Đánh giá Subaru Crosstrek: Xe cho đàn ông trầm ổn
Long NG 12:58 - 03/12/2024
Ra mắt người dùng trong khuôn khổ triển lãm Ô tô Việt Nam (VAMA) diễn ra vào cuối tháng 10, Subaru Crosstrek gây tranh cãi khi sở hữu giá bán khởi điểm từ 1,098 tỷ và cao nhất lên tới 1,268 tỷ đồng cho 2 phiên bản: 2.0 i-S EyeSight và 2.0 i-S EyeSight e-Boxer (mild-hybrid).
Sở dĩ có giá bán cao như vậy là do Subaru Crosstrek được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản, thay vì Thái Lan như một số thông tin được hé lộ ở năm 2023. Kết quả này đến từ việc hãng xe Nhật quyết định đóng cửa nhà máy lắp ráp tại xứ sở chùa Vàng vào cuối năm nay.
Vậy với giá bán lên tới 1,268 tỷ đồng, Subaru Crosstrek sẽ dành cho ai và có gì để thuyết phục khách hàng? Dưới đây sẽ là một số đánh giá và nhận định của chúng tôi, sau quãng đường trải nghiệm khoảng 300 km.
Ngoại thất của Subaru Crosstrek
Subaru Crosstrek được định vị ở phân khúc SUV cỡ B+ với chiều dài, chiều rộng và chiều cao lần lượt là 4.480 mm, 1.800 mm và 1.600 mm. So với đối thủ trực tiếp là Toyota Corolla Cross, Crosstrek dài hơn nhưng hẹp về bề ngang và thấp hơn một chút.
Tuy nhiên, vóc dáng tổng thể của mẫu xe này khá khỏe khoắn khi phần mui xe được làm dài, kính lái vuốt về phía sau nhiều hơn. Còn về thiết kế, Crosstrek vẫn có “giao diện” đặc trưng của một mẫu xe Subaru, thông qua phần lưới tản nhiệt, nhưng có khá nhiều đường nét góc cạnh, tạo cảm giác có phần cầu kỳ hơn các “đàn anh” đi trước.
Hai phiên bản của mẫu xe này chênh lệch về giá bán tới 170 triệu đồng, nhưng chỉ khác nhau ở động cơ và cốp đóng/mở điện. Do đó nhìn từ phía bên ngoài, chúng gần như giống hệt nhau, chỉ khác là ở bản mild-hybrid sẽ có thêm một logo “e-Boxer” được đính ở phần cửa trước.
Trang bị ngoại thất của xe có điểm nhấn là cụm đèn LED có tính năng mở rộng góc chiếu trong cua. Theo trải nghiệm thực tế của chúng tôi, cụm đèn này có cường độ ánh sáng khá mạnh, hoàn toàn đủ dùng và không cần thiết phải “độ” thêm.
Xe được trang bị bộ mâm hợp kim 18 inch dạng phay xước 2 tông màu, với thiết kế tạo hình cánh quạt khá phù hợp với ngoại hình tổng thể. Ở phía sau, cụm đèn hậu LED có kiểu dáng tương tự “đàn anh” Forester nhưng kết hợp với một phần đuôi góc cạnh, đủ bắt mắt và dễ nhận diện.
Nội thất của Subaru Crosstrek
Bước vào bên trong, chúng ta vẫn sẽ cảm nhận được phong cách thiết kế quen thuộc của hãng xe Nhật Bản, với cụm màn hình đặt dọc và gắn liền vào bảng táp-lô và tạo hình của cửa gió điều hòa. Tuy nhiên xét về trang bị tiện nghi, Subaru Crosstrek có thể sẽ không thỏa mãn được số đông người dùng, khi xe có giá bán lên tới 1,268 tỷ đồng.
Thực tế, trang bị tiện nghi của Crosstrek không đến nỗi tệ. Ngoài một số điểm như trên, xe còn có ghế lái chỉnh điện 10 hướng, ghế phụ chỉnh điện 8 hướng, điều hòa tự động 2 vùng độc lập, cổng sạc USB-A và USB-C cho 2 hàng ghế, cửa sổ trời. Tuy nhiên, điểm trừ lớn nhất của mẫu xe này là không có cửa gió điều hòa cho hàng ghế sau.
Việc khuyết thiếu cửa gió điều hòa sẽ khiến xe có sự chênh lệch nhiệt độ khi chở cả 4 người. Để hàng ghế sau đủ mát, hàng ghế đầu sẽ hơi lạnh một chút và ngược lại, hàng ghế đầu không lạnh thì hàng ghế sau lại nóng.
Về trải nghiệm ngồi, hàng ghế đầu của Subaru Crosstrek có thiết kế khá ôm người, phần đệm đủ dày để đảm bảo sự êm ái khi đi xa. Tuy nhiên, khoảng trần của xe bị giới hạn, do chiều cao đạt 1.600 mm nhưng khoảng sáng gầm lại lên tới 220 mm.
Tình trạng này diễn ra ở hàng ghế thứ 2, khi trần xe vuốt nhẹ về phía sau. Người dùng cao khoảng 1m8 sẽ cảm thấy không thoải mái khi ngồi mẫu xe này, bù lại khoảng để chân tương đối rộng rãi.
Khả năng vận hành của Subaru Crosstrek
Ngồi vào vị trí ghế lái, người điều khiển sẽ ấn tượng với một tầm nhìn thoáng đãng, nhờ cột A vuốt về phía sau và cụm gương chiếu hậu được đặt xuống thân cửa. Tuy nhiên khi vận hành ở tốc độ cao, xe vẫn có tiếng gió 2 bên do cụm gương khá lớn.
Bù lại, cách âm môi trưởng và khung gầm của Subaru Crosstrek khá tốt, dù xe được trang bị mâm hợp kim 18 inch. Động cơ của xe phải lên tới vòng tua 4.000 vòng/phút, thì tiếng máy mới vọng vào khoang cabin và ngoài ra, độ rung của động cơ rất nhỏ, không gây tác động tới chân ga.
Về trải nghiệm thực tế với phiên bản này, những nước ga đầu của xe khá thoáng. Tuy nhiên, dải tua tầm trung không thực sự cảm xúc, do hộp số giữ tua ở mức 3.000 vòng/phút khi vận hành ở chế độ lái Intelligent (Thông minh). Kể cả khi đạp kịch chân ga, xe có độ trễ trước khi vòng tua được đẩy lên cao, sức kéo ở giai đoạn đó không mạnh, lên khá từ từ.
Ở phiên bản e-Boxer, xe vẫn sử dụng khối động cơ 2.0L như trên nhưng kết hợp thêm một mô-tơ điện có thông số kỹ thuật là 16,5 mã lực và 66 Nm. Do kết cấu mild-hybrid, mô-tơ điện có nhiệm vụ chính là bổ trợ khả năng tăng tốc cho động cơ xăng.
Dẫu vậy, Subaru Crosstrek e-Boxer vẫn có chế độ lái thuần điện (EV Mode), chủ đông kích hoạt ở vận tốc dưới 60 km/h và pin đầy. Tuy nhiên, quãng đường di chuyển không nhiều, nên sẽ không thể tiết kiệm nhiên liệu như những mẫu xe thuần hybrid đang được bày bán trên thị trường.
Điểm chung của 2 phiên bản của Crosstrek là vô-lăng có trợ lực điện và hệ thống treo độc lập 4 bánh. Về trải nghiệm thực tế, vô-lăng của Subaru Crosstrek khá nhẹ nhàng, không đem lại cảm giác thể thao kiểu xiết, nhưng rất ổn định và thật tay khi vận hành. Thiết kế này sẽ phù hợp với việc đi phố khi người dùng cần một mẫu xe lái nhàn nhã, hoặc off-road khi cần đánh lái nhanh để xử lý tình huống gấp. Hệ thống treo của xe thiết kế tương đối mềm. Khi đi qua các gờ giảm tốc hay ổ gà, người dùng có thể cảm nhận sự “nhún nhảy” của hệ thống treo. Nhưng nhờ trọng tâm lái được đặt thấp, người ngồi không có cảm giác “nhao” gây khó chịu.
Ở điều kiện vận hành trên cao tốc, dù sở hữu hệ thống treo khá mềm nhưng Crosstrek vẫn đem lại cảm giác tự tin khi chuyển làn ở vận tốc 120 km/h. Xe có độ bám tốt nhờ hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian đối xứng SAWD; thân xe chỉ lắc nhẹ nhưng nhanh chóng ổn định, giúp người dùng dễ dàng cảm nhận được sự vững chắc của khung gầm.
Với địa hình off-road nhẹ dạng sỏi đá hoặc đường cát có độ mềm ở mức vừa phải, Subaru Crosstrek đem tới cảm giác lái khá thú vị. Người lái có thể tự tin chạy xe ở tốc độ cao, mà không cần lo lắng đến sự xóc nảy, do hệ thống treo có khả năng hấp thụ dao động tốt và dập tắt dao động nhanh.
Tuy nhiên, việc động cơ chỉ thực sự thể hiện hết sức mạnh ở vòng tua 4.000-6.000 vòng/phút khiến Crosstrek không phù hợp với những màn leo đồi cát, nếu không có đà ổn định từ trước. Còn ở những khúc cua gắt trên đường nhựa, hệ dẫn động SAWD và vô-lăng có độ chính xác khi đánh lái giúp xe duy trì độ bám tốt.
Trang bị an toàn của Subaru Crosstrek
Cả 2 phiên bản của mẫu xe này đều được trang bị hệ thống an toàn chủ động EyeSight thế hệ 4.0, với cải tiến góc camera siêu rộng. Trong quá trình trải nghiệm thực tế, chúng tôi thấy ấn tượng với tính năng hỗ trợ phanh chủ động nhờ khả năng nhận diện phương tiện tốt và phanh có độ dịu, không hãm đột ngột gây khó chịu.
Trên cao tốc, tính năng hỗ trợ giữ làn “đọc” vạch kẻ đường tốt, chủ động nhắc nhở và cảnh báo nếu phát hiện người dùng không đặt tay lên vô-lăng trong 15 giây. Khi cầm nắm, vô-lăng sẽ chỉ nắn nhẹ để giữ làn, không giật/kéo.
Tính năng ga tự động thích ứng nhận diện và “bám” theo xe phía trước ở khoảng cách khá an toàn, không cần đi gần để kích hoạt. Ngoài ra, xe còn có một số trang bị đáng chú ý khác như: đèn pha thông minh, phanh tự động khi lùi, tự động mở khóa cửa xe khi va chạm, cảnh báo đai an toàn trên tất cả các ghế và 7 túi khí.
Ai sẽ là người mua Subaru Crosstrek?
Khi Forester chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản thay vì Thái Lan như hiện tại, Crosstrek sẽ là sản phẩm có giá bán dễ tiếp cận nhất của Subaru Việt Nam.
Mẫu crossover cỡ B+ này sẽ không phải lựa chọn của số đông, do khách Việt có nhiều lựa chọn trong tầm giá 1,2 tỷ đồng. Nhưng với những khách hàng ưa thích thương hiệu này và quan tâm đến chất lượng nhập Nhật cũng như sự an toàn, Crosstrek vẫn có thể thỏa mãn được những tiêu chí đó.
Nhìn chung, Subaru Crosstrek là một mẫu xe đa nhiệm, có thể đi phố dù treo hơi mềm một chút, đi xa được và có thể tìm kiếm một chút vui vẻ ở những cung đường xấu ít người qua lại. Tuy nhiên, việc khuyết thiếu cửa gió điều hòa có thể ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người dùng.