Chuyện gì sẽ xảy ra nếu sạc xe ô tô điện liên tục nhưng không sử dụng?
15:49 - 13/05/2021
Xe ô tô điện là hiện tại và cũng là tương lai của ngành công nghiệp ô tô, chính vì vậy mà nhiều hãng xe đình đám trên thế giới đã tung ra thị trường những sản phẩm xe điện đầu tiên của mình. Nổi bật trên thị trường xe ô tô điện phải kể đến Tesla với các sản phẩm hiện đại, cao cấp và tiện dụng như Tesla Model S, Tesla Model X, Tesla Model Y hay Tesla Model 3, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng cũng như túi tiền của khách hàng.
Tuy nhiên, giá xe ô tô điện đắt đỏ cùng sự mới mẻ về công nghệ khiến cho người dùng vẫn phần nào e dè và lo ngại, chưa dám chuyển đổi hoàn toàn từ xe ô tô động cơ đốt trong sang xe ô tô điện. Từ đây, các chương trình truyền hình về ô tô hay những người nổi tiếng có tiếng nói trong mảng xe bốn bánh cũng bắt đầu thực hiện các đánh giá và thử nghiệm với dòng xe điện mới mẻ này.
Mới đây, người dẫn chương trình James May của Series Grand Tour vừa chia sẻ một số trải nghiệm của mình với chiếc Tesla Model S. Cụ thể, James May mua chiếc Tesla Model S vào tháng 11 năm 2019, đến nay đã được hơn một năm, tuy nhiên chiếc xe này ít được James May sử dụng và liên tục được cắm sạc khi đỗ trong gara. Được biết, việc cắm sạc liên tục cho xe mà không sử dụng là một trong nhiều thử nghiệm nhằm kiểm tra chất lượng pin cũng như hệ thống điện và khả năng sử dụng của xe.
Kết quả là gì? Sau một thời gian dài cắm sạc liên tục nhưng không sử dụng, chiếc xe ô tô điện hạng sang Tesla Model S đã không thể hoạt động. Theo James May giải thích, Tesla Model S có 2 bộ pin gồm bộ pin lớn đặt ở sàn xe cung cấp năng lượng truyền động cho bánh xe và bộ ắc quy 12V thông thường đóng vai trò vận hành các hệ thống điện tử.
Dù được cắm sạc liên tục, tuy nhiên ắc quy 12V đặt ở trước xe lại bị cạn kiệt trong khi bộ pin ở dưới sàn xe vẫn đầy. Có vẻ như, sau khi bộ pin lớn được sạc đầy, chiếc Tesla đã tự động ngắt hệ thống sạc, khiến cho bộ pin ở sàn xe cũng ngừng sạc cho ắc quy.
Điểm đáng nói ở đây chính là bộ ắc quy phụ trách vận hành rất nhiều hệ thống quan trọng như máy tính, bộ nhớ hay khóa xe. Chính vì vậy, khi ắc quy cạn kiệt năng lượng, James May thậm chí không thể mở cửa xe, cũng không mở được nắp capô do các chi tiết này điều vận hành bằng điện. Để giải quyết vấn đề này, James cần sạc lại ắc quy, nhưng do nắp capô đóng/mở điện, nên ông buộc phải tháo tay toàn bộ các chi tiết ốp ở phần đầu xe để có thể đưa ắc quy 12V ra ngoài sạc lại.
Ở bên dưới tấm ốp hai vòm bánh xe trước, Tesla có bố trí 2 lẫy khóa để người dùng có thể có thể mở nắp capô trong trường hợp hệ thống điện có vấn đề. Sau khi kéo 2 lẫy ở hai bên vòm bánh xe, James May cuối cùng đã mở được nắp capô, sau đó tiếp tục tháo thêm 3 tấm ốp nhựa để có thể đến được bộ ắc quy. "Chỉ để sạc ắc quy, các bạn phải tháo dỡ chiếc xe. Việc này mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Thú thực là điều đó làm tôi bực mình." James chia sẻ.
Được biết, vấn đề này không chỉ có một mình James May gặp phải mà rất nhiều người dùng thương hiệu xe điện của Mỹ từng phàn nàn về ắc quy của xe. Như vậy, cho dù có sạc xe liên tục nhưng không sử dụng, xe ô tô điện hoàn toàn có thể bị chết ắc quy, dẫn đến tình trạng tương tự như chiếc Tesla kể trên, các vấn đề khác liên quan đến vận hành vẫn chưa được phát hiện.
Theo đánh giá, không phải chiếc xe điện nào cũng gặp vấn đề tương tự bởi cơ chế sạc ắc quy trên mỗi nhà sàn xuất là khác nhau, thậm chí một số mẫu xe ô tô điện còn không có ắc quy 12V thông thường mà vận hành hoàn toàn từ bộ pin lớn ở sàn xe.
Nam Phương