menu

Có nên độ thêm cửa hít cho xe ô tô không?

11:14 - 23/10/2022

Độc giả Phạm Huỳnh Anh (31 tuổi) hỏi: "Tôi đang dùng chiếc Hyundai Accent của mình để chạy dịch vụ, tôi có nên độ thêm cửa hít để khách đóng mở nhẹ nhàng hơn không?"

Cửa hít là loại cửa ô tô có khả năng tự động đóng chặt mà không cần đến lực đẩy hoặc kéo mạnh như cửa thông thường. Theo đó, người dùng chỉ cần đẩy nhẹ để cửa vừa chạm đến chốt khoá trên thân xe, hệ thống sẽ tự động kéo cửa sập chốt. Thường thì cửa hít chỉ xuất hiện trên xe sang, nhưng ngày nay, xe phổ thông cũng có thể độ được cửa hít.

Khách đi xe dịch vụ hoặc taxi thường có thói quen đóng mạnh để cửa sập vào lẫy, tránh tình trạng tiếng báo động khi cửa xe đóng không chặt. Hành động này khiến xe bị ảnh hưởng, dẫn đến hỏng hóc sau này. Bởi vậy, nếu có cửa hít thì cả tài xế lẫn khách hàng đều thấy thoải mái hơn. Vậy nên, việc độ thêm cửa hít hay không chủ yếu phụ thuộc vào khả năng tài chính của bạn.

Ưu điểm của cửa hít

Khi lắp cửa hít ô tô, thao tác đóng cửa sẽ rất dễ dàng, chỉ cần đẩy nhẹ là cửa vào chốt nhanh chóng. Cửa hít giúp giảm lực đóng cửa, hạn chế được tình trạng đóng cửa quá mạnh làm ảnh hưởng đến xe. Với cửa hít ô tô, khi chạm chốt, cửa sẽ được tự động kéo vào một cách êm ái, âm thanh đóng cửa rất nhỏ chứ không rầm rầm như cửa ô tô bình thường.

Bên cạnh đó, nếu lắp cửa hít, bạn sẽ không phải khó chịu vì tiếng cảnh báo khi cửa xe đóng không chặt. Điều này đặc biệt hữu dụng trong trường hợp hành khách xuống xe và đóng cửa không kín vì tài xế không cần phải chạy đi chạy lại để đóng các cửa nữa. 

Chưa hết, cửa hít còn là một trang bị giúp nâng tầm đẳng cấp cho xế cưng, giúp người dùng được trải nghiệm tính năng của xe sang. Chúng đặc biệt tỏ ra hữu ích khi bạn dùng xe để kinh doanh dịch vụ.

Cửa hít thường xuất hiện trên xe sang, nhiều chủ nhân xe phổ thông cũng đã lắp đặt thêm trang bị này.

Cửa hít thường xuất hiện trên xe sang. Ngày nay, nhiều chủ xe phổ thông cũng đã lắp đặt thêm trang bị này.

Nhược điểm của cửa hít

Người dùng cửa hít ô tô có thể bị kẹp ngón tay nếu không chú ý. Vào hồi năm 2020, một người đàn ông tại Mỹ đã bị cửa hít của chiếc xe sang Jaguar XJL kẹp ngón tay cái bên phải. Hậu quả là người đàn ông này đã đứt một phần ngón tay cái và không ghép lại được. Với trẻ nhỏ thì tính năng này thậm chí có thể nguy hiểm hơn. Do đó, người dùng ô tô có cửa hít cần phải hết sức cẩn thận, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Có nên độ cửa hít không?

Chi phí lắp thêm cửa hít cho ô tô dao động từ 8 - 20 triệu đồng/bộ 4 cửa tùy vào mẫu xe và hãng sản xuất (đã bao gồm cả tiền mua hệ thống cửa hít cũng như công lắp đặt). Thời gian bảo hành cửa hít cũng tùy vào mỗi hãng nhưng thường là 2 - 3 năm. Việc có nên độ cửa hít hay không sẽ phải tùy thuộc vào điều kiện tài chính của bạn.

Trên thị trường có rất nhiều dòng cửa hít, nổi bật nhất có thể kể đến như Owin (giá dao động từ 14 - 21 triệu đồng/bộ), JooToon (giá dao động từ 11 - 20 triệu đồng/bộ), Yagu (từ 10 - 18 triệu đồng/bộ) Scar (từ 10 - 20 triệu đồng/bộ),...

Đa số những mẫu xe phổ biến trên thị trường hiện nay, từ dòng xe hạng A như Kia Morning, Hyundai Grand i10, Mazda3, Kia K3, Toyota Camry, Honda CR-V, Hyundai Santa Fe đến xe sang như Mercedes-Benz, Audi, Volvo, Land Rover, BMW,… đều có các bộ cửa hít tương thích.

Cửa hít ô tô có độ bền khá cao, không kém gì khoá cửa nguyên bản, thời hạn hoạt động của cửa hít có thể hơn 100.000 chu kỳ. Việc lắp cửa hít khá nhanh, khoảng từ 1 - 4 tiếng tùy theo số lượng thợ lắp. Đa phần các nơi bán cửa hít ô tô đều hỗ trợ luôn lắp đặt tại chỗ nên bạn có thể tham khảo tại các địa điểm bán uy tín.

Đánh giá: