menu

Treo biển "VỀ ĂN CƠM" nghỉ bán hàng, cây xăng bị phạt 10 triệu đồng

15:58 - 06/10/2021

Việc ngừng bán hàng, mở cửa nhưng không bán hàng của cửa hàng xăng dầu có thể được xem là hành vi đầu cơ găm hàng chờ tăng giá và sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.

Hôm nay, 6/10, Đoàn kiểm tra của Đội quản lý thị trường số 3 thuộc Cục quản lý thị trường Hòa BÌnh vừa tiến hành xử phạt hành chính một cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh này.

Theo đó, trưa hôm nay Đội quản lý thị trường số 3 đã kiểm tra đột xuất cửa hàng xăng dầu Minh Quang, thuộc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Phú Hưng thuộc huyện Kim Bôi. Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng xăng dầu Minh Quang đang treo biển "VỀ ĂN CƠM", nghỉ không bán hàng, hai cột dầu diesel và xăng E5 Ron 92 cũng đã tắt nguồn điện, không có nhân viên trực tại cửa hàng.

Đoàn kiểm tra của Đội quản lý thị trường số 3 sau đó đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi vi phạm không bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản, hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Với vi phạm này của cửa hàng xăng dầu Minh Quang đã bị Đội quản lý thị trường số 3 ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 10 triệu đồng.

Được biết, việc đóng cửa, ngừng bán hàng của cửa hàng xăng dầu trên đã vi phạm quy định nên mới bị xử phạt. Mục đích của việc xử phạt các cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng khi chưa được phép nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, trữ hàng chờ giá xăng dầu tăng trong các kỳ điều chỉnh.

Căn cứ Điều 47 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về hành vi găm hàng như sau:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 46 của Nghị định này mà không có lý do chính đáng:

  • a) Cắt giảm địa điểm bán hàng;
  • b) Cắt giảm phương thức bán hàng (từ bán buôn sang bán lẻ) khác với thời gian trước đó;
  • c) Quy định, niêm yết, bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác với thời gian trước đó;
  • d) Cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác với thời gian trước đó.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 46 của Nghị định này mà không có lý do chính đáng:

  • a) Cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường;
  • b) Ngừng bán hàng hóa ra thị trường;
  • c) Không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng;
  • d) Mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Đánh giá: