menu

10 vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử ô tô

Ngọc Minh 13:57 - 05/05/2023

Từ việc làm giả dữ liệu thí nghiệm đến các sự cố hỏng hóc gây ra tử vong của nhiều người tiêu dùng, đây là những vụ bê bối lớn nhất trong ngành công nghiệp ô tô có dính líu đến hầu như toàn bộ các ông lớn trong ngành.

Không giống như ngành công nghiệp giải trí, nơi drama và các scandal diễn ra hàng ngày hàng giờ, và cũng chính là điểm hấp dẫn của nó, công nghiệp ô tô đòi hỏi sự chính xác và an toàn cao. Mặc dù vậy, trong hơn một trăm năm hoạt động của nó, đã có nhiều sự cố kinh hoàng ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của các nhà sản xuất ô tô.

Nhằm tăng lợi nhuận, làm đẹp số liệu trước khách hàng, thậm chí các nhà sản xuất xe hơi hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản, Đức cũng không thể cưỡng lại việc "uốn nắn" quy định và luật lệ. Nhiều công ty lớn, từ Ford và GM đến Volkswagen, Toyota - Daihatsu đã phải thừa nhận những sai lầm như vậy.

Các công ty liên quan đến các hoạt động như vậy đã phải trả giá cho sự không trung thực của họ. Nhiều công ty đã tuyên bố phá sản sau khi tin tức được tiết lộ, và những công ty sống sót phải chịu một thiệt hại đáng kể trong việc triệu hồi tất cả các xe bị ảnh hưởng. Sau những thảm hoạ như vậy, xây dựng hình ảnh công chúng sẽ tốn nhiều nỗ lực.

Dưới đây danh sách 10 vụ bê bối ô tô lớn nhất đã ảnh hưởng đến thị trường ô tô.

Toyota - Daihatsu gian lận thử nghiệm an toàn

Toyota Vios (Yaris ATIV) thế hệ mới, một trong 4 mẫu xe Daihatsu đã can thiệp làm sai lệch kết quả đánh giá an toàn

Mới đây nhất và gây rúng động dư luận chính là bê bối gian lận của Daihatsu, một thương hiệu của tập đoàn Toyota. Ngày 28/4, Daihatsu phát đi thông cáo báo chí với nội dung xác nhận họ đã làm sai quy định, dẫn đến sai lệch kết quả của các bài kiểm tra va chạm đối với ít nhất 4 mẫu xe. 2 trong số đó là những cái tên được người tiêu dùng Việt Nam quan tâm, đó là: Toyota Vios (Yaris ATIV) thế hệ mới và Toyota Wigo (Agya) thế hệ mới. Hai mẫu xe còn lại là Perodua Axia (còn được biết đến với tên Wigo ở Việt Nam), và 1 sản phẩm chưa ra mắt.

Trong quá trình kiểm nghiệm độ an toàn khi xảy ra va chạm bên hông, Daihatsu này đã tự ý bổ sung một chi tiết bên trong tấm ốp cánh cửa ở hàng ghế trước của những dòng xe kể trên. Nó nhằm giảm thiểu nguy cơ tấm ốp nói trên vỡ thành những mảnh sắc nhọn khi túi khí bên bung ra sau va chạm, từ đó hạn chế thương tích cho người ngồi. Tuy nhiên, chi tiết thay đổi này không hề xuất hiện trên xe nguyên bản được giao đến tay khách hàng, mà dành riêng cho những mẫu được gửi đến các tổ chức đánh giá độc lập như ASEAN NCAP. Có hơn 88.000 xe thuộc phạm vi bị ảnh hưởng bởi gian lận này, và nó đã giáng một đòn mạnh vào danh tiếng của Toyota.

Bê bối của loạt hãng xe lớn Nhật Bản tại quê nhà

Trước đó, ngoài Toyota, các thương hiệu xe hơi Nhật Bản cũng gặp không ít bê bối ngay tại chính quê nhà. Sau thảm họa túi khí Takata, Mitsubishi gian lận bài kiểm tra tiết kiệm nhiên liệu và Nissan thu hồi tới 1,2 triệu xe lắp ráp tại Nhật, Subaru là hãng xe Nhật tiếp theo dính bê bối. Như đã báo cáo, công ty đã sử dụng các kỹ thuật viên không có chứng chỉ để thực hiện các cuộc kiểm tra cuối cùng đối với một số dây chuyền sản xuất trong nước trong 30 năm, gây nguy hiểm cho hàng nghìn người.

Suzuki, Mazda và Yamaha: Dữ liệu khí thải sai

Ba trong số các nhà sản xuất xe lớn của Nhật Bản, bao gồm Mazda, Suzuki và Yamaha cũng không tránh khỏi thừa nhận hành vi gian dối. Sau vụ bê bối của Nissan và Subaru, 23 công ty khác đã chính thức được yêu cầu thực hiện thêm các bài kiểm tra khí thải. Kết quả cho thấy một số xe do Mazda, Suzuki và Yamaha sản xuất không đủ tiêu chuẩn.

Có thông tin cho rằng những chiếc xe này chưa được kiểm tra kỹ lưỡng, có thể là do việc tiến hành thử nghiệm không đầy đủ hoặc do các kỹ thuật viên chưa được chứng nhận thực hiện. Tuy nhiên, các quan chức của công ty đã phớt lờ vấn đề này, gây ra hậu quả nghiêm trọng như trên.

Ford: Thảm họa lốp Firestone của Explorer

 

Khi nhận được nhiều báo cáo về sự kém hiệu quả của lốp Ford Explorers, vào năm 2000, Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) đã điều tra vụ việc. Nhà cung cấp lốp xe của Ford, Firestone, thừa nhận rằng lốp xe không đạt chất lượng tiêu chuẩn, dẫn đến lốp bị tách và thủng. Sau đó, Firestone đã phải thu hồi 14,4 triệu lốp xe.

Daimler: Hối lộ và tham nhũng

Năm 2010, hãng xe Đức bị cáo buộc hối lộ và tham nhũng. Theo tuyên bố của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ, công ty đã kiếm được ít nhất 56 triệu đô la nhờ các hoạt động bất hợp pháp trong hơn một thập kỷ.

Được biết, Daimler đã kiếm được lợi nhuận đáng kể thông qua việc thực hiện các giao dịch bất hợp pháp với các bộ trưởng Iraq có liên quan đến Chương trình Dầu lấy Lương thực của Liên hợp quốc. Để lấy lại danh tiếng, công ty đứng sau Mercedes-Benz đã đồng ý nộp phạt 185 triệu USD, sau đó tuyên bố rằng những nhân viên có liên quan đến hối lộ đã bị sa thải.

Volkswagen: Che đậy khí thải động cơ diesel

VW đã đi từ "nổi tiếng" thành "kẻ dối trá" trong một cuộc điều tra của EPA. VW đã cài phần mềm hạn chế phát thải trên hơn nửa triệu xe dùng động cơ Diesel ở Hoa Kỳ và khoảng 10,5 triệu chiếc nữa trên toàn thế giới, cho phép họ qua mặt được các thông số tiêu chuẩn khí hải do Cơ quan Bảo vệ Môi trường quy định. Phần mềm này sẽ chuyển đổi giữa hai chế độ vận hành riêng biệt (thử nghiệm và thực tế). Khi được thử nghiệm, nó sẽ khiến xe vận hành theo tiêu chuẩn khí thải cho phép. Còn khi lái thực tế, nó sẽ chuyển sang chế độ hoạt động riêng, khiến xe chạy hiệu suất cao hơn nhưng ô nhiêm hơn gấp 40 lần so với giới hạn khí thải quy định.

Vụ bê bối bị phanh phui đã khiến VW mất danh tiếng, cũng như khoản lỗ 30 triệu đô la. Không có gì ngạc nhiên khi vụ bê bối của VW cũng ảnh hưởng đến sự phổ biến của động cơ diesel, khiến chúng phải trải qua các cuộc kiểm tra khí thải nghiêm ngặt sau đó.

Ford: Thùng nhiên liệu phát nổ của Pinto

Pinto là nỗ lực của Ford trong việc chạy theo xu hướng xe nhỏ gọn vào năm 1971, và nó đã đạt được thành tích bán hàng xuất sắc trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, trong trường hợp va chạm phía sau, xe không có vùng hấp thụ xung lực, cổ bình xăng có thể bị gãy, giải phóng nhiên liệu vào cabin, nguy cơ phát nổ cao.

900 báo cáo về sự cố tử vong hoặc bỏng liên quan đến mẫu xe này, dẫn đến một trong những vụ bê bối tồi tệ nhất trong lịch sử ô tô Mỹ.

GM: Công tắc đánh lửa bị lỗi

Vụ bê bối Công tắc đánh lửa của GM với hơn 120 nạn nhân thường được so sánh với Pinto của Ford. Công tắc đánh lửa sẽ đột ngột dừng lại khi xe chạy ở tốc độ cao, khiến các trang bị an toàn, bao gồm túi khí và phanh trợ lực, bị vô hiệu hóa. Vấn đề đã được chú ý vào đầu những năm 2000; tuy nhiên, các báo cáo về tử vong và thương tích vẫn tiếp tục đến.

GM đã quyết định rằng việc sửa công tắc này là không đáng và phải đến năm 2014, hãng mới thu hồi công tắc đánh lửa được sử dụng trên nhiều mẫu xe. GM bị buộc tội trốn tránh trách nhiệm đối với sự an toàn và tính mạng của người tiêu dùng và đã bị phạt hàng triệu đô la vì vấn đề đó.

Toyota: Tăng tốc ngoài ý muốn

Toyota luôn nổi tiếng với những chiếc xe an toàn cho đến những năm 2000, khi các vụ tai nạn do tăng tốc ngoài ý muốn được báo cáo ở Mỹ. Lúc đầu, Toyota tuyên bố vấn đề là do thảm sàn đẩy chân ga và triệu hồi 5,5 triệu xe để khắc phục. Sau đó, họ thông báo rằng thủ phạm thứ hai có thể là chân ga bị dính, buộc phải thu hồi thêm nhiều xe.

Trên thực tế, điều làm tổn hại danh tiếng của công ty nhiều nhất là phản ứng chậm trễ của họ đối với vấn đề này. Toyota phải chịu trách nhiệm về phản ứng chậm trễ gây nguy hiểm đến tính mạng của nhiều người tiêu dùng và do đó đã bị phạt 1,2 tỷ USD.

Thu hồi túi khí Takata

Túi khí của Takata đã đánh dấu một thảm họa khiến tính mạng con người gặp nguy hiểm và dẫn đến hỏng hóc của nhiều hãng xe hơi, đặc biệt là Honda, khách hàng lớn nhất của hãng. Hơn 30 triệu phương tiện đã phải thay thế tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhiều hơn nữa đã được thu hồi.

Túi khí Takata hóa ra có khả năng gây tử vong vì chúng có thể bất ngờ nổ tung và bắn các mảnh kim loại vào hành khách. Ít nhất 16 trường hợp tử vong do túi khí bị lỗi đã được báo cáo, cộng với 250 người bị thương. Cả Takata và Honda đều bị phạt và đổ lỗi vì phản ứng không ngay lập tức và đầy đủ. Cuối cùng, Takata bị tuyên bố phá sản và được bán cho Key Safety.

Ngọc Minh
Đánh giá: