham luận về câu chuyện tỷ lệ nội địa hoá trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Theo bà Lan, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ô tô thực sự là bài toán rất khó, do đó mục tiêu công nghiệp hóa không thể hoàn thành đúng tiến độ. Rào cản lớn nhất để các doanh nghiệp thuần Việt tham gia vào chuỗi cung ứng của các hãng xe là chi phí đầu tư quá lớn so với đơn hàng nhận được. Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam dùng các doanh nghiệp phụ trợ do họ mang từ bên ngoài vào Việt Nam, và được hưởng ưu đãi như họ. Với ưu đãi như vậy, thì các ngành phụ trợ ở Việt Nam không thể có cơ hội phát triển được khi chúng ta vẫn chịu mức thuế cao hơn, ban đầu là 25%, sau đó 22%, rồi 17% thuế thu nhập doanh nghiệp... trong khi doanh nghiệp nước ngoài thì 10%.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng rất lo lắng cho VinFast khi Vingroup quyết định làm ô tô vào năm 2017, do sự cạnh tranh rất lớn từ các thương hiệu lớn, đặc biệt là ô tô nguyên chiếc từ các nước Đông Nam Á được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) từ 2018.
Tuy nhiên, theo dõi sát sao sự phát triển của VinFast, chuyên gia Phạm Chi Lan bày tỏ niềm tin và sự phát triển vượt bậc của doanh nghiệp ô tô Việt Nam, từ việc chuyển mình sang hãng xe thuần điện, tới thành tựu vươn liên dẫn đầu về doanh số trên thị trường ô tô Việt Nam trong hiện tại. Theo bà Lan, mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hoá trên 84% vào năm 2026 mà VinFast đặt ra là hoàn toàn khả thi nếu nhìn vào thực tế hiện nay và những gì hãng xe Việt đang làm.
Nhiều chuyên gia kinh tế, công nghiệp và kỹ thuật khác cũng cho rằng, những kết quả mà VinFast đạt được cho đến thời điểm này thực sự rất đáng tự hào.
GS-TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: "“Tại VinFast, tỷ lệ nội địa hóa hiện đã đạt hơn 60% với những chi tiết quan trọng như động cơ điện, thân vỏ, trần xe, giảm xóc… Tôi đến nhà máy VinFast và bị thuyết phục vì thực tiễn là rõ ràng. Ngoài ra, với ô tô điện, các thành tố chính còn là cell pin, pack pin, hệ thống điện, sạc, hệ thống truyền động, điều hòa, phần mềm điều khiển… Tôi mừng là VinFast đã đi thẳng vào những chi tiết quan trọng này để làm chủ”, ông Tuấn chia sẻ.
Trong khi đó, PGS-TS Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, cho rằng những thành tựu mà VinFast đạt được sau 7 năm là rất đáng tự hào. Vì vậy, VinFast và một số doanh nghiệp đi đầu trong ngành công nghiệp chế tạo cần sắm vai “cánh chim đầu đàn” để kéo theo nhiều “cánh chim” khác, qua đó giúp ngành công nghiệp ô tô nói riêng và các ngành công nghiệp chế tạo nói chung phát triển mạnh mẽ và phù hợp với bối cảnh mới.
Bài viết mới nhất
-
Cận cảnh Subaru WRX và Levorg Gain STI Sport R-Black phiên bản giới hạn tại Nhật Bản
19 giờ trước
-
Wuling Hongguang Mini EV đang bán tại Việt Nam liệu sẽ sớm bổ sung thêm phiên bản 5 cửa
20 giờ trước
-
Loại bỏ body kit tận 3 tỷ đồng, chỉ có 50 bộ trên thế giới, chủ xe Lamborghini Aventador lên tiếp gói độ khủng
21 giờ trước