menu

Đỗ ô tô ngoài trời nắng, nhiệt độ có thể lên tới 85 độ C

16:44 - 21/05/2020

Người lái ô tô cần lưu ý không đỗ xe ngoài trời nắng bởi mức nhiệt mà trên xe sẽ cao hơn nhiệt độ thực tế ngoài trời rất nhiều.

Hà Nội đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt mặc dù mới chỉ vào đầu mùa hè. Theo trung tâm khí tượng thuỷ văn, ngày 21/5/2020 là ngày nắng nóng đỉnh điểm khi có nơi nhiệt độ lên tới 38 độ C. Thế nhưng, đó chỉ là nhiệt độ đo trong bóng râm và nếu đo thực tế nhiệt độ ngoài trời thì có thể lên tới 43-44 độ C.

Chính về thế, nếu người lái đỗ ô tô của mình ngoài trời nắng, chiếc xe sẽ phải hấp thụ một lượng nhiệt rất lớn và khiến cho nhiệt độ của cả chiếc xe tăng cao một cách đáng kể. Qua thử nghiệm của chúng tôi, sau khi đỗ xe ngoài trời nắng trong khoảng 45 phút, nhiệt độ bên trong khoang lái của xe đã đạt ngưỡng 50 độ C - một mức nhiệt gây ngột ngạt, khó chịu cho mọi người khi bước vào xe ngay sau khi xe phơi nắng.

Nhiệt độ trong xe lên tới 50 độ C sau khi phơi nắng 45 phút.

Nhiệt độ trong xe lên tới 50 độ C sau khi phơi nắng 45 phút.

Thế nhưng, nhiệt độ bên trong xe vẫn chưa là gì so với phần nắp ca-pô. Thử nghiệm cho thấy nhiệt độ tại nắp ca-pô lên tới 81 độ C do hấp thụ trực tiếp bức xạ nhiệt từ mặt trời. Mức nhiệt cao nhất trên ô tô mà chúng tôi đo được là 85 độ C với phần nóc xe - đây là mức nhiệt có thể gây bỏng cho da của con người nếu tiếp xúc đủ lâu. 

Nhiệt độ tại nắp capo của xe ô tô đạt mức 81 độ C.

Nhiệt độ tại nắp ca-pô của ô tô đạt mức 81 độ C.

Đỉnh nhiệt lên tới 85 độ tại vị trí nóc xe ô tô.

Đỉnh nhiệt lên tới 85 độ tại vị trí nóc xe.

Trong khi đó, khu vực được đánh giá là mát mẻ nhất chính là gầm của ô tô. Nhiệt độ đo được tại gầm xe ô tô chỉ rơi vào khoảng 36 - 37 độ, thấp hơn rất nhiều nếu so sánh với nhiệt độ trên thân xe và bên trong xe. Nguyên nhân là do toàn bộ nhiệt lượng từ mặt trời đã bị thân xe phía trên cản lại, khiến cho phần gầm xe không bị hấp thụ nhiệt trực tiếp. Thêm vào đó, bên dưới gầm xe luôn có gió lưu thông khiến cho nhiệt lượng bị phân tán ra môi trường xung quanh.

Dựa vào thí nghiệm trên, có thể thấy rằng người lái ô tô không nên đỗ xe trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Để xe không hấp thụ nhiệt trực tiếp từ ánh sáng, người lái nên dừng đỗ xe trong các bóng râm như tán cây, mái hiên hoặc sử dụng đồ che nắng để bảo vệ xế cưng. Bên cạnh đó, người lái xe cũng nên mở cửa xe, nổ máy bật điều hoà trước khi sử dụng để giảm nhiệt bên trong, tránh gây cảm giác khó chịu, thậm chí là sốc nhiệt vì hơi nóng.

Chúc các bạn lái xe an toàn!

Hoàng Hiển

Đánh giá: