Vai trò của khóa vi sai và dấu hiệu nhận biết bộ vi sai bị hỏng
07:40 - 24/08/2022
Mỗi bộ phận trên ô tô đều giữ một vai trò khác nhau, trong đó những chi tiết nhỏ thuộc về hệ truyền động như khóa vi sai sẽ ít được chú ý tới. Thường chỉ có những thợ sửa chữa, người có kỹ thuật chuyên môn mới quan tâm đến chúng. Tuy nhiên, các chủ xe vẫn nên trang bị kiến thức cơ bản về những chi tiết này trên "xế cưng" để không bị bối rối khi có vấn đề xảy ra.
Nhân cơ hội độc giả Nguyễn Đức Hiếu thắc mắc về khóa vi sai ô tô, Tinxe.vn sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về bộ phận này trong bài viết dưới đây cho các bạn tham khảo.
Khóa vi sai là gì?
Khóa vi sai là bộ phận có nhiệm vụ giúp các bánh xe quay với tốc độ khác nhau nhằm tạo sự cân bằng và ổn định cho ô tô, nhất là khi vào cua. Bộ vi sai là một hệ thống gồm các bánh răng nằm trên trục nối 2 bánh xe, nhận mô men xoắn từ trục truyền động và phân chia ra từng bánh xe, giúp mỗi bánh xe quay được ở tốc độ khác nhau, tạo sự cân bằng và ổn định cho xe.
Tỷ số giữa bánh răng chủ động và vành răng sẽ được tính toán tùy theo dòng xe và mục đích sử dụng của xe. Thông thường, nhà sản xuất sẽ dùng khóa vi sai cầu sau để lái xe dễ dàng hơn.
Có 2 loại vi sai chính bao gồm vi sai mở và vi sai khóa. Trong đó, loại phổ biến hơn là vi sai mở với ưu điểm là rẻ, bền và nhẹ. Tuy nhiên, chúng có nhược điểm là mô men xoắn truyền tới các bánh không đều, bánh xe ít độ bám hơn.
Vi sai khóa giúp khóa trục bánh xe khi cần, làm tăng sức mạnh cho xe nhưng nhược điểm của chúng là phải mở khóa trước khi vào cua, cách thức sử dụng phức tạp hơn nên thường dùng cho loại xe off road chuyên đi vào đoạn đường gồ ghề, gập ghềnh.
Hiện nay còn có thêm một loại nữa cải thiện những điểm yếu của 2 loại trên đó là vi sai hạn chế trượt kết hợp phanh. Chúng giúp tăng độ bám của bánh xe, tiện sử dụng, ít phải bảo dưỡng.
Khóa vi sai để làm gì?
Khóa vi sai là thiết bị cực kỳ quan trọng đối với ô tô, có công dụng điều khiển, tác động lên 4 bánh xe với vận tốc khác nhau tạo ra sự cân bằng cho xe khi tăng tốc hoặc vào cua, chuyển động trên đường không bằng phẳng. Khi vào cua, bánh xe phía trong sẽ chạy chậm hơn bánh xe bên ngoài vì quãng đường ngắn hơn, để cân bằng được vận tốc của các bánh xe thì cần phải có sự hỗ trợ của khóa vi sai.
Nếu không có thiết bị này thì khi vào cua thì các bánh xe sẽ quay cùng 1 tốc độ, dễ gây ra tình trạng trượt quay bánh xe, di chuyển khó khăn. Bên cạnh đó, khóa vi sai còn giúp tăng độ bám đường, hỗ trợ xe vượt qua chướng ngại vật, hạn chế bánh xe bị trượt khi đi qua vũng lầy. Tuy nhiên, khóa vi sai lại có nhược điểm là phát ra tiếng ồn, có thể khiến lốp xe bị mòn. Nếu lắp đặt khóa vi sai ở cầu trước thì xe di chuyển không mượt và khó để điều khiển.
Dấu hiệu nhận biết vi sai bị hỏng
Phát ra âm thanh lạ
Âm thanh lạ phát ra từ bộ vi sai có thể là do các bánh răng vành chậu quả dứa bị sứt mẻ, mòn hoặc các ổ bi đỡ bị vỡ, khô dầu nên khi hoạt động sẽ gây ra tiếng kêu. Nếu tình trạng này diễn ra nặng hơn sẽ ảnh hưởng đến khả năng chuyển động của xe.
Xe ô tô khó di chuyển khi mới vào số
Nếu thấy xe khó di chuyển khi mới vào số và đạp ga thì bộ vi sai có thể bị hỏng. Nguyên nhân dẫn đến lỗi vi sai này là do bánh răng vành chậu và bánh răng quả dứa có sự sai lệch khi ăn khớp với nhau, hoặc các bánh răng bị sứt mẻ, các ổ bi bị ép quá mức cũng khiến bánh răng vành chậu khó quay hơn.
Xe rung lắc khi di chuyển
Khóa vi sai gặp vấn đề cũng là tác nhân khiến xe bị rung lắc khi chạy. Bán trục với bánh răng trong bộ vi sai thường ăn khớp bằng then hoa. Nếu các then hoa bị sứt mẻ sẽ làm cho chuyển động quay của các bán trục không ổn định, dẫn đến hiện tượng ô tô bị rung lắc khi di chuyển.
Rò rỉ dầu vi sai
Dầu vi sai có tác dụng bôi trơn giúp khóa vi sai hoạt động êm ái, hạn chế nhiệt sinh ra ma sát. Dầu vi sai bị rò là dấu hiệu nghiêm trọng, cho thấy khả năng hoạt động của xe đang bị ảnh hưởng.
Trên đây là những thông tin về khóa vi sai cũng như dấu hiệu nhận biết hỏng hóc để bạn kịp thời sửa chữa, khắc phục. Hy vọng bài viết chia sẻ vừa rồi đã giúp độc giả Nguyễn Đức Hiếu có thêm kiến thức cần thiết, góp ích trong việc sử dụng chiếc xe ô tô của mình một cách hiệu quả, bền bỉ hơn.
Tịnh Tâm