menu

Mất trí nhớ tạm thời là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông

12:44 - 26/09/2019

Nghiên cứu mới của Đại học Nottingham cho thấy chứng mất trí nhớ tạm thời là một trong những nguyên nhân chính khiến tài xế lái xe quên đi sự hiện diện của những chiếc xe xung quanh khi tham gia giao thông.

Dù người tham gia giao thông có cẩn thận đến đâu đi chăng nữa thì tai nạn giao thông vẫn có thể xảy ra. Có khá nhiều yếu tố ảnh hưởng và nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, đa phần các nguyên nhân này đều liên quan đến những người tham gia giao thông xung quanh, đặc biệt là các tài xế lái xe ô tô.

Theo một nghiên cứu mới nhất của trường Đại học Nottingham của Anh Quốc, nguyên nhân khiến một số tài xế lái xe ô tô không nhìn thấy người điều khiển mô tô không phải là do họ không quan sát hay chú ý mà có thể do chứng mất trí nhớ tạm thời (Short-Term Memory Loss).

Thông qua hàng loạt các bài kiểm tra thử nghiệm 3 giai đoạn được thực hiện bởi BMW MINI cùng công nghệ mô phỏng lái xe, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên nhiều tài xế cả nam lẫn nữ ở mọi lứa tuổi. Sau quan sát và thống kê, nghiên cứu cho thấy các tài xế lái xe đều chú ý quan sát và nhìn thấy điều khiển xe mô tô nhưng ngay sau đó đã quên mất sự hiện diện của họ trên đường, từ đó dẫn đến tai nạn giữa xe ô tô và xe mô tô.

Mất trí nhớ tạm thời là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giữa ô tô và mô tô

Mất trí nhớ tạm thời là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giữa ô tô và mô tô

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phong trào "Quan sát 2 lần để cứu một mạng người" (Look twice, save a life) có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến chứng mất trí nhớ tạm thời. Cụ thể, hành động quan sát hai lần khiến bộ não của tài xế có xu hướng ghi nhớ hình ảnh gần nhất mà họ thấy, xóa đi hoàn toàn các hình ảnh mà họ nhìn thấy trước đó. 

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rất nhiều các tài xế phỏng đoán hoàn toàn sai khoảng cách của các phương tiện khác xung quanh mình. Hai sai sót này cùng nhau tạo nên hậu quả vô cùng khó lường, trong lần quan sát đầu tiên tài xế có thể thấy một chiếc xe khác từ xa, sau đó lại quan sát lần nữa thì không thấy chiếc xe đó ở đâu nữa vì họ cho rằng chiếc xe vẫn giữ nguyên khoảng cách cũ so với mình.

Kết quả, các nhà nghiên cứu đưa ra một giải pháp khá đơn giản cho vấn đề này. Thay vì quan sát hai lần, tài xế nên nói rõ ra rằng có một chiếc xe mô tô ngay sau khi quan sát. Nghe có vẻ hơi buồn cười nhưng nói to ra sự vật, sự việc giúp bộ não có thể lưu giữ hình ảnh và ghi nhớ thông tin tốt hơn.

Hiền Nguyễn

Đánh giá: