Chiếc ô tô siêu hiếm này từng thoát khỏi máy nghiền nhưng lại bị bỏ rơi trong bãi đỗ xe
11:50 - 19/12/2019
Nói đến cái tên GM EV1, nhiều người có lẽ sẽ cảm thấy vô cùng xa lạ. GM EV1 là mẫu xe điện thực tế đầu tiên do một hãng ô tô hiện đại sản xuất. Tuy giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử của tập đoàn General Motors nói riêng và ngành công nghiệp ô tô nói chung nhưng GM EV1 lại "chết khá yểu".
Trong 3 năm, từ 1996 - 1999, tập đoàn Mỹ đã sản xuất tổng cộng 1.117 chiếc GM EV1. Tuy nhiên, sau đó, tập đoàn này lại tuyên bố hơn 1.000 chiếc xe điện này là thử nghiệm thất bại và quyết định mang chúng đi tiêu hủy dưới máy nghiền. Tập đoàn GM chỉ giữ lại không hơn 20 chiếc EV1 để quyên góp cho các bảo tàng và trường học, phục vụ mục đích trưng bày cũng như nghiên cứu.
Thế nhưng, hóa ra vẫn có những chiếc GM EV1 thoát khỏi máy nghiền. Mới đây, một chiếc GM EV1 hiếm hoi còn sót lại đã được tìm thấy trong bãi đỗ xe gần một học viện giáo dục ở thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ.
Có vẻ như dù thoát khỏi máy nghiền thì chiếc GM EV1 này cũng chẳng được ai ngó ngàng tới. Chiếc xe điện này dường như đã bị bỏ rơi trong bãi đỗ ô tô trong nhiều năm. Qua những hình ảnh được đăng lên mạng, có thể thấy chiếc GM EV1 màu đỏ bị phủ bụi khá dày ở thân xe cũng như toàn bộ cửa kính. Thậm chí, kính lái của chiếc GM EV1 còn trở thành nơi thể hiện tình yêu của giới trẻ. Trong khi đó, bánh sau của chiếc GM EV1 đã bị xịt lốp.
Dù bị phủ bụi nhưng chiếc GM EV1 này có vẻ vẫn còn đầy đủ các bộ phận. Trong khi đó, không ít những chiếc GM EV1 được tập đoàn Mỹ quyên góp cho trường học đã bị tháo bỏ các bộ phận và lắp lên xe đua thử nghiệm hay dùng cho dự án thiết kế.
Ngoài chiếc GM EV1 đang "nằm chơi với bụi" trong bãi đỗ kể trên, còn có một chiếc khác thoát khỏi máy nghiền. Chiếc xe này may mắn hơn khi thuộc sở hữu của đạo diễn phim Francis Ford Coppola. Vào năm 2014, vị đạo diễn này từng nói với người dẫn chương trình kiêm nhà sưu tập xe Jay Leno là phải giấu chiếc EV1 của mình khỏi tập đoàn GM vì rất thích chiếc ô tô này. Cũng có tin đồn khẳng định đạo diễn Coppola đã bán chiếc GM EV1 cho người khác vào năm 2008 với giá lên đến gần 500.000 USD.
Ban đầu, GM EV1 được phát triển nhằm đáp ứng một đề xuất của Ban tài nguyên không khí California (CARB) vào năm 1990 để ban hành bộ luật về xe không khí thải đầu tiên tại nước Mỹ. Bộ luật này yêu cầu xe điện phải chiếm một tỷ lệ trong doanh số tổng của một hãng ô tô. Điều mỉa mai là chính sách của CARB lại lấy cảm hứng một phần từ mẫu xe concept Impact EV 1990 của tập đoàn GM.
Sau 6 năm phát triển, tập đoàn GM bắt đầu cho khách hàng ở một số bang của Mỹ như California, Arizona và Georgia thuê những chiếc EV1 vào năm 1996. Với cụm pin chì-axít khá nặng, GM EV1 có thể chạy hết quãng đường khoảng 100 dặm (160 km) sau khi được sạc đầy. Đến năm 1999, GM EV1 được bổ sung cụm pin niken-hiđrua kim loại nên có thể chạy hết quãng đường 140 dặm (225 km).
Ngoài ra, GM EV1 còn được trang bị mô-tơ không đồng bộ tương tự những mẫu ô tô điện hiện đại ngày này. Mô-tơ này tạo ra công suất tối đa 137 mã lực và mô-men xoắn cực đại 110 lb-ft, truyền sức mạnh tới cầu trước.
Có thể nói, trừ nội thất bằng nhựa trông khá rẻ tiền, EV1 là mẫu xe tiên tiến nhất và hiện đại nhất mà tập đoàn GM từng chế tạo. Đáng tiếc là tập đoàn GM đã nhanh chóng "kết liễu" mẫu xe điện mang kiểu dáng coupe 2 ghế này.
Có thể người dùng vào thời điểm đó không nhận ra nhưng EV1 thực chất chỉ là phép thử dư luận của tập đoàn GM. Vào năm 1999, xu hướng của ngành công nghiệp ô tô thế giới lại xoay sang phát triển xe hybrid. Nói cách khác, tập đoàn GM đang ném tiền qua cửa sổ khi chế tạo những chiếc EV1 có giá 34.000 USD để cho thuê.
Tập đoàn GM đã ngừng sản xuất EV1 vào năm 1999 và bắt đầu triệu hồi những chiếc xe này. Đến năm 2003, tập đoàn GM mang những chiếc EV1 đi tiêu hủy bằng máy nghiền và bị dư luận chỉ trích không ít. Nhiều người cho rằng GM tiêu hủy EV1 để bảo vệ các đối tác trong ngành công nghiệp dầu mỏ và số tiền đầu tư khổng lồ vào động cơ đốt trong.
Tất nhiên, phát triển EV1 không phải là dự án hoàn toàn phí tiền của tập đoàn GM. Tập đoàn Mỹ đã thu về nhiều bài học để áp dụng cho dự án phát triển những mẫu xe điện sau này như Volt hay BEV Bolt.
Lan Quyên