menu

Gặp gỡ cựu chiến binh 30 năm miệt mài "phục sinh" cho những chi tiết nhựa của xe

13:29 - 13/03/2020

Ngồi ở một góc của con phố Ngô Thì Nhậm, Hà Nội, là chú Thạch - người thợ hàn nhựa đã gắn bó với nghề trong suốt 30 năm qua.

Đối với các chủ xe, dù là xe máy hay ô tô thì việc sử dụng xe hàng ngày đều tiềm ẩn nguy cơ va chạm, làm vỡ lớp vỏ nhựa bên ngoài. Việc thay thế những phần vỏ nhựa bị vỡ thường có chi phí cao, tuỳ theo từng loại xe. Đôi khi chỉ là một vết vỡ nhỏ mà phải thay thế cả dàn nhựa thì khá lãng phí và không kinh tế. Đó chính là lúc các chủ xe tìm đến những người thợ hàn nhựa nơi hè phố Huế, Ngô Thì Nhậm hay Nguyễn Công Trứ của Hà Nội. Để tìm hiểu về một nghề thú vị như vậy, chúng tôi đã tìm gặp chú Thạch - một người thợ hàn nhựa đã có hơn 30 năm trong nghề. 

Chú Thạch - một cựu chiến binh với 30 năm làm nghề hàn nhựa.

Chú Thạch - một cựu chiến binh với 30 năm làm nghề hàn nhựa.

Đến phố Ngô Thì Nhậm, chỉ cần hỏi chú Thạch hàn yếm thì mọi người đều biết và có thể chỉ ngay vị trí chú ngồi ở một góc của con phố. Bộ đồ nghề "kiếm cơm" của chú Thạch cũng rất đơn giản, chỉ với một bếp dầu từ thời chiến, một vài con dao, tuốc nơ vít và mấy mảnh nhựa. Chỉ bấy nhiêu đó thôi đã đủ giúp chú trang trải cơm áo hàng ngày suốt 30 năm qua và nuôi dạy 2 người con nên người.

Công việc hàng ngày của chú là đợi khách hàng mang những mảnh vỡ trên xe đến để hàn lại, phục hồi về nguyên trạng.

Công việc hàng ngày của chú là đợi khách hàng mang những mảnh vỡ trên xe đến để hàn lại, phục hồi về nguyên trạng.

Chú Thạch đến với nghề hàn nhựa cũng rất tình cờ, theo lời chú đó như một cái duyên. Vào năm 1980, chú đi bộ đội biên giới phía Bắc, năm 1985 giải ngũ và sang Liên Xô lao động đến năm 1990 thì về Việt Nam. Lúc đó, kinh tế còn khó khăn nhưng trên đường phố Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện nhiều xe máy nên chú tự mày mò tự học nghề hàn nhựa để có thể phục vụ các chủ xe "đen đủi" bị vỡ nứt dàn vỏ xe.

Bộ đồ nghề hàn nhựa theo chú đã 30 năm.

Bộ đồ nghề hàn nhựa theo chú Thạch đã 30 năm.

Nhìn vào bộ đồ nghề của chú Thạch, có thể thấy rõ dấu vết thời gian trên đó. Chú Thạch chia sẻ, cái bếp dầu này chú dùng từ ngày mới vào nghề đến nay cũng ngót ngét 30 năm, chưa bao giờ hỏng và như một người đồng hành cùng chú bất kể nắng mưa. Ngay cả đến bộ đồ nghề như dao, tuốc-nơ-vít... cũng đều có tuổi nghề tương đương với chú.

Chú Thạch kể, vào những năm '90, làm gì có đồ sẵn như bây giờ. Làm thợ hàn nhựa, chú Thạch phải đi nhặt từng thanh sắt, nhặt từng con dao về "chế cháo" lại như gắn cán gỗ, ốp thêm vỏ kim loại để chống cháy hay kể cả là phải tiện lại cho phù hợp với nghề. Tất cả những điều đó khiến chú Thạch gắn bó với bộ đồ nghề này suốt từng đấy năm.

Những mảnh nhựa vỡ có thể là rác nhưng với chú Thạch đó là nguyên liệu sản xuất.

Những mảnh nhựa vỡ có thể là rác nhưng với chú Thạch đó là nguyên liệu sản xuất.

Đối với nhiều người, những mảnh nhựa vỡ vứt bên đường chỉ là rác bỏ đi nhưng với chú Thạch và những người làm nghề hàn nhựa thì đấy chính là nguyên liệu cần thiết cho công việc. "Mỗi loại nhựa sẽ cần mối hàn là nhựa tương tự thì mới có thể hàn dính được. Nếu không đúng loại nhựa thì mối hàn sẽ lỏng và dễ dàng bong ra sau một thời gian sử dụng", chú Thạch chia sẻ. Chính vì thế, bên cạnh đống đồ nghề gia công hàn nhựa, chúng tôi còn thấy từng nắm nhựa vỡ khác nhau và tài ở chỗ, chú Thạch chỉ cần nhìn qua miếng vỡ của khách là có thể biết mình cần dùng loại nhựa nào cho phù hợp.

Hàn nhựa đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận.

Hàn nhựa đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận.

Theo chú Thạch, công việc hàn nhựa không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận. Nếu không tỉ mỉ thì sẽ rất khó để có thể hàn được những mảnh nhựa nhỏ bị vỡ hoặc bị nứt ra, nếu không tỉ mỉ thì sẽ rất khó để trụ lâu với nghề... Cẩn thận bởi nếu chỉ cần sơ sót một chút thôi thì nhựa sẽ nóng chảy, các dụng cụ sắt nung lửa sẽ làm tổn thương đôi tay người thợ hàn và có thể còn làm hỏng nặng hơn các chi tiết nhựa của khách hàng. 

Ngoài ra, những người thợ hàn nhựa như chú Thạch cũng phải chấp nhận đánh đổi sức khoẻ khi hàng ngày phải ngồi đun sắt, đốt nhựa để hàn nên hầu hết đều có bệnh về đường hô hấp. "Cái mùi nhựa cháy nó rất độc nhưng làm mãi rồi quen lúc nào không hay", chú Thạch tâm sự. Suốt 30 năm làm nghề, chú Thạch cũng đã thu nhận nhiều học trò nhưng hầu hết đều không bám trụ được với nghề lâu bởi nhiều yếu tố vất vả, khó khăn mà chú đã kể. Ngay cả với con cái, chú Thạch cũng chỉ cố gắng kiếm tiền để các con ăn học thành người chứ không mong muốn ai phải theo cái nghề hàn nhựa như mình. 

Chi tiết hàn nhựa có thể không đẹp như mới nhưng lại có thể giúp các chủ xe tiết kiệm được một khoản tiền thay cho việc phải thay mới toàn bộ.

Chi tiết hàn nhựa có thể không đẹp như mới nhưng lại có thể giúp các chủ xe tiết kiệm được một khoản tiền thay vì phải thay mới toàn bộ.

Câu chuyện của tôi và chú Thạch kết thúc sau khi chú hàn xong miếng nhựa vỡ trên xe của tôi. Có thể miếng nhựa vỡ được hàn lại không đẹp long lanh như lúc đầu nhưng đã phục hồi đúng công năng của nó. Nếu không có những người thợ hàn nhựa như chú Thạch thì chắc chắn tôi sẽ phải bỏ ra cả một khoản tiền để thay thế cho xe. Có thể với mọi người, nghề hàn nhựa chỉ là để phục hồi cho chiếc xe, nhưng với những người thợ hàn như chú Thạch thì đó là nghề kiếm cơm và cũng là cuộc đời của họ.

Hoàng Hiển

Đánh giá:
Quảng cáo