menu

Có giá gần 6.000 USD, nắp ca-pô tích hợp khe hút gió của Xiaomi SU7 Ultra bị chê chỉ để "làm màu"

12:49 - 08/05/2025

Bỏ ra gần 6.000 USD cho nắp ca-pô tích hợp khe hút gió, chủ xe Xiaomi SU7 Ultra nhận về sự thất vọng.

Việc Xiaomi bước chân vào thị trường xe điện với mẫu SU7 Ultra đã thu hút sự chú ý lớn. Tuy nhiên, mẫu xe này cũng mang đến không ít tranh cãi cho hãng điện thoại Trung Quốc. Một trong số đó là tranh cãi liên quan đến tùy chọn nắp ca-pô bằng sợi carbon của Xiaomi SU7 Ultra.

Được biết, trang bị tùy chọn trên đang khiến nhiều người dùng tỏ ra không hài lòng. Sở hữu giá bán lên tới 42.000 Nhân dân tệ (tương đương 5.800 USD hay 20 triệu đồng), nắp ca-pô này đi kèm các khe thông gió cỡ lớn và nổi bật. Tuy nhiên, các khe này không mang lại bất kỳ lợi ích khí động lực học nào mà chỉ đơn thuần là nâng cấp về mặt thẩm mỹ.

Tùy chọn nắp ca-pô có khe thông gió đã được nhà sáng lập Lôi Quân của Xiaomi công bố sẽ xuất hiện trên SU7 Ultra trong một buổi phát sóng trực tiếp kéo dài 4 giờ vào đêm Giao thừa năm nay. Theo ông, đây là một quyết định được hoan nghênh rộng rãi.

Nắp ca-pô bằng sợi carbon này được giới thiệu là có tác dụng khiến Xiaomi SU7 Ultra bản thương mại trông giống với xe nguyên mẫu được dùng trong các bài thử hiệu suất trước đó, bao gồm cả các lần chạy tại đường đua Nürburgring. Đây là trang bị được sản xuất bằng quy trình ép nóng phức tạp. Xiaomi cho biết nắp ca-pô này sẽ giúp giảm trọng lượng khoảng 1,3 kg cho xe và có hai khe thông gió xuyên thẳng giúp cải thiện luồng khí, tương tự như thiết kế khí động lực học của xe nguyên mẫu thử nghiệm.

Chiếc Xiaomi SU7 Ultra nguyên mẫu dùng để thử nghiệm

Chiếc Xiaomi SU7 Ultra nguyên mẫu dùng để thử nghiệm.

Ban đầu, nắp ca-pô tùy chọn của Xiaomi SU7 Ultra được người tiêu dùng Trung Quốc nhanh chóng đón nhận. Thậm chí, trang bị này từng bị "cháy hàng" tại thị trường Trung Quốc khiến ông Lôi Quân phải đăng bài trên Weibo để khuyên khách hàng đổi sang nắp ca-pô thông thường nếu vội nhận xe.

Tuy nhiên, sau khi nhận xe, một số khách hàng đầu tiên đã tiến hành các thử nghiệm đơn giản như dùng máy thổi khí và phát hiện không hề có luồng gió nào xuyên qua các khe trên nắp ca-pô. Điều này nhanh chóng dẫn đến sự thất vọng và nhiều lời chỉ trích trên mạng. Người dùng cho rằng các khe này chỉ để “làm màu”, không có chức năng thực tế như trên các mẫu xe hiệu suất cao của Ferrari hay Porsche. Ở những mẫu xe thể thao của phương Tây, khe gió thực sự góp phần tạo lực ép xuống mặt đường hoặc làm mát động cơ.

Cấu trúc bên dưới của Xiaomi SU7 Ultra được trang bị nắp ca-pô bằng sợi carbon (bên trái) không khác biệt đáng kể so với mẫu không có tùy chọn này (bên phải).

Cấu trúc bên dưới của Xiaomi SU7 Ultra được trang bị nắp ca-pô bằng sợi carbon (bên trái) không khác biệt đáng kể so với mẫu không có tùy chọn này (bên phải).

Dù Xiaomi nhấn mạnh vào ngoại hình “ngầu” và giảm trọng lượng nhưng lý do chính để thiết kế các khe thông gió vẫn là hiệu suất khí động lực học - điều mà giờ đây người dùng đang đặt nghi vấn. Sự chênh lệch giữa lợi ích khí động lực học được quảng cáo và chức năng trên thực tế không tồn tại đã khiến người dùng bức xúc, nhất là với một tùy chọn có giá cao như vậy.

Nắp ca-pô tích hợp khe hút gió của Xiaomi SU7 Ultra bị chê chỉ để làm màu

Nắp ca-pô tích hợp khe hút gió của Xiaomi SU7 Ultra bị chê chỉ để "làm màu".

Tình huống này phản ánh những thách thức mà các “tân binh” như Xiaomi phải đối mặt trong thị trường ô tô đầy cạnh tranh, đặc biệt ở phân khúc xe hiệu suất cao, nơi mà sự hấp dẫn về hình thức cần phải đi đôi với kỹ thuật thực tế. Ít nhất vào thời điểm hiện tại, nắp ca-pô có khe gió giá 5.800 USD trên Xiaomi SU7 Ultra dường như chỉ là một món trang trí đắt đỏ, chứ không phải là tính năng cải thiện hiệu suất.

Đây không phải là lần đầu tiên Xiaomi bị chỉ trích vì những vấn đề liên quan tới mẫu xe điện hiệu suất cao SU7 Ultra. Mới đây, hãng điện thoại Trung Quốc này cũng đã bị người dùng "ném đá" vì tung ra bản cập nhật phần mềm làm giảm hiệu suất vận hành của xe.

Cụ thể hơn, với phiên bản phần mềm 1.7.0, công suất tối đa của xe sẽ bị giới hạn ở mức khoảng 900 mã lực trong điều kiện lái xe thông thường thay vì 1.548 mã lực. Nếu muốn kích hoạt toàn bộ công suất, người dùng phải hoàn thành một vòng đua hợp lệ trên các đường đua được chỉ định thông qua hệ thống đánh giá thời gian hoàn thành vòng đua Qualifying. Bên cạnh đó, bản cập nhật này còn thêm thời gian chờ 60 giây trước khi xe có thể dùng tính năng hỗ trợ đề-pa nhanh Launch Control khiến việc tăng tốc tức thời tại đèn đỏ bị ảnh hưởng.

Đại diện Xiaomi cho biết biện pháp này nhằm đảm bảo an toàn vì công suất cực lớn của SU7 Ultra đòi hỏi điều kiện đường đua phù hợp và người điều khiển có kinh nghiệm. Tuy nhiên, nhiều người mua cảm thấy bị phản bội, đặc biệt là khi họ đã chi tới 529.900 Nhân dân tệ (khoảng 1,85 tỷ đồng) cho chiếc xe vì khả năng tăng tốc và hiệu suất vận hành vượt trội mà hãng đã quảng bá.

Trước áp lực ngày càng lớn, Xiaomi buộc phải rút lại các giới hạn hiệu suất, đồng thời cam kết minh bạch hơn trong các bản cập nhật phần mềm trong tương lai. “Chúng tôi cảm ơn phản hồi nhiệt tình từ cộng đồng và sẽ đảm bảo minh bạch hơn từ nay về sau”, đại diện công ty chia sẻ.

Đánh giá:
Quảng cáo