menu

7 mẫu xe ô tô thất bại đáng xấu hổ mà các nhà sản xuất không muốn nhớ lại

Duy Thành 21:50 - 27/01/2019

Thật không may cho các nhà sản xuất xe ô tô, lịch sử có ghi chép lại đầy đủ mọi thành công nổi bật lẫn những thất bại đáng xấu hổ của họ.

Chúng ta thường hết sức hoan nghênh khi các nhà sản xuất xe tạo ra những đột phá, đặc biệt trong tiến bộ về thiết kế và kỹ thuật. Tuy nhiên, chỉ bởi vì một ý tưởng hay concept trông có vẻ tốt trên bản thảo không có nghĩa nó sẽ mang lại doanh số vững chắc. Đây là lí do tại sao các nhà sản xuất thường triển khai các nhóm khảo sát nhỏ giúp thu thập dữ liệu khách hàng và phân tích phản hồi.

Thật không may, có những trường hợp tiêu biểu cách đây không quá lâu khi mà những nhà sản xuất xe hoặc hoàn toàn hiểu sai dữ liệu khách hàng hoặc cố tình phủ nhận chúng. Kết quả, họ đã phải trả giá cho điều này.

Tất cả những chiếc xe sau đây đều được ra mắt trong những sự kiện trang trọng và đầy ấn tượng vì những nhà sản xuất tin rằng chúng hoặc là những mẫu xe giúp thay đổi phân khúc tiềm năng hoặc mang tới doanh số đột phá. Không mong đợi nào đã thành hiện thực, thậm chí là trái ngược. Nhưng có lẽ chỉ nhìn qua thôi, bạn cũng sẽ hiểu tại sao chúng không thành công.

Chevrolet SSR

Chúng ta phải thừa nhận điều rằng GM đã có một vài ý tưởng sáng tạo hồi đầu những năm 2000, một trong số đó được thể hiện qua mẫu Chevrolet SSR, được viết tắt cho cụm từ Super Sport Roadster. Mẫu SSR, được sản xuất từ năm 2003 đến 2006, là một thứ gì đó lạ lẫm: một chiếc xe bán tải với mui cứng có thể thu lại thành mui trần. Phong cách thiết kế kiểu cổ điển của nó là một trong những vấn đề khiến người mua hoặc yêu hoặc ghét.

Chevrolet đã cung cấp cho SSR động cơ LS2 V8 với công suất 398 mã lực, cũng được sử dụng cho mẫu C6 Corvette, Trailblazer SS và Pontiac GTO. Thậm chí nó còn có cả option hộp số sàn 6 cấp. Có vẻ như mọi thứ, trên bản thảo, đều ổn đúng không?

Vấn đề chính của nó là ở phương diện phong cách, vốn được truyền cảm hứng từ các mẫu xe bán tải Chevrolet từ cuối những năm 1940. Hơn nữa, nó cũng khá đắt đỏ, với giá bán khoảng 42.000 USD. SSR là một chiếc “hot rod” khá tốt nhưng lại là một chiếc xe bán tải khá tệ. Cơ bản mà nói, nó giống như một chiếc xe đồ chơi quá đắt đỏ.

Subaru SVX

Subaru ngày nay là một trong những nhà sản xuất xe ô tô đáng tin cậy và bảo thủ nhất. Thương hiệu này hiếm khi đem đến sự đột phá bởi vì, thành thật mà nói rằng, họ không cần phải làm vậy. Tuy nhiên, trở lại đầu những năm 1990, Subaru vẫn đang cố gắng tìm lại chính mình. Trong khi hệ dẫn động 4 bánh AWD gần như đã là tiêu chuẩn, thương hiệu từ Nhật Bản này vẫn chưa tạo ra được chiếc xe tiêu chuẩn hàng đầu của họ, mẫu Outback.

Do vậy, mẫu grand tourer 2 cửa Alcyone SVX được đưa ra đời. Được thiết kế bởi Giorgetto Giugiaro của ItalDesign, SVX được trang bị động cơ hút khí tự nhiên 6 xi-lanh phẳng dung tích 3.3 lít với công suất 231 mã lực và mô-men xoắn cực đại 309 Nm.

Lựa chọn hộp số đơn nhất là tự động 4 cấp. Subaru đã mất 2 năm chuẩn bị để đưa SVX từ một bản concept vào thành bản thương mại và cuối cùng nó được bán ra vào năm 1991. Chỉ 25.000 chiếc xe được bán (trong đó 15.000 chiếc tại Mỹ) cho đến khi nó bị dừng sản xuất vào năm 1996. Subaru đã đầu tư rất nhiều tiền vào mẫu SVX với hy vọng nó sẽ giúp nâng thương hiệu lên tầm cao tiếp theo, đặc biệt là trong thị trường xe hiệu suất cao và hạng sang.

Honda Crosstour

Câu hỏi tốt nhất chúng ta có thể đặt ra là: “Honda nghĩ gì khi quyết định sản xuất mẫu xe này?” Mẫu Crosstour có tên gọi ban đầu là Accord Crosstour khi nó được ra mắt lần đầu năm 2011 và dựa trên mẫu Accord thế hệ thứ 8. Lí do chính cho quyết định này là Honda đã không bán được thêm được một chiếc wagon Accord nào khi đối thủ Toyota Venza xuất hiện vài năm trước đó, vì thế Honda cảm thấy cần phải đáp trả lại. “Tại sao không phải là một chiếc wagon Accord rộng rãi hơn nữa. Giải pháp này không thể sai lầm” có lẽ là những gì Honda đã nghĩ. Thật tiếc rằng Crosstour xấu đến mức khó coi.

Dù có thể được trang bị với tùy chọn hệ dẫn động 4 bánh AWD, mẫu Crosstour (từ Accord đã được lược bỏ sau đó), mẫu wagon/quasi-crossover này cuối cùng đã thất bại trong việc đạt mục tiêu doanh số vì những lý do thẩm mỹ hiển nhiên. Honda đã cố gắng làm mới Crosstour trong năm 2013 nhưng thế vẫn là chưa đủ để thuyết phục khách hàng. Vào năm 2016, Honda thông báo chấm dứt dây chuyền sản xuất Crosstour.

Audi A2

Bạn nên biết đến Audi A2 vì một lí do khá thú vị. Mẫu xe này nằm giữa nhiều sản phẩm được thiết kế bởi Luc Donckerwolke, người đã từng chấp bút cho cả Lamborghini Murcielago cùng nhiều cái tên đẹp mắt khác. Đúng vậy đấy, ngay cả một số nhà thiết kế vĩ đại nhất cũng thi thoảng mắc sai lầm. Mẫu A2 được sản xuất từ năm 1999 đến 2005 và được quảng cáo như một chiếc supermini MPV cỡ C. Phong cách thân xe hatchback 5 cửa của nó mang đến 5 ghế ngồi.

Audi đã đặt kỳ vọng rất lớn cho mẫu A2, thậm chí đầu tư đến mức chế tạo nó từ nhôm, loại vật liệu vẫn còn rất đắt đỏ lúc bấy giờ. Điều này dẫn đến tổng trọng lượng của cả chiếc xe không đến 1 tấn. Khả năng tiết kiệm nhiên liệu tuyệt vời là một yếu tố quan trọng và mẫu A2 có rất nhiều lựa chọn về động cơ, sử dụng cả hai loại nhiên liệu dầu và xăng. Nhưng nó trông vẫn quá nực cười, thậm chí đối với cả người châu Âu.

Chrysler Crossfire

Một vài chiếc xe dường như thích bị chế nhạo và Chrysler Crossfire là một trong số chúng. Ra mắt trong năm 2004, Chrysler đang cần một sản phẩm mới và nhờ có “sự sát nhập ngang hàng” với Daimler, một cơ hội đã mở ra với họ. Lấy khung gầm cơ sở cùng khoảng 80% phụ tùng từ mẫu roadster Mercedes-Benz SLK thế hệ hai và biến nó thành một mẫu xe mang logo Chrysler.

Đáng khen cho Chrysler, phiên bản thương mại Crossfire rất giống với một phiên bản concept đã xuất hiện vài năm trước đó. Nhưng thật không may là ở chỗ phiên bản concept vốn chẳng phải đẹp đẽ. Dường như những nhà thiết kế của nó đã không biết khi nào thì nên dừng bút.

Chrysler thậm chí đã thừa nhận rằng họ mong muốn chia rẽ mọi người với thiết kế của Crossfire, hoàn toàn biết được là nó sẽ hoặc được yêu hoặc bị ghét. Với động cơ V6 và một tùy chọn hộp số sàn 6 cấp, Crossfire hiển nhiên có tiềm năng, nhưng nó quá đắt đỏ, đặc biệt là giá dành cho một chiếc Chrysler. Và một lí do khác dễ thấy hơn đó là mẫu SLK trông đẹp hơn nhiều.

Volvo 480

Được sản xuất từ năm 1986 đến năm 1995, Volvo 480 là mẫu xe dùng hệ dẫn động cầu trước đầu tiên của nhà sản xuất xe Thụy Điển. Phong cách của xe, một chiếc coupe 2 cửa cỡ C hơn với 4 chỗ ngồi, cũng phù hợp với thời điểm bấy giờ, đặc biệt là ở Châu Âu nơi chiếc xe được tạo ra. Volvo muốn bán nó như một chiếc “wagon thể thao” tại Mỹ, nhưng điều này đã không bao giờ xảy ra do tỷ giá USD không tốt vào khi đó. Volvo đã dành ra 6 năm để phát triển mẫu 480 và thậm chí thuê nhãn hiệu Lotus thiết kế hệ thống treo của xe.

Nó là một dự án tốn kém đã thất bại trong việc thu hút những người mua mà Volvo kỳ vọng. Cùng với công suất yếu, mẫu 480 còn khá là đắt. Tuy nhiên, Volvo đã không rút ra được bài học khi 480 bị loại bỏ vào năm 1995, dẫn đến một thập kỷ sau, họ lại nỗ lực tạo ra một chiếc coupe/hatchback khác là C30.

Plymouth Prowler

Hiển nhiên Plymouth Prowler sẽ được đề cập ở danh sách này. Mẫu hot rod theo phong cách cổ điển hiển nhiên rất ngầu, nhưng nó lại yếu kinh khủng, và có nội thất tương tự như Plymouth Breeze (một mẫu Dodge Stratus được đóng lại logo), và vì một lý do ngớ ngẩn nào đó mà lại được đóng logo Plymouth. Thương hiệu giá mềm của Chrysler vốn đã sẵn sàng cho cái chết của nó, vậy nên thật khó hiểu khi ra mắt Prowler dưới tên thương hiệu này. Nhưng Chrysler vẫn bất chấp tất cả khi Prowler được ra mắt vào năm 1997.

Dự án là một nỗ lực tâm huyết của những nhà thiết kế và kỹ sư, nhưng Chrysler vẫn đã mắc vài sai lầm. Sai lầm đầu tiên, chiếc xe đã thiếu động cơ V8. Prowler lần đầu ra mắt với động cơ V6 chỉ sản sinh công suất 214 mã lực nhưng sau đó đã được thay thế bằng động cơ V6 khác tốt hơn với công suất 253 mã lực. Đồng thời, nó cũng chỉ có duy nhất một lựa chọn hộp số bán tự động 4 cấp.

Công suất yếu và trải nghiệm lái không có gì thú vị, dù được trang bị hệ dẫn động cầu sau, Prowler đã kéo dài tuổi thọ thêm được vài năm sau khi Plymouth bị ngừng hoạt động. Mẫu xe trở thành Chrysler Prowler và tồn tại để chứng kiến mẫu năm 2002. Tổng cộng 11.700 chiếc Prowler được chế tạo và trong khi Chrysler xứng đáng được ghi nhận cho sự táo bạo ở đây, Prowler không chỉ là một chiếc xe sai lầm ở một thời điểm sai lầm cho nhà sản xuất xe ô tô, mà sự ra đời của nó cũng không cần thiết.

Duy Thành
Đánh giá: