menu

Đây là tài xế xe sang chuyên nghiệp "cứng" nhất trên thế giới

Duy Thành 22:45 - 08/05/2018

Từng là đặc vụ Đức trong nhiều năm, có đủ bản lĩnh về khả năng tự vệ, dùng súng và lái xe, Pierre Dohrmann là tài xế xe sang mà bạn muốn có khi đến một thành phố thuộc cỡ nguy hiểm nhất thế giới như Cape Town, Nam Phi.

Người vệ sĩ giỏi nhất là người không ai nhìn thấy,” ông Pierre Dohrmann nói. “Chúng tôi nên có màu xám, giống như một con chuột vậy.” Nhưng công bằng mà nói, thật khó để nhầm lẫn ông Pierre Dohrmann với một con chuột nhỏ bé nào đó. Bởi ông ấy có dáng đứng của một võ sĩ quyền anh nghỉ hưu, để tóc đuôi ngựa, đeo kính râm, và mang súng bên thắt lưng. Kể cả ở độ tuổi 50 – 60, ông ấy dường như vẫn đủ khỏe để nghiền nát đầu một ai đó với hai cánh tay của mình.

Pierre Dohrmann là một cựu đặc vụ của Đức, và có thể coi là tài xế xe sang “cứng” nhất thế giới, người nhận được các cuộc gọi từ những chính trị gia, người nổi tiếng nếu họ muốn dạo quanh đất nước Nam Phi. Sau đây, chúng ta sẽ cùng đến với những chia sẻ về nghề nghiệp tài xế của ông Dohrmann với trang Top Gear khi họ đi trên đường của 1 trong số 10 thành phố nguy hiểm nhất thế giới: Cape Town.


Pierre Dohrmann, người coi là tài xế xe sang chuyên nghiệp "gấu" nhất thế giới

Về cơ bản, công việc lái xe an ninh cao cấp ở ngoài đời thực không được máu lửa và kịch tích như chúng ta tưởng tượng thông qua bàn tay nhào nặn của các nhà làm phim Hollywood. Mặc dù có sở hữu một mẫu limousine Mercedes 560SEL màu đen rất ngầu, nhưng ông Dohrmann nói rằng chính chiếc Audi A6 của ông mới là thứ đã từng chở nào là tổng thống, ngôi sao Hollywood hạng A và cả những vị hoàng thân xịn.

Trong khi chiếc A6 động cơ 2.4 lít trông chẳng có gì là VIP, nhưng ông Dohrrmann nói điểm quan trọng chính là ở chỗ đó. Bạn biết cái cảnh một ngôi sao nào đó đi ra từ khách sạn, bị bủa vây bởi paparazzi, và rồi nhanh chân bước vào một chiếc limo cỡ lớn với cả tá vệ sĩ áo đen xung quanh chứ? Tất cả chỉ là diễn mà thôi.

Nếu được giao nhiệm vụ vận chuyển một vị khách VIP từ một khách sạn sang chảnh tới sân bay, ông Dohrmann sẽ gửi một chiếc limo bóng bẩy tới lối vào đằng trước để thu hút hết cánh paparazzi, những kể rình mò và kể xấu, rồi lén lút dẫn khách VIP ra cửa sau của khách sạn và đưa vào một chiếc Audi không có gì đặc sắc. “Anh muốn một chiếc xe mà có thể thấy rất nhiều ở ngoài đường,” ông ấy giải thích. “Không có gì quá đặc biệt. Tôi có một vài tấm đề can giặt đồ mà chúng ta có thể dán lên bên sườn xe nữa. Ai sẽ muốn bám theo một chiếc xe có toàn ga trải giường bẩn thỉu chứ?


Ông Dohrmann chia sẻ một chiếc xe thông thường, không có gì đặc biệt mới là lựa chọn tốt để đón một vị khách VIP

Tiếp xúc với Pierre Dohrmann, người ta có thể nhận ra bên dưới cái dáng vẻ mạnh mẽ đáng gờm, ông ấy là một cựu đặc vụ thân thiện mà bạn hi vọng có thể được gặp, với một cách thức nói chuyện thẳng thắn, hơi phũ mồm và một giọng nói giống hệt như các đoạn hội thoại trong phim thập niên 80 của ngôi sao Arnold Schwarzenegger.

Khi được hỏi rằng chuyện gì sẽ xảy ra nếu như kể cả có che giấu tốt nhất rồi, ông ấy vẫn không tránh được sự chú ý của một fan cuồng, paparazzi hoặc một tên cướp xe nào đó thì sao? Liệu ông có thể biết là mình đang bị theo dõi không? “Anh có thể cảm nhận được chuyện đó,” ông nói. “Đó là một bản năng. Một tiếng động lạ, là biết ai đó đang lái quá gần.

Để trả lời cho câu hỏi sẽ làm gì khi phát hiện có người bám theo sau, và lại còn đang trong tình trạng chở vị khách VIP nữa. Ông Pierre Dohrmann nói. “Anh nghĩ một ai đó đang bám theo anh? Đừng tăng tốc. 200 km/h? Vớ vẩn. Tại sao anh phải đi nhanh thế? Phải rồi, tôi có thể drift, tôi có thể lái xe tự vệ, nhưng tại sao? Anh muốn thấy nếu có ai đó đang bám đuôi anh ư?

Không lại lời cảnh báo, ông ấy liền quay ngoắt xe 180 độ, đi ngược về hướng ban đầu. “Đó là chuyện anh làm. Giờ đếm số lượng xe đang đi về phía mình. 1, 2, 3, 4. Có chiếc nào trong số đố đang đi về hường này không? Không ư? Chúng ta ổn. Nếu anh nghi ngờ một chuyện gì, hãy đi chậm lại. Đợi, xem hành động của hắn ta là gì. Thế là anh có tay trên.


"Không hoảng sợ" là một tôn chỉ phải có ở mỗi tài xế xe sang kiêm luôn vệ sĩ như ông Dohrmann

Tôn chỉ “không hoảng sợ” là một thứ áp dụng cho cả tầng lớp bình dân như chúng ta cũng như các mục tiêu VIP, ông Dohrmann nói. Bên cạnh đó, ông ấy cũng đưa ra thêm các lời khuyên quý báu kiểu như nếu nghĩ mình đang bị theo dõi, đừng có lên đường cao tốc và cố chạy cắt đuôi đối phương, hãy đi trên đường chính và hướng vào trung tâm thành phố. “Nếu anh sử dụng định vị vệ tinh, đường bao giờ đặt nó chỉ theo con đường ngắn nhất,” ông Dohrmann khuyên. “Anh sẽ đi vào những con đường nhỏ ở một nơi nguy hiểm. Đặt nó theo con đường nhanh nhất, trên cao tốc.

Có lẽ tới lúc này, bạn sẽ muốn biết thành phố Cape Town, và nước Nam Phi nguy hiểm ra sao? Thật khó để nói. Mò mẫm vào những diễn đàn quốc tế, và bạn sẽ gặp đủ các câu chuyện kinh dị về tình trạng cướp xe bạo lực. Nhưng sự thực thì chuyện không phải lúc nào cũng đáng sợ như thế, thậm chí phóng viên của Top Gear còn chia sẻ rằng thứ đáng sợ nhất mà họ nhìn thấy trong suốt thời gian một tuần ở Nam Phi là một chiếc xe bán tải Opel Corsa cực kỳ xấu xí trên đường phố.

Mặc dù phần lớn Cape Town - và cả Nam Phi – là rất an toàn, nhưng ở bất cứ quốc gia nào có luật sở hữu súng tiêu chuẩn và sự phân chia người giàu và kẻ nghèo quá lớn, nơi đó sẽ có tiềm năng rắc rối. Nếu bạn là một người có tiền và lái xe vào một khu không nên đến của thành phố, bạn có khả năng gặp mặt một số người sẵn sàng “giúp” bạn giải thoát khỏi gánh nặng tiền bạc.

Công bằng, ông Dohrmann không nói về nguy hiểm, cũng như phóng đại rủi ro, với hi vọng thu hút thêm việc làm ăn. “Những lời đồn về tội phạm ở Nam Phi tệ hại hơn thực tế. Nếu anh mù đường và ngu ngốc, anh sẽ gặp rắc rối. Nhưng hầu hết người bình thường đều có thể nhận ra chỗ nguy hiểm.


Một chiếc xe bị lật úp, cháy thành tro trên đường phố Cape Town, Nam Phi

Pierre Dohrmann là một người đàn ông có thể nhận ra nguy hiểm. Trong 18 năm, ông ấy đã làm việc cho lực lượng đặc nhiệm Đức trong bộ phận phản ứng nhanh, mục tiêu khủng bố, và thường xuyên hoạt động vào nửa đêm. Sau đó, ông ấy từng tới các khu ổ chuột ở Rio de Janeiro, Brazil, giúp đỡ cảnh sát địa phương dọn dẹp những ổ ma túy. “Đó là một nơi cực kỳ nguy hiểm,” ông Dohrmann gật đầu. “Hầu hết những lúc cảnh sát mặc áo chống đạn là vớ vẩn. Nhưng ở Rio, anh thực sự cần đến nó.

Quay trở lại Cape Town, ông Dohrmann có nói rằng trước khi đưa khách từ khách sạn ra sân bay, ông ấy sẽ tự mình chạy toàn bộ lộ trình vào ngày hôm trước, thăm dò hiểm họa tiềm năng trên đường phố. “Tôi xem chừng những nơi có vấn đề,” ông nói. “Tắc đường ở chỗ nào? Giả sử như có sửa đường, tôi sẽ tìm kiềm lều xây dựng. Hoặc có một điểm dừng cảnh sát. Đó có phải cảnh sát thật không?

Mặc dù luôn mang súng bên mình, nhưng ông Dohrmann không bao giờ dùng nó trong cơn tức giận ở Nam Phi. “Tôi không bao giờ phải bắn. Nếu anh được giáo dục tốt, anh không cần dùng vũ khí.” Đó chỉ là một tình huống đậm chất Hollywood mà thôi. Và cả cái cảnh truy đuổi xe, tài xế đu người ra ngoài cửa sổ với một khẩu súng và bắn nổ lốp của xe phía trước ư? Chuyện đó là hư cấu thôi. “Tôi giỏi dùng súng,” ông ấy nói. "Nhưng khi tôi cố thử bắn trong lúc lái xe, tôi bắn vỡ gương của chính mình đến hai lần.


Một hình ảnh diễu hành của cảnh sát Cape Town

Bên cạnh đó, ông ấy cũng chia sẻ một số bệnh nghề nghiệp rất kiểu hình mẫu vệ sĩ trong phim. “Khi tôi đi ra ngoài ăn tối, tôi luôn ngồi quay lưng vào tường, nhìn ra phía cửa. Tôi không thể duy trì một cuộc đối thoại, nhưng tôi có thể nói với anh rằng mọi người trong nhà hàng đang uống gì, và họ đang hút thuốc nhãn hiệu gì. Không hay ho lắm cho một buổi tối hẹn hò lãng mạn…

Và thêm nữa là một chút bệnh hoang tưởng đằng sau tay lái nữa. “Tôi không đeo dây bảo hiểm,” ông Dohrmann nói, tay nắm lấy dây đai lỏng làm bằng chứng. "Nó khiến việc thoát ra ngoài chậm hơn.” Ông ấy kéo dây lên chặt ngang cổ mình. “Và anh không muốn ai đó luồn qua cửa sổ và thắt cổ anh đâu.

>>> 16 bước để bạn có thể trở thành một tài xế xe sang chuyên nghiệp

Duy Thành
Đánh giá: