Honda Sensing: hiểu đúng về hệ thống an toàn trên Honda CR-V
08:04 - 30/06/2021
Ngày nay, các hãng ô tô rất quan tâm tới việc trang bị những công nghệ an toàn cho sản phẩm của mình. Hãng Ford có Co-Pilot360, Mazda có i-Activsense, Nissan có Safety Shield 360... còn với Honda là Sensing. Hệ thống Sensing Honda bao gồm nhiều công nghệ khác nhau được sinh ra với mục đích hỗ trợ người lái, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Trong bài viết này, Tinxe mời các bạn tìm hiểu kỹ hơn, chi tiết hơn về hệ thống Sensing của Honda.
Sensing là gì? Công nghệ Sensing là gì?
Thực tế, Sensing không phải là một công nghệ đơn lẻ mà là hệ thống bao gồm nhiều công nghệ an toàn khác nhau của Honda. Sensing Honda được sinh ra để hỗ trợ người lái nhằm giảm thiểu các tai nạn giao thông.
Honda Sensing có 5 công nghệ bao gồm: Hệ thống phanh giảm thiểu va chạm (CMBS), Hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng bao gồm dải tốc độ thấp (ACC with LSF), Hệ thống đèn pha thích ứng (AHB), Hệ thống giảm thiểu chệch làn đường (RDM) và Hệ thống hỗ trợ giữ làn đường (LKAS).
Các chuyên gia đánh giá rằng các mẫu xe trang bị Sensing Honda có mức độ giảm thiểu tai nạn lên tới 11% và giảm mức độ tổn thương cho người sử dụng xe khi xảy ra va chạm trên 28%.
Bên cạnh 5 hệ thống chính, Honda Sensing còn có các tính năng an toàn đáng chú ý khác như hệ thống cảnh báo lái xe khi buồn ngủ, đèn pha tự động, hệ thống gạt mưa tự động, hệ thống quan sát làn đường LaneWatch...
Trên một số mẫu xe ở châu Âu, Honda Sensing còn bao gồm các tính năng như nhận dạng biển báo (TSM), hỗ trợ quan sát điểm mù (BSI hoặc BSM), hệ thống quan sát tình trạng giao thông (CTM). Ở thị trường Việt Nam, hiện tại chỉ có mẫu Honda CR-V là được Honda trang bị hệ thống Sensing.
Chi tiết về các công nghệ của hệ thống Sensing
Để có dữ liệu đầu vào cho hệ thống Sensing, Honda trang bị trên các mẫu xe của họ một Radar đặt ở lưới tản nhiệt và một camera theo dõi ở sau gương chiếu hậu bên trong xe. Dựa vào dữ liệu thu được từ Radar và camera, hệ thống Sensing sẽ phân tích để kích hoạt các tính năng an toàn tương ứng.
1. Hệ thống hỗ trợ giữ làn đường - Lane Keeping Assistant System (LKAS)
LKAS là hệ thống hỗ trợ đánh lái để giữ cho xe luôn đi ở giữa làn đường đồng thời hiển thị cảnh báo cho lái xe trong trường hợp xe chệch khỏi làn. LKAS lấy dữ liệu từ camera để xử lý và đưa ra những hành động như can thiệp vào tay lái và đưa ra cảnh báo. LKAS hoạt động tốt khi xe di chuyển với tốc độ trong khoảng từ 72 km/h đến 180 km/h và trên địa hình đường thẳng hoặc cong nhẹ.
Khi sử dụng LKAS bạn phải chú ý rằng mức độ chính xác của hệ thống này phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, tốc độ, điều kiện làn đường. LKAS có thể không đưa ra xử lý chính xác trong khu vực tối như hầm cầu, đường hầm. Khi camera bị quá nóng hoặc quá lạnh LKAS có thể dừng hoạt động. LKAS cũng ngừng hoạt động khi ABS hoặc VSA được kích hoạt.
2. Hệ thống phanh giảm thiểu va chạm - Collision Mitigation Braking System (CMBS)
CMBS có nhiệm vụ cảnh báo cho người lái khi phát hiện ra chường ngại vật phía trước. Trong trường hợp người lái không kịp xử lý hoặc không xử lý, hệ thống sẽ tự động kích hoạt phanh để tránh hoặc giảm thiểu thiệt hại khi va chạm.
CMBS dùng cả Radar và camera để quét phía trước xe. Khi phát hiện ra chường ngại vật cảnh báo bằng hình ảnh sẽ hiển thị trên đồng hồ taplo và âm thanh cảnh báo cũng được phát ra. Sau hai lần cảnh báo bằng cả hình ảnh và âm thanh trong lần thứ ba CMBS vừa đưa ra cảnh báo vừa tự động kích hoạt phanh.
Lái xe có thể điều chỉnh CMBS theo khoảng cách xa hoặc gần. Hệ thống CMBS sẽ mặc định mở khi xe khởi động.
3. Hệ thống giảm thiểu chệch làn đường - Road Departure Mitigation System (RDM)
RDM sẽ cảnh báo và hỗ trợ lái xe đi đúng làn đường khi phát hiện xe di chuyển quá gần hoặc đè lên vạch kẻ phân cách làn đường. RDM sẽ lấy dữ liệu từ camera và có thể điều chỉnh tay lái để xe đi đúng làn đường. Ngoài ra, RDM có thể đưa ra cảnh báo hoặc tự kích hoạt phanh trong tình huống nguy hiểm.
Để RDM hoạt động tốt, xe phải di chuyển ở tốc độ từ 72 km/h - 180 km/h trên đường thẳng hoặc đường cong nhẹ. RDM sẽ không hoạt động khi xe bật xi nhan, phanh được kích hoạt hoặc cần gạt mưa hoạt động liên tục.
4. Hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng bao gồm dải tốc độ thấp - Adaptive Cruise Control with Low-Speed Follow (ACC with LSF)
Nói một cách ngắn gọn, ACC with LSF dùng dữ liệu thu được từ Radar và camera để giúp xe của bạn đi theo xe trước trong khoảng cách cho phép trên đường cao tốc. Hệ thống sẽ tự động tăng tốc và giảm tốc giúp lái xe thoải mái hơn.
ACC with LSF duy trì một tốc độ ổn định cho xe và đảm bảo khoảng cách an toàn giữa xe của bạn với xe phía trước. Hệ thống có thể dừng lại và sau đó di chuyển tiếp nếu xe phía trước cũng dừng và sau đó di chuyển tiếp.
Bạn cần lưu ý rằng không sử dụng ACC with LSF trên các cung đường quá đông hoặc phải dừng lại và di chuyển tiếp liên tục. Không sử dụng ACC with LSF trên các cung đường có đoạn cua gấp, xuống dốc. Chỉ nên sử dụng ACC with LSF trong điều kiện thời tiết tốt.
5. Hệ thống đèn pha thích ứng tự động - Auto High Beam (AHB)
AHB dùng camera để thu thập dữ liệu phía trước xe của bạn sau đó điều chỉnh hệ thống đèn nhằm đảm bảo bạn có tầm nhìn tốt nhất. Cụ thể, nếu AHB không phát hiện ra ánh đèn từ xe đang đến phía đối diện, đèn trên xe bạn sẽ tự chuyển sang chế độ chiếu xa để bạn có tầm nhìn rộng hơn. Nếu phát hiện ra đèn xe phía đối diện, AHB tự chuyển đèn xe của bạn về chế độ chiều gần.
AHB sẽ tạm thời hủy hoạt động khi bạn liên tục lái xe ở tốc độ dưới 24 km/h hoặc tốc độ xe dưới 10km/h. Độ chính xác của AHB phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và điều kiện của đường xá.
Honda Sensing không thể thay thế lái xe
Giống như bao hệ thống an toàn khác, bạn phải nhớ rằng Honda Sensing chỉ có vai trò hỗ trợ lái xe an toàn trong những điều kiện nhất định chứ không thể thay thế cho lái xe. Vì vậy, bạn tuyệt đối không nên quá phụ thuộc vào Sensing, hãy luôn chú ý quan sát và chủ động lái xe an toàn.
Đỗ Kỷ